Về những leo thang trên bán đảo Triều Tiên

Vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ngày 31/10 vừa qua của CHDCND Triều Tiên đã gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Theo truyền thông nhà nước dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vụ thử tên lửa đã thành công và khẳng định vị thế của CHDCND Triều Tiên trong việc phát triển các phương tiện phóng là không thể đảo ngược.

Vụ thử tên lửa diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa 2 miền Nam - Bắc Triều Tiên. Trước đó, CHDCND Triều Tiên đã cho nổ tung một phần của tuyến đường Gyeongui và Donghae kết nối nước này với Hàn Quốc ở phía Bắc đường phân định quân sự (MDL). Sau đó, quân đội Hàn Quốc nổ súng cảnh cáo ở phía Nam MDL. Đây đều là những động thái diễn ra sau sự việc thiết bị bay không người lái từ phía Hàn Quốc xâm nhập bầu trời Bình Nhưỡng và rải truyền đơn vào đầu tháng 10. Quan hệ hai bên từ đó không ngừng xấu đi.

Ngày 9/10, khi đến thăm Singapore, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đề cập đến việc muốn thống nhất Bán đảo Triều Tiên. Quyết tâm này không chỉ được thể hiện bằng lời nói. Gần đây, Mỹ và Hàn Quốc tăng cường phô trương sức mạnh về quân sự, bao gồm cả việc Mỹ điều tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia USS Vermont hiện đại nhất đến căn cứ hải quân ở Busan của Hàn Quốc vào cuối tháng 9 vừa qua.

Trong cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn ngày 1/10, quân đội Mỹ cũng cử 2 máy bay ném bom chiến lược B1-b tham gia. Xét từ góc độ này, Bình Nhưỡng cho rằng phía Hàn Quốc không chỉ thực hiện bằng lời nói mà còn đang có sự chuẩn bị thực tế tương ứng. Động thái này đã chạm đến điểm giới hạn của CHDCND Triều Tiên về bảo vệ chính quyền và an ninh quốc gia.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Vermont của Mỹ tại căn cứ quân sự Busan, Hàn Quốc, ngày 23/9.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Vermont của Mỹ tại căn cứ quân sự Busan, Hàn Quốc, ngày 23/9.

Vì sao vụ xâm nhập bằng UAV này lại trở thành ngòi nổ khiến bầu không khí căng thẳng leo thang đến thế? Trên thực tế, hoạt động rải truyền đơn hay tác động âm thanh từ miền Nam ra miền Bắc không phải là chưa từng diễn ra. Tuy nhiên, trước đây, phương thức chủ yếu để phía Nam xâm nhập ra miền Bắc là sử dụng khinh khí cầu và phạm vi bay chỉ giới hạn ở khu vực biên giới hai nước. Tuy nhiên, lần này, UAV có động cơ mạnh hơn và bay qua cả trụ sở của Đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng. Điều này cho thấy hệ thống định vị và dẫn đường của UAV khá hiện đại, là lý do khiến cho Bình Nhưỡng đặt vấn đề đứng đằng sau hoạt động của UAV này phải là những chủ thể có tiềm lực tầm cỡ hoặc nhận được sự hỗ trợ của chủ thể đó. Chính phủ Hàn Quốc thì phủ nhận liên quan đến vụ xâm nhập bằng UAV này.

Sau khi CHDCND Triều Tiên cho nổ tung một số tuyến đường liên quan vào ngày 15/10, quân đội Hàn Quốc cho biết đã nổ súng cảnh cáo ở phía Nam MDL. Nếu đây gọi là “phát súng đầu tiên” thì có vẻ không đúng với tình hình thực tế. Xét cho cùng, Hàn Quốc đang nổ súng trên lãnh thổ của họ, đây là hành động thuộc phạm vi chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Đương nhiên, động thái này cũng cho thấy tâm thế không thỏa hiệp và nhượng bộ của Hàn Quốc. Họ bày tỏ thái độ khi CHDCND Triều Tiên cho nổ tuyến đường sắt và cầu.

Trên thực tế, một số tuyến đường bộ và đường sắt mà CHDCND Triều Tiên cho nổ lần này được xây dựng thông qua đàm phán chung giữa hai nước. Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên đã vay tiền Hàn Quốc để xây dựng tuyến đường này trên cơ sở thỏa thuận đạt được giữa hai bên và số tiền này vẫn chưa được hoàn trả. Vì vậy, Hàn Quốc, mặc dù cho thấy họ không hề muốn đe dọa cụ thể, song rõ ràng là ngoài việc chỉ có thể đứng nhìn, họ thể hiện một chút thái độ không thỏa hiệp và tức giận.

Chỉ có điều, theo nhiều nhà phân tích, các bên sẽ không muốn bùng nổ xung đột quân sự từ những vụ việc này. Hậu quả của nó sẽ là điều mà CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc không thể chịu đựng được. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả hai bên liên tục phô trương sức mạnh quân sự như hiện nay, không có nhiều không gian để dành cho thỏa hiệp. Thế nghĩa là, cuộc đối đầu căng thẳng này nhiều khả năng sẽ kéo dài.

Xét đến việc cắt đứt kênh liên lạc giữa hai miền Nam - Bắc, một khi xuất hiện tình trạng khẩn cấp, sẽ không ai có thể trả lời kịp thời cuộc gọi của đối phương. Cùng với việc tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang, ngay cả khi không bên nào có ý định gây ra xung đột thì rủi ro xung đột leo thang do các vụ việc bất ngờ cũng sẽ tăng lên và càng khó đoán định.

Nga và Trung Quốc từng nhiều lần kêu gọi giải quyết mâu thuẫn giữa hai miền Nam - Bắc thông qua đối thoại chính trị. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều lần không đạt kết quả bởi có thể từ một hoặc cả hai phía tỏ thái độ không hợp tác. Trong khi đó, Mỹ lại nhân cơ hội này để tăng cường sự hiện diện an ninh quân sự trên Bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến tình hình an ninh trên bán đảo ngày càng xấu đi.

Hiện nay, yếu tố bất ngờ khó đoán định lớn nhất tác động đến chính sách của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên và tình hình an ninh trên bán đảo có lẽ vẫn là kết quả từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Xét cho cùng, cho dù là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa hay ứng cử viên của đảng Dân chủ đắc cử, thì việc họ sắp xếp ê-kíp hoạch định chính sách đối ngoại và an ninh như thế nào, xử lý các vấn đề quốc tế ra sao, sẽ có tác động lớn tới từng khu vực. Đây là điểm quan trọng để phân tích tình hình Bán đảo Triều Tiên sẽ đi về đâu trong tương lai.

Ngọc Lan

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/ve-nhung-leo-thang-tren-ban-dao-trieu-tien-i749211/