Về nơi khởi nghĩa Ba Đình
Địa danh từng ghi dấu một cuộc khởi nghĩa được coi là đỉnh cao nhất trong Phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp của dân tộc vào cuối thế kỷ XIX chính là xã Ba Đình (Nga Sơn) ngày nay.
Vị trí xây dựng chiến lũy của Khởi nghĩa Ba Đình vào những năm 1886 - 1887.
Đã hơn 2 mùa phượng nở, dãy nhà 2 tầng từng là Trường THCS xã Ba Đình trở nên vắng bóng học sinh. Thầy và trò nhà trường được chuyển đến một ngôi trường mới khang trang hơn cách đó không xa để nhường lại không gian lịch sử. Bởi lẽ, chính sân trường này là mảnh đất được xây dựng chiến lũy, là trung tâm chỉ huy của cuộc khởi nghĩa Ba Đình từng làm kinh hoàng thực dân Pháp, thức tỉnh tinh thần yêu nước, tạo nên tiếng vang khắp chốn An Nam vào cuối thời phong kiến nhà Nguyễn. Hiện nay, trên mảnh đất này, vẫn còn một tấm bia đá ghi nhớ công ơn của các vị anh hùng và nghĩa sĩ, còn những mỏm đá của dãy núi thấp, những gò đất đắp cao là dấu tích chiến lũy năm xưa.
Gần đây, khu nhà hiệu bộ của ngôi trường cũ đã được địa phương sửa chữa thành nhà truyền thống của khu di tích lịch sử cấp quốc gia này. Tại đây, ngoài 2 khẩu súng thần công bằng đồng, còn trưng bày súng hỏa mai, nhiều dao kiếm, giáo mác, cung nỏ và các hiện vật của cuộc khởi nghĩa. Dù đã đến đây nhiều lần, nhưng khi thắp nén tâm nhang lên bàn thờ các vị anh hùng, nghĩa sĩ, khóe mắt chị Nguyễn Thị Nhàn - cán bộ văn hóa xã đồng hành cùng chúng tôi vẫn không khỏi rưng rưng. Theo chị Nhàn, càng nghiên cứu kỹ các tài liệu, càng thấy ý chí kiên cường cũng như tinh thần vượt khó khăn gian khổ, sự hy sinh bi tráng của những người tham gia khởi nghĩa.
Theo các tài liệu lịch sử(*), khởi nghĩa Ba Đình diễn ra trong 2 năm 1886 - 1887, là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX. Với sự lấn lướt và xâm lăng ngày càng mạnh mẽ của thực dân Pháp, trong khi nhà Nguyễn kháng cự khá yếu ớt, hai thủ lĩnh Phạm Bành, Đinh Công Tráng và một số tướng lĩnh khác đã dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi ngoại bang. Điểm đặc sắc của khởi nghĩa Ba Đình là xây dựng được một hệ thống căn cứ phòng ngự khá kiên cố, có quy mô “chân rết” đến nhiều huyện lân cận, trong đó căn cứ chính và lớn nhất là căn cứ Ba Đình. Vào sau Tết Nguyên đán năm 1886, nghĩa quân đóng ở núi Sến thuộc huyện Quảng Hóa (huyện Vĩnh Lộc ngày nay) dự định xây dựng căn cứ, nhưng sau lại chuyển về huyện Nga Sơn để xây dựng căn cứ giáp tỉnh Ninh Bình và các tỉnh phía Bắc.
Để xây dựng căn cứ, lãnh đạo nghĩa quân đã vận động Nhân dân 3 làng: Mậu Thịnh, Thượng Thọ và Mỹ Khê thuộc huyện Nga Sơn nhường lại làng mạc, chuyển đến nơi khác sinh sống. Khi rời làng, họ để lại lương thực, thực phẩm cho nghĩa quân sử dụng. Nhiều thanh niên trai tráng của 3 làng cũng tự nguyện ở lại để xây dựng căn cứ và tham gia vào lực lượng nghĩa quân. Công cuộc xây dựng căn cứ Ba Đình có sự tham gia đóng góp của nhiều sĩ phu và Nhân dân trong tỉnh lúc bấy giờ. Bao bọc xung quanh căn cứ là những lũy tre gai dày đặc và hệ thống hào rộng, rồi đến một lớp thành đất là rọ tre đựng bùn trộn rơm cao 3m, chân thành rộng từ 8 đến 10m, mặt thành có thể đi lại được. Phía trong thành có hệ thống giao thông hào hình chữ “chi” dễ dàng đi lại, tác chiến và các công sự vững chắc ở những nơi xung yếu. Ngoài ra, nghĩa quân còn xây dựng nhiều căn cứ ở những huyện lân cận như: Phi Lai (thuộc xã Hà Lai, huyện Hà Trung ngày nay) do tướng Cao Điển chỉ huy; căn cứ Quảng Hóa của Trần Xuân Soạn tại huyện Vĩnh Lộc... Quan trọng hơn cả là căn cứ Mã Cao của Hà Văn Mao thuộc xã Yên Giang (Yên Định) ngày nay.
Tại Ba Đình, nghĩa quân có khoảng 300 người, gồm cả người Kinh, Thái và Mường, thường mở các cuộc tấn công vào đồn bốt Pháp trong khu vực hoặc tổ chức đánh chặn các đoàn xe chở binh lính và lương thực của Pháp trên đường hành quân Bắc - Nam. Tiêu biểu là các trận đánh ở Phố Cát, đồn Tam Cao, đặc biệt là trận tập kích vào thị xã Ninh Bình vào ngày 2-10-1886. Nhận thấy Ba Đình là một căn cứ lợi hại, lại nằm án ngữ con đường chiến lược Bắc - Nam nên từ tháng 10-1886, quân Pháp đã tấn công căn cứ nhưng thất bại. Với quyết tâm tiêu diệt bằng được cuộc khởi nghĩa Ba Đình, ngày 18-12-1886, Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn từ 2 hướng nhưng bị chặn đứng bởi các lũy tre và sức kháng cự mạnh mẽ. Sau đó, chính phủ Pháp phải điều thêm nhiều tướng lĩnh và phụ tá gồm 78 sĩ quan, 3.530 lính để vây hãm chiến khu từ ngày 6-1-1887. Hai bên chiến đấu quyết liệt, quân địch bao vây ngăn chặn đường tiếp tế của nghĩa quân, đồng thời phun dầu đốt dần các lũy tre, bắn hàng nghìn quả đạn và đại bác vào bên trong căn cứ. Sau gần 3 tuần chiến đấu quyết liệt, trước lực lượng đông đảo và vũ khí hiện đại hơn nhiều lần của quân Pháp, nghĩa quân phải mở đường máu, rút về căn cứ Mã Cao với rừng núi hiểm trở để củng cố lực lượng và tiếp tục chiến đấu. Đến tháng 2-1887, căn cứ Mã Cao thất thủ, nhiều nghĩa sĩ, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa đã hy sinh anh dũng, nhiều người tự sát để không rơi vào tay giặc. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã tạo được tiếng vang lớn, cổ vũ tinh thần yêu nước, là tiền đề cho nhiều cuộc khởi nghĩa khác nổ ra sau này.
Phát huy truyền thống của vùng quê cách mạng, các thế hệ người dân xã Ba Đình đã không ngừng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018 với hệ thống hạ tầng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Những con đường bê tông kiên cố, những ngôi nhà khang trang, nhiều công trình hạ tầng hiện đại đang góp phần làm đổi thay diện mạo một vùng quê thuần nông. Chỉ tay về ngôi trường 3 tầng khang trang và hệ thống nhà văn hóa, hội trường, công sở xã còn nguyên màu mới, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Đình Nguyễn Hữu Thạch tự hào rằng, với vùng chiêm trũng không nhiều điều kiện phát triển, nhưng chính quyền và Nhân dân trong xã đã gặt hái được nhiều thành công trong phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài nông nghiệp, nhiều ngành nghề dịch vụ, rồi xuất khẩu lao động... đã đưa tổng thu nhập của xã trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 121 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người của xã vào thời điểm hiện tại lên hơn 25 triệu đồng/6 tháng.
Những tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao đang được chính quyền và Nhân dân địa phương triển khai thực hiện. Vào tháng 5-2020 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định 1913/QĐ-UBND quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Khu Căn cứ khởi nghĩa Ba Đình. Theo đó, những hạng mục đầu tiên của khu di tích chuẩn bị được xây dựng, đáp ứng nguyện vọng nhiều năm mong mỏi của các tầng lớp Nhân dân và lãnh đạo huyện Nga Sơn, xã Ba Đình.
(*) Bài viết có tổng hợp nhiều tư liệu lịch sử của các nhà nghiên cứu từ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa...
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/ve-noi-khoi-nghia-ba-dinh/123217.htm