Về nơi có 2 đền thờ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia
Tân Phúc (Nông Cống) là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa, tại đây có hai ngôi đền được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia là đền thờ Võ Uy (thôn Ngọc Uyên) và đền thờ Lê Hiểm - Lê Hiêu (thôn Thái Sơn). Đây đều là những vị khai quốc công thần nhà Lê.
Đền thờ Võ Uy tại thôn Ngọc Uyên, xã Tân Phúc, Nông Cống, được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia năm 1996. Võ Uy là 1 trong 18 người cùng Lê Lợi tổ chức Hội thề ở Lũng Nhai.
Sau Hội thề Lũng Nhai, Lê Lợi cắt cử tướng văn - võ, trong đó có Võ Uy. Năm Giáp Thìn (1424), theo kế sách của tướng Nguyễn Chích, trong lần tiến quân đánh vào Nghệ An, ông được Lê Lợi giao trọng trách làm làm tướng tiên phong triệt hạ đồn Đa Căng, mở đường cho nghĩa quân tiến thẳng giải phóng Nghệ An. Mặc dù giành thắng lợi, nhưng ông đã hi sinh trong trận chiến này.
Sau khi Lê Lợi lên ngôi, năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Võ Uy được ban Quốc tính mang họ vua, phong tặng tước Nhập nội thiếu úy. Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) ông được ban chức An mỹ hầu. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) đời Vua Lê Thánh Tông ông được phong tặng tước Tuy Tiết hầu và sau thăng Tuy Quốc công…
Đền thờ danh tướng Võ Uy hay còn gọi là Đình làng Ngọc Uyên xây dựng khoảng thế kỷ XVI trên diện tích 450m2, kết cấu 5 gian, xây dựng theo lối kiến trúc nhà gỗ truyền thống, do trải qua nhiều lần tu sửa đền thờ không còn giữ được cấu trúc nguyên vẹn. Tuy nhiên những mảng kiến trúc cỗ còn lại cho thấy những nét chạm trổ khá tinh xảo.
Theo tư liệu lịch sử, đền thờ Hồng quốc công Lê Hiểm - Cung quốc công Lê Hiêu - Thái sư Lạng quốc công Lê Phụ được xây dựng năm 1554. Đền đã được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia năm 1994.
Lê Hiểm sinh năm 1392, người phủ Thiệu Thiên, huyện Ngọc Lặc, là một tướng lĩnh có tài thao lược trong những trận chiến chống giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn. Ông mất năm Quý Tỵ (1436) thọ 72 tuổi, được vua ban tên thụy là Trụng Định, tặng phong thượng đẳng phúc thần Đại Vương.
Do xây dựng từ lâu, công trình đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng
Con trai ông là Lê Hiêu tham gia đánh giặc cùng cha khi mới 13 tuổi, năm 17 tuổi được bổ sung vào Thủy quân. Tháng 4-1428 Lê Hiêu được phong tước Cung Quốc công, Thượng Chủ quốc tham dự triều chính trọng sự. Ông mất năm Canh Tuất (1490) thọ 81 tuổi, được vua Lê Thánh Tông truy tặng Thượng đẳng phúc thần và ban phúc lộc cho con cháu 100 mẫu điền ở Thái Bình Trang (nay là xã Tân Phúc, huyện Nông Cống)...
Một số cấu kiện ở đền thờ đã mục nát.
Cha con cụ Lê Hiểm, Lê Hiêu đã tham gia nhiều trận đánh lớn, góp công vào chiến thắng chung của nghĩa quân Lam Sơn. Đáng nhớ nhất là trận phục kích Chi Lăng ngày 20-9 năm Đinh Mùi (1427) chém đầu Liễu Thăng ở Mã Yên; trận truy quét ở Phố Cát bắt sống 5 vạn quân địch, chém đầu phó tướng Lương Minh, buộc Thượng thư Lý Khánh phải thắt cổ tự tử, còn Mộc Trạch hoảng hốt bỏ chạy…
Trong số 35 người có công đầu do vua Lê Lợi ban thưởng, thì ông Lê Hiểm xếp thứ 19, cụ Lê Hiêu xếp thứ 29, lúc đó Lê Hiêu mới 19 tuổi.
Hiện nay một số hạng mục di tích gần 500 tuổi đang bị bào mòn bởi thời gian
Thái sư Lạng Quốc công Lê Phụ sinh năm Bính Dần (1446), là con trai thứ 6 của cụ Lê Hiêu, cháu nội Thái bảo Hồng quốc công Lê Hiểm. Ông từng giữ chức Mỹ Tiền Hậu vệ làm tổng chi… sau đó được phong Trưởng lục bộ Thượng thư chi binh dân từ tụng, kiêm Thái tử Thái sư huyện thượng hầu thượng trụ quốc..
Cuộc chính biến năm Nhâm Ngọ (1522) do Mạc Đăng Dung cầm đầu nhằm lật đổ nhà Lê nổ ra. Lúc đó, dù đã gần 80 tuổi, Lê Phụ cũng tham gia cùng văn võ bá quan trong triều dẹp yên được chính biến. Ông cùng 7 người con trai tham gia triều chính, mỗi người giữ một chức vụ khác nhau trong triều đình (5 người con được phong Bá tước, 2 người được phong Tước hầu). Khi mất, ông được vua phong tặng Thượng đẳng phúc thần.
Do có nhiều công lao to lớn đối với đất nước, cha, con cháu cụ Lê Hiểm, Lê Hiêu, Lê Phụ được triều đình ban nhiều sắc phong quý (cụ Lê Hiểm được triều Lê ban tặng 7 sắc phong, triều Nguyễn tặng 3 sắc phong; cụ Lê Hiêu được triều Lê ban tặng 5 sắc phong, triều Nguyễn 3 sắc phong; cụ Lê Phụ được triều Lê ban tặng 7 sắc phong và một chân dung lụa)...