Về nơi Ni sư Huyền Trân tu hành và hóa thân

Công chúa Huyền Trân sau khi rời Chiêm Quốc, trở về Đại Việt, bà xuất gia tu hành, viên tịch tại chùa Hổ Sơn vào ngày 9 tháng Tư năm Canh Thìn (1340). Hàng năm vào ngày này, dân làng Hổ Sơn tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, tri ân công đức bà.

Ngôi chùa tuyệt đẹp ở núi Hổ

Điền dã chùa Hổ Sơn tọa lạc tại xã Liên Minh (H.Vụ Bản), chúng tôi được chiêm bái ngôi cổ tự, mới được kiến thiết xây dựng lại với quy mô rất rộng, tọa lạc trên sườn núi và khoảng đất dưới chân núi Hổ. Tại đây, chùa Hổ Sơn và đền thờ công chúa Huyền Trân mới được tôn tạo có hai cổng, bố trí đối xứng.

Núi Hổ nổi lên giữa đồng bằng vùng chiêm trũng thuộc thôn Hổ Sơn, xã Liên Minh. Núi cao 52m, hai đầu nhô lên và phình to, khúc giữa thấp và thắt vào. Ông Trần Minh Hoan, Bí thư Huyện ủy Vụ Bản cho biết: “Khảo cổ học tại núi Hổ vào năm 1968, đã phát hiện nhiều di vật liên quan đến cuộc sống của người tiền sử: rìu đá tứ giác, búa đá; nhiều gốm cổ, phần lớn là loại gốm có màu đỏ, dày, thô, pha nhiều cát và một số mảnh gốm xốp màu vàng đất. Nơi đây còn tìm thấy nhiều mộ vò. Những hiện vật này cho thấy đây là di chỉ có thể xếp vào văn hóa Phùng Nguyên, tồn tại từ cuối thiên niên kỷ III trước công nguyên đến đầu thiên niên kỷ thứ II trước Tây lịch.”

Cổng Tam quan

Cổng Tam quan

Theo Bí thư Huyện ủy Trần Minh Hoan, xưa kia, chùa Hổ Sơn có tên chữ Quảng Nghiêm tự. Ban đầu, chùa tọa lạc trên sườn núi Hổ cao hơn 10m so với mặt đất trong một khuôn viên rộng khoảng 2.400m2. Tư liệu khảo sát di tích năm 2006 cho thấy ngôi chùa cổ được xây dựng theo bình đồ kiến trúc “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh” gồm 3 tòa: tiền đường, trung đường và Tam bảo.

Tòa tiền đường là một công trình được phục dựng vào năm 1995 gồm 3 gian có mặt tiền rộng 9,7m, sâu 5,5m, cột gạch chịu lực, lợp ngói nam, cửa bức bàn. Chính giữa tòa tiền đường có treo đại tự “Quảng Nghiêm tự”. Tòa trung đường rộng 7,5m, sâu 4,6m, chia thành 3 gian với kèo làm bằng gỗ lim theo kết cấu thượng mê cốn, hạ xà, cột chịu lực. Các cột lim được làm hình vuông, kích thước rộng 20cm, đặt trên chân tảng đá xanh tạo dáng cổ bồng. Các cấu kiện gỗ được soi chỉ, chạm khắc hoa lá mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Hai bên trung đường có hai bàn thờ bằng gỗ ăn mộng trực tiếp vào cột cái và cột quân. Một bên đặt khám thờ có tượng Thụy Bảo công chúa và Huyền Trân công chúa. Một bên đặt khám và tượng thờ Đức Ông.

Tòa Tam bảo gồm 2 gian chạy dọc được thiết kế giao mái bắt vần với trung đường, kích thước rộng 4,3m, sâu 6,8m. Bộ vì Tam bảo được làm bằng gỗ lim theo kết cấu giá chiêng, chồng rường con nhị, xà ngang tì lực lên tường.

Trải qua hơn 700 năm, hiện nay chùa Hổ Sơn vẫn lưu giữ được nhiều tượng Phật, Bồ-tát cổ xưa. Ngoài ra, còn có 27 đồ thờ cổ; trong đó nhiều cổ thư, cổ vật quý như: Tượng hai vị công chúa triều Trần, nhang án mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII và 5 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến.

Chánh điện chùa Hổ Sơn

Chánh điện chùa Hổ Sơn

Năm 2012, Đại đức Thích Nhẫn Trực về trụ trì tại chùa Hổ Sơn. Nhận thấy sự xuống cấp của cảnh quan ngôi chùa nên đã nỗ lực kêu gọi sự đóng góp của nhân dân thập phương bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích. Trải qua hơn một năm kiến thiết với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng, tổng thể khuôn viên di tích chùa Hổ Sơn hiện nay đã mở rộng ra với tổng diện tích 79.664m2, được chia làm 2 khu. Khu tâm linh trên núi có diện tích 5.215m2 với 5 công trình kiến trúc chính chạy ngang theo trục Đông - Tây, gồm: chùa Hổ Sơn; nhà tổ Trúc Lâm và nhà tổ chùa, đền thờ Huyền Trân công chúa, phủ Mẫu. Ngoài ra còn một số công trình phụ trợ như lầu cô, lầu cậu, nhà bia, tháp mộ, tượng 18 vị La-hán…

Khu dưới núi diện tích 74.449m2, chủ yếu là tạo cảnh quan khuôn viên sân vườn, hồ nước xen kẽ các hạng mục công trình như nhà khách, thuyền lưu niệm, giảng đường, cùng các công trình kiến trúc mang đặc trưng của Phật giáo như tháp Phật, tượng Quán Thế Âm, Di Lặc… Đặc biệt là tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, tạc bằng đá sapphire liền khối có chiều cao 5,1m, nặng hơn 100 tấn đặt trên đỉnh phía Tây của núi Hổ.

Nơi tu hành của Huyền Trân công chúa

Theo các thư tịch cổ, Huyền Trân công chúa sinh năm 1287, là con gái của vua Trần Nhân Tông và Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu. Công chúa sinh ra trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 kết thúc thắng lợi, đất nước trở lại thanh bình. Giai đoạn này, lịch sử đã ghi nhận hai quốc gia Đại Việt và Champa luôn phải nương tựa vào nhau để cùng chống lại sự xâm lược của đế quốc Mông Nguyên. Sử sách chép, nhằm tăng cường sự hòa hiếu giữa hai quốc gia, từ tháng 3 đến tháng 11-1301, Thượng hoàng Trần Nhân Tông dạo chơi ở Chiêm Thành và đã hẹn gả con gái của mình cho vua Chiêm Thành là Chế Mân.

Tháng 5-1307, Chế Mân qua đời. Theo tục Chiêm Thành, mỗi khi vua mất, thì vợ vua phải lên giàn thiêu để chết theo. Tháng 10-1307, vua Trần Anh Tông sợ em gái thiệt mạng, nên sai Hành khiển Trần Khắc Chung mượn cớ sang thăm viếng, nhưng kỳ thực là cứu công chúa. Đến tháng 8-1308, đoàn thuyền của Huyền Trân công chúa trở về Thăng Long.

Mô hình thuyền thời Trần được phỏng dựng tại chùa Hổ Sơn

Mô hình thuyền thời Trần được phỏng dựng tại chùa Hổ Sơn

Theo di mệnh của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, năm sau công chúa xuất gia tu tại núi Trâu Sơn còn gọi là núi Vũ Ninh, thuộc huyện Quế Dương, trấn Kinh Bắc với pháp danh Hương Tràng. Năm 1311, Hương Tràng về Thiên Bản lập chùa tu hành để gần gũi quê hương Thiên Trường và người cô là công chúa Thụy Bảo cũng đang tu hành ở đó.

Địa điểm Hương Tràng tu hành là núi Hổ với ngôi chùa có tên chữ là Quảng Nghiêm tự, tên Nôm thường gọi là chùa Nộn Sơn. Tại đây, hai người cùng tu hành, phụng sự Phật pháp, khai hoang lập ấp, dạy dân trồng cây lương thực để cuộc sống ấm no, trồng cây thuốc Nam để chữa bệnh và không ngừng chăm lo cho đời sống nhân dân trong vùng ngày càng thịnh vượng. Ngày mùng 9 tháng Tư năm Canh Thìn (1340), Ni sư Hương Tràng thảnh thơi về cõi tịnh. Sau khi bà mất, nhân dân làng Hổ Sơn lập am thờ trên chùa Nộn Sơn để tri ân công đức.

Tưởng nhớ công lao của Huyền Trân công chúa đối với quê hương đất nước, hiện nay nhiều địa phương trên cả nước lập đền thờ. Đặc biệt đối với người dân Hổ Sơn, bà đã trở thành một vị thần có công lao hộ quốc cứu dân không chỉ trong tâm thức người dân mà còn được các triều đình phong kiến ghi nhận.

Khu tháp đá chùa Hổ Sơn

Khu tháp đá chùa Hổ Sơn

Đại đức Thích Nhẫn Trực, trụ trì chùa Hổ Sơn cho hay, hiện nay tại chùa Hổ Sơn còn lưu giữ sắc phong của các triều đình phong kiến phong tặng ghi nhớ công lao của Ni sư Huyền Trân. Trong đó, sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924) có ghi: “Sắc Nam Định tỉnh, Vụ Bản huyện, Hổ Sơn xã tòng tiền phụng sự Trần triều Huyền Trân công chúa nguyên tặng Trinh Uyển Dực Bảo, chi thần hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng, tiết nông ban cấp sắc văn chuẩn hứa phụng sự. Tư kim chánh trĩ trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, khả gia tặng Trai Tĩnh trung đẳng thần, đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai”.

Dịch nghĩa: Sắc cho làng Hổ Sơn huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định từ trước đã phụng thờ công chúa Huyền Trân triều Trần, vốn được tặng là vị thần Trinh Uyển giúp đỡ công cuộc trung hưng, đã bảo vệ nước, che chở cho dân tỏ rõ linh ứng, đã lần lượt được ban cấp sắc văn chuẩn cho được phụng thờ. Nay gặp lễ đại khánh tứ tuần của trẫm lại được ban bảo chiếu đền ơn, tăng thêm thứ trật cho tốt đẹp lễ nghi, được tặng thêm là Trai Tĩnh trung đẳng thần, đặc biệt chuẩn cho phụng thờ, để ghi khắc ngày vui cả nước, và tỏ bày điển lễ thờ tự. Hãy kính đấy.

Hàng năm vào ngày 9 tháng Tư âm lịch là ngày kỵ của công chúa Huyền Trân, dân làng Hổ Sơn tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, tri ân công đức bà. Năm nay, Lễ hội kỷ niệm 684 năm ngày hóa thân Thần mẫu Trần triều Huyền Trân công chúa đã chính thức được diễn ra từ ngày 15 đến 21 tháng 5 năm 2024 (tức mùng 8 đến 14 tháng Tư âm lịch tại Khu di tích lịch sử văn hóa chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh, H.Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Bài và ảnh: Chu Minh Khôi/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/ve-noi-ni-su-huyen-tran-tu-hanh-va-hoa-than-post72256.html