Về nơi cả làng cùng làm giỗ vào ngày 27/7
Vào ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), cả làng Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cùng tổ chức cúng, giỗ để tưởng nhớ cha, mẹ, anh chị em, những người đã hi sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Toàn làng Thạch Tân nay có khoảng 262 hộ dân thì có đến 203 liệt sĩ, 59 mẹ Việt Nam Anh hùng, 18 đối tượng chính sách, mẹ, vợ liệt sĩ, 8 thương binh,12 người nhiễm chất độc da cam. Nơi đây còn có di tích Địa đạo Kỳ Anh, chứng tích của những năm tháng bám trụ kiên cường, gìn giữ từng tấc đất quê hương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Với những người ở Thạch Tân, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, là dịp để những người con nhớ về cội nguồn, nhớ những người đã ngã xuống. Ngay từ sáng sớm ngày 27-7, rất nhiều ngôi nhà quanh khu di tích Địa đạo Kỳ Anh đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng những lễ vật để cúng bái, tưởng nhớ cha anh.
Bà Nguyễn Thị Bông (làng Thạch Tân) năm nay đã 79 tuổi, sống neo đơn trong ngôi nhà nhỏ gần Khu di tích Địa đạo Kỳ Anh, thờ cúng 3 liệt sỹ, 1 Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Trong chiến tranh bà là một thiếu nữ quả cảm, cũng là nhân chứng sống một thời đào địa đạo. Bà từng bị địch bắt và tra tấn dã man ngay tại địa đạo Kỳ Anh nhằm lấy thông tin về căn cứ cách mạng này nhưng bà nhất mực không khai. Sau đó cha và lần lượt các chị gái, em trai của bà cũng hy sinh trong kháng chiến. Bà Bông ở vậy một mình, hằng ngày lo hương khói cho cha, các chị em và mẹ Việt Nam anh hùng.
Đến sáng 27-7, cùng với cả làng, bà cũng chuẩn bị những mâm cúng, thắp nén nhang để tưởng nhớ cha, anh và những người đã hi sinh trong chiến tranh. “Ngày 27-7, cả làng đều cúng, nhớ ơn cha mẹ, anh chị em đã đổ xương máu, đã ngã xuống, đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Năm nay do đã lớn tuổi nên tôi phải nhờ hai người anh em thúc bá phụ nấu nướng và chuẩn bị chu đáo mọi thứ để làm mâm cúng. Với chúng tôi, ngày 27-7 là để tưởng nhớ những người thân đã ngã xuống”, bà Bông nói.
Cũng trong ngôi làng ấy, hôm nay, gia đình ông Nguyễn Viết Ngọ (53 tuổi) cũng đang chuẩn bị mọi thứ cho mâm cúng các liệt sĩ. Đưa chúng tôi vào nhà, chỉ vào những tấm huân chương kháng chiến, anh Ngọ bộc bạch cả dãy nhà ông nằm sát địa đạo Kỳ Anh, trước đây là nôi nuôi dưỡng cách mạng. Không chỉ gia đình ông mà những gia đình khác đều có những tấm huân chương kháng chiến.
“Chúng tôi đã duy trì lễ giỗ này gần 20 năm. Với tôi, 27-7 là ngày quan trọng, ngoài ngày giỗ riêng của từng người thân hy sinh thì đây là ngày giỗ chung. Sau này có già yếu, tôi sẽ dặn con cháu tiếp nối truyền thống cúng ngày thương binh liệt sĩ”, ông Ngọ nói.
Có cha hi sinh trong chiến tranh nhưng đến nay chưa tìm được hài cốt, cũng không biết ngày mất, để tưởng nhớ cha, anh Huỳnh Kim Nho (thôn Thạch Tân) cũng làm mâm cơm cúng ngày 27-7 - coi đó ngày giỗ cha. “Gần 45 năm kết thúc chiến tranh, gia đình đã đi tìm nhiều nơi, nhưng chưa thấy hài cốt của cha. Nên cứ ngày 27-7 gia đình lại làm mâm cơm như ngày giỗ cha. Chúng tôi vẫn mong chờ một ngày tìm được hài cốt cha đưa về quê nhà an táng”, anh Nho chia sẻ.
Ông Huỳnh Kim Ta, Trưởng thôn Thạch Tân cho biết, có liệt sĩ hy sinh không biết ngày tháng, có người không biết hài cốt ở đâu, chưa đem về được nên đa phần chọn ngày 27-7 cúng giỗ tưởng nhớ. Đây là truyền thống được người dân thực hiện hàng chục năm nay. Với người dân ở đây, ngoài tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì tổ quốc còn là dịp để nhắc nhở con cháu về truyền thống hào hùng, quý báu của ông cha để lại.