Về nơi Bà Triệu được suy tôn Thành Hoàng làng
Đình làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) vốn là một trong những ngôi đình cổ mang nhiều nét độc đáo, hiếm có của Việt Nam. Đặc biệt, Thành Hoàng làng được thờ trong đình chính là Bà Triệu, một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt.
Thành Hoàng làng được thờ ở đình Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc chính là Bà Triệu, một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam.
Nhắc đến Bà Triệu, hậu thế nhớ đến hình ảnh vị nữ tướng anh hùng trong cuộc chiến chống giặc Ngô xâm lược đầu thế kỷ thứ 3 ở đất Cửu Chân (Thanh Hóa ngày nay).
Bà Triệu (tên là Triệu Thị Trinh, còn gọi là Trinh Nương, hay Triệu Ẩu), sinh năm 226, người huyện Quân Yên (Quan Yên), quận Cửu Chân. Bà có dung mạo hơn người, võ nghệ cao cường, có hoài bão lớn thể hiện qua câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người!”.
Năm 248, Bà Triệu cùng anh trai Triệu Quốc Đạt tập hợp trai tráng trong vùng tụ nghĩa chống lại ách đô hộ nhà Ngô. Một thời gian ngắn sau, Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời, Bà được tướng sĩ tôn làm Chủ tướng. Trước sức mạnh của quân ta, các thành ấp của quân Ngô ở Cửu Chân lần lượt bị đánh hạ. Cuộc khởi nghĩa phát triển, lan rộng ra các vùng Giao Chỉ, kéo dài vào tận Nhật Nam. Trước tình hình đó, Ngô vương Tôn Quyền đã phải cử viên tướng Lục Dận làm Thứ sử đem quân sang đàn áp.
Theo đó, từ núi Ngàn Nưa, nữ tướng Triệu Trinh Nương đã lãnh đạo nghĩa quân tiến xuống đồng bằng, chiến đấu với quân xâm lược. Tuy nhiên, do kẻ thù gian xảo, cùng với tương quan lực lượng chênh lệch khiến cho cuộc khởi nghĩa rơi vào khó khăn, bế tắc. Không chấp nhận khuất phục, Triệu Ấu đã một mình lên đỉnh Tùng Sơn (xã Triệu Lộc ngày nay) tuẫn tiết khi mới tròn 23 tuổi.
Cảm thương cho vị nữ tướng anh hùng, quân sĩ và người dân làng đã cùng nhau đắp mộ cho bà ngay trên đỉnh núi Tùng, để muôn đời tưởng nhớ.
Di tích đình Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc hiện vẫn còn lưu giữ 64 sắc phong cổ có ấn chỉ qua các triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam.
Cụ Phan Văn Tào (86 tuổi), làng Phú Điền, xã Triệu Lộc bộc bạch: “Bà Triệu không chỉ là vị nữ tướng anh hùng của dân tộc, với Nhân dân Phú Điền suốt cả nghìn năm qua, bà chính là vị thần đã giúp đỡ, phù trợ cho sự phát triển, no đủ và yên lành của người dân chúng tôi”.
Người dân Phú Điền xưa nay vẫn tin rằng, sau khi tuẫn tiết trên đỉnh núi Tùng (xã Triệu Lộc) thì Bà Triệu vẫn luôn dõi theo và phù trợ cho đất nước, Nhân dân. Khi đất nước gặp nguy nan trước họa ngoại xâm, bà hiển ứng giúp đấng quân vương đánh tan kẻ thù. Khi làng quê thanh bình trở lại, Bà lại “giúp đỡ” cho mùa màng được tốt tươi, cuộc sống no đủ, trù phú.
Có lẽ, cái tên Phú Điền cũng bắt đầu từ ước vọng giàu có của người dân. Chính vì niềm tin ấy, từ thế kỷ thứ 7, dân làng Phú Điền đã cùng nhau lập nên ngôi đền nhỏ ngay giữa làng để thờ vị vua Bà.
Đến khoảng thế kỷ 18, một ngôi đình làng bằng gỗ khang trang, bề thế ngay bên ngoài ngôi đền nhỏ đã được khởi dựng và Bà Triệu chính thức được suy tôn là Thành Hoàng làng, vị thần bảo trợ cho dân làng Phú Điền. Niềm tin tâm linh ấy được truyền tiếp, đời nối đời, là mạch nguồn văn hóa, góp phần làm nên niềm tự hào của một vùng đất.
Truyền thuyết địa phương vẫn còn lưu truyền câu chuyện Bà Triệu phù trợ cho vua Lý đánh thắng giặc Ai Lao. Theo đó, trên đường hành quân về phương Nam, qua vùng đất này, đêm xuống nằm nghỉ ngơi, nhà vua đã nằm mộng thấy điều kỳ lạ, dù mộng nhưng lại rất thực. Tỉnh dậy hỏi dân làng thì được biết đây là vùng đất mà vị vua Bà đã yên giấc ngàn thu. Ngay hôm sau, nhà vua đã cho sắm sửa lễ vật cùng lời khẩn nguyện xin Bà Triệu giúp đỡ. Sau khi thắng trận khải hoàn trở về, không quên ơn phù trợ của thần linh, đấng quân vương đã phong cho Bà là “Thượng đẳng Đại vương”, đó là vào năm 1037. Nhân dân trong làng cũng được miễn phu thuế ba năm.
Đã từng nhiều năm làm thủ từ, ông Đặng Văn Cường tự hào chia sẻ: Việc xây dựng đình làng Phú Điền cũng hết sức đặc biệt. Hai đội thợ Đạt Tài và Đông Hưng được mời đến, mỗi đội đảm trách thực hiện một phần công trình và khi hoàn thiện thì được dân làng “chấm điểm”. Vậy nên ngày nay, đến thăm đình Phú Điền, người tinh ý có thể nhận ra sự khác nhau giữa những chạm khắc hoa văn còn lưu giữ tại đình. Đây là một ngôi đình cổ mang đậm kiến trúc độc đáo, hiếm có của đồng bằng Bắc bộ.
Trải qua hàng trăm năm, di tích đình Phú Điền vẫn được xem là công trình kiến trúc cổ điển hình với nhiều giá trị về niên đại thời gian, ý nghĩa tâm linh và kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt, đến nay tại di tích đình Phú Điền hiện vẫn còn lưu giữ 64 sắc phong cổ có ấn chỉ qua các triều đại phong kiến trong lịch sử. Và đó được xem như báu vật của làng.
Ông Lê Ngọc Doãn, Chủ tịch UBND xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, cho biết: Hằng năm, từ ngày 19 đến 24-2 âm lịch, Nhân dân và du khách thập phương lại đổ về dự hội với dân để tưởng nhớ Bà Triệu. Vào dịp này đình làng Phú Điền có tổ chức nghi thức hội với trò diễn “Ngô, Triệu giao quân” khá hấp dẫn. Nhưng có lẽ, nghi thức rước bóng (rước kiệu quay) mang nhiều yếu tố tâm linh vẫn được nhiều du khách đặc biệt chú ý.
Theo đó, sau khi kết thúc phần tế lễ, dân làng Phú Điền sẽ rước kiệu từ đền Bà Triệu dưới chân núi Gai về đình Phú Điền, lên đền Eo, đến khu lăng mộ Bà ở đỉnh núi Tùng xin chân nhang rồi rước về đình làng thờ một ngày đêm. Đến ngày hôm sau thì rước kiệu trở về đền Bà Triệu (núi Gai). Và đến ngày 24-2 (âm lịch) thì dân làng cùng tập trung ở đình Phú Điền để làm lễ “giỗ” vua Bà.
“Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, người dân làng Phú Điền vẫn xem đây là một nghi thức tâm linh, nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần. Cứ thế, từ đời này sang đời khác, người dân nơi đây vẫn luôn gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của muôn đời để lại”, ông Lê Ngọc Doãn nói.