Về nơi nghèo nhất xứ Nghệ
Từ TP Vinh lên huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) khó khăn, xa cách tới mức mỗi lần chúng tôi muốn ngược rừng phải đấu tranh tư tưởng trước khi quyết định lên đường. Và để vào được xã Keng Đu, nơi nghèo nhất xứ Nghệ này, chúng tôi phải vượt thêm 75 km đường hiểm trở nữa. Keng Đu nằm lọt thỏm giữa núi rừng xanh thẳm, đang đối diện muôn vàn khó khăn trong việc phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục...
Nghèo đói bủa vây
Từ TP Vinh, chúng tôi vượt qua chặng đường dài gần 400 km mất gần 1 ngày trời để tới được xã biên giới Keng Đu, huyện Kỳ Sơn. Bắt đầu từ trung tâm xã chúng tôi đi xe máy vượt qua hơn 15 km đường rừng, cheo leo trên những lưng chừng núi, một bên là dòng sông Nậm Nơn sâu hun hút. Thi thoảng ngoảnh mặt nhìn xuống dòng Nậm Nơn, có cảm giác rợn người trước độ sâu. Do đường dốc, qua nhiều suối sâu, nên chúng tôi chỉ được dùng mỗi người một xe máy. Trên con đường lên dốc, xuống đèo đó, anh em phải “bò” hơn 2 h đồng hồ mới vào được bản Huồi Xui. Vượt qua hàng chục con dốc dựng đứng đá cuội, có những lúc xe chúng tôi suýt trượt ngã. Khổ nhất là khi qua suối, hầu hết các con suối đều bị ngập nước khiến xe chết máy.
Người dẫn đường là cô giáo Trần Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Keng Đu - nói trong chua chát: “Hôm nay chúng ta khá may mắn là trời nắng. Nếu trời mưa chắc không đi xe máy được như thế này đâu. Đây là con đường độc đạo để vào bản nên chẳng còn cách nào khác, bởi nếu không đi được xe máy thì cách duy nhất là phải đi bộ. Có lần gặp trời mưa, cô giáo cắm bản ở đây phải lội qua suối nước ngang lưng quần suýt bị cuốn trôi. Còn các cô đi xe máy ngã trên đường thì nhiều vô kể. Ở đây các cháu, các cô có thừa sự thiếu thốn và luôn thiếu sự đủ đầy”.
Đúng như cô Lan nói, ngay từ chuyện di chuyển từ xã vào bản đã vất vả như vậy, thì đến việc cắm bản còn gian nan biết nhường nào, bởi người Khơ Mú rất ít nói tiếng Kinh. Gần vào bản, đứng trên dốc núi nhìn xuống xa xa những nếp nhà lợp fibro xi măng với một màu cũ kỹ - nhìn thoáng qua cứ tưởng đó như một bản làng hàng trăm năm tuổi. Những nếp nhà được làm bằng những thân gỗ cây rừng non, gỗ tạp trải qua cả chục năm trời nên cũng đã xuống cấp, nhất là những tấm ván quanh nhà đã bị rêu phong bám dày như cỏ.
Bản Huồi Xui nằm dưới chân đỉnh Huồi Xác, có 48 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu. 100% bà con ở bản Huồi Xui là dân tộc Khơ Mú, đời sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, thi thoảng xuống dưới dòng sông Nậm Nơn đánh con cá. Cuộc sống đều phải phụ thuộc vào thời tiết. Còn không, người dân chỉ biết ngửa mặt lên trời trông chờ thượng đế ban tặng. Chúng tôi đến, người trong các căn nhà sàn hai bên đường cứ “dán mắt” không rời.
Dựng chiếc xe bên vách núi, do có hẹn từ trước nên trưởng bản Huồi Xui đã đứng đợi ở cửa. Trong cái nắm tay thật chặt, vừa nhấp ngụm chè rừng, trưởng bản Huồi Xui Lương Văn Doọc nói: “Bà con ta ở đây khó khăn lắm. Bà con học ít, trình độ dân trí thấp, sản xuất nương rẫy chịu nhiều ảnh hưởng của nắng nóng khá nhiều trong năm, rẫy dốc, cao. Đặc biệt, vùng này chịu ảnh hưởng thời tiết nóng, thường xảy ra dịch bệnh cho gia súc, trẻ em cũng hay mắc bệnh, gia đình nào cũng nghèo nên bữa ăn lúc đói, lúc no.
Theo Đại úy Hà Huy Thành - Chính trị viên đồn Biên phòng Keng Đu – thì dòng Nậm Nơn cũng chính là đường phân định biên giới Việt - Lào. Nơi đây bà con dân bản thường xuống đánh bắt cá cải thiện bữa ăn... nhưng cũng khá gian nan vất vả.
Ước mơ con chữ
Dù cái nghèo đói luôn bủa vây bản Huồi Xui nhưng mong muốn của người dân nơi đây vẫn là cho con em có con chữ, cùng với đó là mong muốn có điểm trường để các cháu có chỗ theo học. Theo báo cáo của UBND xã Keng Đu, toàn xã có hơn 800 hộ với 5.000 nhân khẩu, có 10 bản. Keng Đu có 2 dân tộc thiểu số là Khơ Mú và Thái, trong đó, dân tộc Khơ Mú với 9 bản chiếm hơn 90%, dân tộc Thái 1 bản. Riêng bản Huồi Xui có có 48 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu, 100% bà con là dân tộc Khơ Mú.
Trong nhiều năm qua, Huồi Xui không chỉ thiếu ăn, trẻ em ở đây cũng thiếu chỗ học đúng nghĩa. Theo thống kê, tại bản Huồi Xui học sinh cấp 1 và mầm non có khoảng 55 em; trong đó bậc mầm non dao động từ 23-25 em, các em học sinh ở đây đi học là các cô phải vận động chứ không các bạn cứ thích là nghỉ học, nên nhiều khi lớp không có ai để dạy. Hiện điểm trường này là lớp học tạm, đã xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến công tác dạy, học của thầy và trò nơi đây. Tại điểm trường ở bản Huồi Xui, ngành Mầm non đã cử một cô giáo “cắm” chốt tại đây với nhiệm vụ vừa dạy học vừa nấu ăn cho các cháu.
Trò chuyện với cô Xeo Thị Tâm (SN 1994), cô cho biết: Tốt nghiệp ra trường, cô vào nhận công tác cắm bản gieo chữ ở đây được hơn 1 năm rồi. Đường sá đi vào điểm bản Huồi Xui đất đá, dốc trơn trượt và qua khe suối. Vào mùa mưa, nơi đây bị chia cắt với bên ngoài. “Em giảng dạy tại đây và thấy thương các cháu rất nhiều. Hằng ngày em phải đến từng nhà vận động các cháu đến lớp. Đến nhà, các cháu bảo không có cơm ăn nên không đến lớp đâu. Ở đây các cháu luôn thiếu ăn, nên hay theo bố mẹ lên rẫy. Cái khó khăn nữa đối với các cháu ở đây là không biết tiếng Kinh nên giảng dạy cũng vất vả. Có nhiều em bố mất, mẹ đi làm ăn xa phải ở với ông bà, họ cũng quên đưa cháu đến trường luôn” - cô Tâm chia sẻ.
Điểm trường ở đây được bà con và chính quyền xã dựng lên bằng gỗ, huyện hỗ trợ lợp tôn với kinh phí khoảng 15 triệu đồng. Nói là điểm trường, nhưng chỉ là một gian nhà được quây bằng các tấm gỗ, trong khu vực bếp nấu ăn cũng là nơi cô giáo Xeo Thị Tâm kê giường ngủ. Hiện điểm trường này đã xuống cấp, hư hỏng, đồ dùng học tập cho các cháu mỗi khi mưa xuống cũng ảnh hưởng khá nhiều. Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Ngam - Chủ tịch UBND xã Keng Đu - cho biết: “Từ trung tâm huyện đi vào xã Keng Đu gần 75 km. Đường sá đi lại quá khó khăn, mùa mưa nhiều hôm không đi được. Đời sống nhân dân chủ yếu sản xuất nương rẫy, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, tự cung tự cấp, phụ thuộc vào thiên nhiên, nắng kéo dài thì mất mùa. Năm vừa qua bà con dân bản mất mùa, do nắng nóng kéo dài. Hiện toàn xã có gần 1.347 học sinh từ bậc Mầm non đến THCS. Xã chúng tôi có tới gần 80% hộ nghèo, cao nhất của huyện Kỳ Sơn và cũng cao nhất tỉnh Nghệ An”. Ước mơ của chính quyền, đồng bào nơi đây vẫn là con chữ và giảm bớt khó khăn vất vả, cùng với đó là mong ước có trường lớp ổn định để con cháu ở đây được học hành đến nơi đến chốn, để cô giáo dạy học được chu đáo hơn.
Chúng tôi chia tay bà con bản Huồi Xui cũng là lúc trời nhá nhem tối. Trời chớm đông se lạnh, nhìn các cháu chân trần, áo mỏng mà xót xa.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/ve-noi-ngheo-nhat-xu-nghe-tintuc453103