Về nơi 'đá nở hoa'!

Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu Đông, mọi người ta lại rỉ tai nhau, có một nơi đẹp lắm, núi rừng xanh thẳm, những con đèo quanh co, uốn lượn. Và hơn cả là có những cánh đồng hoa Tam giác mạch bạt ngàn trên sườn núi; ngẩn ngơ khoe sắc trong lạnh giá của vùng biên viễn. Nơi đó chính là 4 huyện vùng cao Hà Giang. Mùa này, đến với Cao nguyên đá, du khách được đắm mình trong sắc tím hồng của loài hoa kiên trường như chính con người nơi đây; cùng nghe kể về sự tích của loài hoa của đá. Hoa nở trên đá đẹp đến nao lòng.

Lữ khách bên hoa Tam giác mạch.

Lữ khách bên hoa Tam giác mạch.

Với chủ đề “Sắc màu hoa đá”, Lễ hội Hoa Tam giác mạch năm nay hứa hẹn mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Mặc dù đã trải qua 4 năm, tuy nhiên, với sự đa dạng về hình thức và nội dung, Lễ hội Hoa Tam giác mạch luôn được đánh giá cao. Để làm được điều đó, bên cạnh sự phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, như: Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, chỗ ăn, nghỉ phục vụ du khách, chỉnh trang đô thị… huyện Đồng Văn đã có kế hoạch phối hợp tổ chức với nhiều nội dung; đưa màu sắc văn hóa đồng bào các dân tộc vùng cao vào các chương trình, hội thi, tạo nên nhiều sự khác biệt. Cụ thể như, tổ chức Cuộc thi vẽ tranh dành cho thiếu nhi 4 huyện vùng cao với chủ đề “Mầm xanh trên đá” để ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước, con người Hà Giang; triển lãm tranh, ảnh của các nhiếp ảnh gia, những bộ ảnh đầy sức hút về con người vùng cao như: Bộ ảnh “Đời đá, đời hoa, đời người”. Dưới mắt nhìn nghệ thuật, Hà Giang đẹp như một cô gái, hiền dịu như người mẹ và cũng hùng dũng như một chàng trai vùng sương gió. Không gian chợ vùng cao cũng được tái hiện tại khu trưng bày nghệ thuật “Chợ đá”, là tổng hợp những bức tranh đặc sắc nhất tại các phiên chợ của bà con các dân tộc nơi đây. Những lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc cũng được tái hiện như: Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông, thi làm bánh truyền thống, trình diễn dệt lanh và giới thiệu trang phục truyền thống dân tộc; kỹ thuật chế tác khèn Mông; chơi các trò chơi dân gian… Đặc biệt, du khách còn được hòa mình vào con đường hoa ngay thị trấn Đồng Văn, thả mình trên phố đi bộ, cùng ngắm thị trấn vùng cao khi đêm xuống; cảm nhận nhịp thời gian chầm chậm, lặng lẽ trôi, bỏ lại sau lưng những ồn ào, náo nhiệt nơi phố phường đông đúc…

Đồng chí Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Là huyện trọng điểm tổ chức lễ hội, ngay từ đầu tháng 9, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tập trung trồng, chăm sóc, đảm bảo hoa nở đúng dịp; nhất là tại các xã trung tâm, nằm dọc Quốc lộ 4C như: Vần Chải, Phố Cáo, Sủng Là, Má Lé, Lũng Cú và thị trấn Đồng Văn. Đến thời điểm hiện tại, các trà hoa đã nở rộ, sẵn sàng đón chào du khách. Bên cạnh điểm nhấn là chương trình khai mạc lễ hội thì những nội dung phụ trợ cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tiếp nối thành công từ những mùa lễ hội trước, chúng tôi tin tưởng sẽ lại tạo nên một mùa lễ hội đẹp; từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Hà Giang.

Tiết trời vùng cao đã se sắt lạnh, cái lạnh đầu mùa rất ngọt. Những bông hoa Tam giác mạch đã bung mình trên khắp sườn đồi. Không kiêu sa - Tam giác mạch là loài hoa của núi rừng, của sự gần gũi, bình dị, của sự mỏng manh nhưng lại vô cùng mạnh mẽ. Đến và cảm nhận vẻ đẹp hoang sơ ấy, hòa mình vào cuộc sống của đồng bào ở thôn bản vùng cao, hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ để thấy Tổ quốc mình thật đẹp!

Bài, ảnh: MY LY

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/201911/ve-noi-da-no-hoa-751866/