Về niên hiệu 'Long Phi'
Vào thăm các đình miếu, thi thoảng chúng ta sẽ bắt gặp hai chữ 'Long Phi 龍飛' được viết ở vị trí đề niên hiệu trên các tấm hoành phi và liễn đối. Nếu tìm trong sách vở, sẽ phát hiện 'Long Phi' không phải niên hiệu của một vị vua nào, mà những nghiên cứu, giải thích về nó hiện cũng hiếm hoi, hạn hẹp, không đủ để giải thích rõ cho hiện tượng văn hóa này.
Từ chuyến khảo sát di sản Hán Nôm tại các đình miếu xưa tại An Khê (Gia Lai) gần đây, chúng tôi cho rằng nếu chữ “Long” tượng trưng cho vua chúa, cho triều đại; thì chữ “Phi” là để chỉ tình trạng của vua chúa, triều đại đó. Trong Kinh Dịch, “long” có 6 tình trạng: tiềm (ẩn) – hiện (ra) – dịch (sợ) – phi (bay) – kháng (cao), trong đó “phi” được xem là tình trạng tốt nhất của “long”.
Như vậy, nghĩa đầu tiên của “Long Phi” chúng ta có thể nói, là tượng trưng cho sự tốt đẹp của một thời vua, một triều đại nào nào đó, giống như “cát niên – 吉年” (năm tốt), tương ứng với “cát nguyệt – 吉月” (tháng tốt), “cát nhật – 吉日” (ngày tốt). Nó có tính tượng trưng, nên dù có khi đời vua chúa, triều đại nào đó thực sự không “thái bình thịnh trị” gì lắm, người ta vẫn đề “Long Phi”, như một ký hiệu về thời đại, niên đại.
Ngoài ra, việc đi thực tế cũng giúp chúng tôi nhận thấy một ý nghĩa rất quan trọng khác, thậm chí là quan trọng nhất của hai chữ “Long Phi” mà các nghiên cứu trước chưa nói được, là ẩn ý chính trị. Một vài ví dụ:
– Đình Tân An – 新安亭: Nhà anh linh có hoành phi đề “Long Phi Bính Ngọ thu – 龍飛丙午秋” (mùa thu năm Bính Ngọ niên hiệu Long Phi).
– Miếu Tân Chánh – 新正(庙): Liễn đối ở chánh điện và dinh Ông Hổ đều ghi “Long Phi Kỷ Dậu niên thu tạo – 龍飛己酉年秋造” (làm năm Kỷ Dậu niên hiệu Long Phi).
– Miếu Tân Lai – 新来庙: Hoành và liễn đều ghi “Long Phi Mậu Dần niên thu – 龍飛茂寅年秋” (mùa thu năm Mậu Dần niên hiệu Long Phi).
– Miếu Thanh Minh (tức 清明寺 Thanh Minh Tự): Hoành phi đề “Long Phi Nhâm Tuất niên xuân – 龍飛壬戌年春” (mùa xuân năm Nhâm Tuất niên hiệu Long Phi).
Cách ghi này khiến người đời sau gặp nhiều khó khăn trong việc xác định niên đại của di vật, bởi không cho biết rõ triều đại, dẫn đến việc suy đoán niên đại cũng dễ dẫn đến sai lạc xa, do can chi trùng khớp cách nhau đến 60 năm. Chẳng hạn “Long Phi Kỷ Dậu niên” là 1909 hay 1969?, “Long Phi Nhâm Tuất niên xuân” là mùa xuân năm 1922 hay 1862 hoặc 1982? bởi di vật đã qua nhiều lần sơn sửa lại.
Vì vậy, muốn biết đích xác niên đại của các di vật này, người khảo cứu phải tìm hiểu thêm từ nhiều phương diện khác như: người tặng và lai lịch người tặng, tình trạng và niên đại di vật cùng các thứ liên quan khác.
Còn “ẩn ý chính trị” ở đây là gì? Điều này cần căn cứ vào việc đối chiếu niên đại được ghi trên di vật và các mốc sự kiện lịch sử.
Trước hết, phải nói thêm rằng, An Khê hồi cuối thế kỷ 18 là căn cứ của nhà Tây Sơn, thường được biết đến với tên gọi “Tây Sơn Thượng Đạo”, nay thuộc Gia Lai nhưng xưa thuộc Bình Định. Và muộn nhất là từ thời Tây Sơn, An Khê trở thành miền đất mới của người Kinh, họ lên buôn bán làm ăn, xây dựng lực lượng, tạo nên bước ngoặt quan trọng trong quan hệ giao lưu văn hóa Kinh – Thượng.
Những chòi chợ, đình miễu, chùa chiền đầu tiên ở An Khê cũng ít nhiều gắn với nhà Tây Sơn, nổi tiếng hiện nay vẫn còn như: An Khê trường, Hòn Bình, Miếu Xà, Cánh đồng Cô Hầu, Kho tiền Ông Nhạc… Vì vậy, khi nhà Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn lên thay thế đã tìm cách xóa bỏ ảnh hưởng to lớn sâu sắc của Tây Sơn ở An Khê.
Dân chúng An Khê đứng trước tình thế: một mặt không dám công khai chống lại chủ trương của chính quyền mới là nhà Nguyễn, một mặt vẫn muốn gìn giữ “gốc gác”, “liên hệ” với nhà Tây Sơn thuở xưa, nên trong một số trường hợp cho phép, họ đã tìm cách dung hòa “hiện tại” và “quá khứ”, như việc ghi niên hiệu “Long Phi” lên các hoành phi, liễn đối trong đình, miếu trong thời điểm cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, khi tình hình chính trị rối ren, quyền cai trị của nhà Nguyễn bị thực dân Pháp tiếm chiếm.
Hoặc giai đoạn lịch sử sau đó, khi An Khê cũng trở thành “vùng xôi đậu” trong kháng chiến chống Mỹ vào những thập niên 1950-1970, niên hiệu “Long Phi” cũng xuất hiện trong đình miếu An Khê, như ở nhiều liễn đối tại phòng khách và chánh điện Miếu Thanh Minh có ghi: “Long Phi Tân Mão thu- 龍飛辛卯秋” (mùa thu năm Tân Mão) mà dân chúng thôn An Khê đã góp tiền cúng tặng năm 1951 nhân dịp trùng tu miếu; rồi hai cặp liễn đối và bảng Hồi tỵ trong Lỗ bộ đều đề “Long Phi Bính Ngọ trọng thu – 龍飛丙午秋” (tháng 8 năm Bính Ngọ niên hiệu Long Phi, ước đoán 1966) ở chánh điện đình Tân An.
Trước đó, khi tình hình chính trị có vẻ ổn định hơn, vào thập niên 1930-1940, niên hiệu được ghi rõ ràng, như thấy ở hoành phi và liễn đối tại chánh điện đình Tân Lai: “Bảo Đại thập lục niên xuân – 保大十六年春” (mùa xuân năm Bảo Đại thứ 16, tức 1941) và “Bảo Đại thập nhị niên thu – 保大十二年秋” (mùa thu năm Bảo Đại thứ 12, tức 1937), người tặng là ông quan “Lý trưởng cửu phẩm”. Thế nhưng cũng trong khoảng thời gian này, hoành phi ở miếu Tân Lai lại ghi: “Long Phi Mậu Dần thu” (mùa thu năm Mậu Dần 1938).
Dù người tặng cũng có hàm “bát phẩm”, “cửu phẩm” tức là có mối quan hệ ít nhiều với triều đình, nhưng trên quà tặng, họ không niên hiệu “Bảo Đại”, mà đề “Long Phi”. Điều này, ít nhất cho chúng ta thấy có 2 khả năng đồng thời: thứ nhất, “Long Phi” ở đây có nghĩa là “cát niên – 吉年”, “thịnh thời” thật như họ thấy hoặc chỉ mang tính tượng trưng; thứ hai “Long Phi” ở đây được dùng như một sự tránh né tên triều đại. Như vậy, trường hợp này cũng cho phép chúng ta suy luận rằng, tình cảm hay thái độ của mỗi nhóm người không giống nhau sẽ dẫn đến văn hóa ứng xử khác nhau đối với cùng một vấn đề.
Có thể thấy chuyện ghi niên hiệu “Long Phi” để tránh né tên triều đại rõ hơn khi nhìn vào các hội quán của người hoa Minh hương ở Việt Nam. Niên hiệu “Long Phi” ở những nơi này cũng mang ý nghĩa tương tự, tức họ là tự xem mình là con dân của nhà Minh, dòng giống của người Hán, không thần phục nhà Thanh và dòng giống Mãn Châu, vì thế khi nhà Minh mất, họ chạy sang Việt Nam “tị nạn chính trị”, xây dựng đền miếu, tạc tượng Ông Nhật Bà Nguyệt ghi nhớ gốc rễ của mình, ghi niên hiệu “Long Phi” trong các hoành phi, liễn đối để thể hiện “thái độ chính trị”, “tình cảm chính trị”. Điều này cũng phổ biến ở đền miếu tại Trung Quốc cuối thời Minh đầu thời Thanh và hội quán của người Minh hương ở nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, như ghi nhận của Yon Weng-woe trong bài Khảo chứng về động cơ sử dụng niên hiệu “Long phi” của di dân nhà Minh ở Đông Nam Á (2017).
Một điểm thú vị đáng lưu ý nữa là tự dạng (hình dạng chữ) của hai chữ “Long Phi” có khi được viết giống với các chữ còn lại trong dòng ghi niên hiệu niên đại, nhưng cũng nhiều khi được viết khác biệt so với các chữ khác, phổ biến là lối viết hành thảo bay bướm rất đẹp mà cũng rất khó nhận dạng, nếu người không quen sẽ khó đoán ra.
Ngoài “Long Phi”, người ta còn dùng hai chữ “Tuế Thứ – 歲次” để thay thế niên hiệu. Việc thay thế này khá phổ biến đối với những tặng vật có niên đại gần đây, ví dụ ở Miếu Thanh Minh có nhiều hoành, liễn Hán Nôm năm 1997 và 2008, nơi vị trí niên hiệu không ghi “Long Phi” như xưa, mà ghi “Tuế Thứ”. Có lẽ không phải vì tránh né những chuyện tế nhị như thấy ở các giai đoạn trước, mà vì dân chúng thấy thời kỳ lịch sử mới không còn niên hiệu, chỉ có tên nước, trong khi tên nước thời hiện đại lại gắn với thể chế chính trị, viết đầy đủ khá dài, đồng thời cũng muốn giữ một chút nét cổ kính, nên người ta ghi “Tuế Thứ” (nghĩa là: “vào năm…”). Đó là trên hoành phi, liễn đối, riêng trong vào các ngày lễ định kỳ tại đình miếu, khi mở đầu chúc văn dâng lên các vị thần linh, người ta vẫn ghi và đọc đầy đủ: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quốc” để cầu chúc cho quốc thái dân an.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ve-nien-hieu-long-phi-27223.html