Về nơi tận cùng Tổ quốc

Nghe nói Cà Mau xa lắmỞ cuối cùng bản đồ Việt NamNgại chi đường xa không tơíVề để nói với nhau mấy lời…

Rừng U Minh (Cà Mau). Ảnh: TTXVN

Rừng U Minh (Cà Mau). Ảnh: TTXVN

Những câu ca vọng cổ ấy cứ ngân nga trong tôi mỗi khi nghĩ tới Cà Mau. Cảm giác nơi ấy xa lắm, mãi chỉ là niềm mơ không với tới nhưng nơi tận cùng của Tổ Quốc ấy cần phải đến để nói với nhau những lời yêu thương luôn nằm sâu trong trái tim mỗi người con đất Việt.

Cà Mau là một tỉnh ven biển ở cực Nam của Tổ Quốc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 2.000 km. Với 3 mặt tiếp giáp biển, phía Đông của Cà Mau giáp với Biển Đông, phía Tây và phía Nam giáp với vịnh Thái Lan, phía Bắc giáp với các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang.

Lịch sử phát triển vùng Cà Mau gắn liền với việc khai hoang mở cõi của cộng đồng lưu dân, gồm Kinh, Hoa và Khơ me. Việc khai phá vùng đất Cà Mau bắt đầu từ thời Mạc Cửu, với những lưu dân người Hoa từ Quảng Đông sang đây chiêu nạp.

Tên gọi Cà Mau có nguồn gốc từ cách đồng bào Khơ me gọi tên vùng đất này là “Tưk Kha-mau”, có nghĩa là “nước đen”. Nước đen là màu nước đặc trưng do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước. Nơi đây có thảm rừng tràm bạt ngàn và hệ sinh thái rừng ngập mặn trải dài, nối liền từ U Minh Thượng đến cửa Gành Hào (Bạc Liêu).
Cà Mau có nhiều địa danh nổi tiếng như: Đình Tân Hưng, Hồng Anh Thư Quán, Biệt khu Hải Yến Bình Hưng, Đền thờ Bác Hồ thị trấn Cái Nước,... nhưng nghĩ tới Cà Mau là nhớ về đất Mũi – vùng đất thiêng liêng của mỗi người con đất Việt và là một điểm xác nhận chủ quyền của đất nước.

Mũi Cà Mau (xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cách thành phố Cà Mau khoảng 110 km, được bao bọc bởi biển Đông và biển Tây, là nơi duy nhất trên đất liền có thể ngắm mặt trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây cùng một địa điểm.

Trên con đường hướng về đất Mũi trong tôi luôn ngân lên những dòng chữ trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi “Càng đổ gần về hướng mũi Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện. Trên thì trời xanh dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá”.

Và quả thật, bao quanh con đường màu xanh ấy là màu xanh của trời của nước và đặc biệt là màu xanh của cây đước. Chỉ cần nhắm mắt thôi cũng có thể lắng nghe âm thanh đặc trưng của xứ sở này, tiếng rì rào bất tận của những khu rừng đước bạt ngàn, cùng tiếng sóng ì ầm từ biển ngày đêm không ngớt vọng về.

Người dân Cà Mau bảo rằng, nơi này "mắm đi trước, đước theo sau" trên hành trình lấn biển. Ðước và mắm là hai loài cây đặc hữu của Đất Mũi, đầy lạ lùng và cá tính.

Cây mắm âm thầm lấn từng bước một vươn ra biển, chặn dòng phù sa, thu gom phù sa để cây đước bám theo sau giữ lấy.

Ðước mọc kín hai bên bờ sông, bờ rạch. Miên man là đước. Rễ cây nọ trùm lên cây kia, đan vào nhau mà bám đất.

Rễ đước cấu tạo khá kỳ lạ, tua tủa mọc ra từ thân cây, rồi đâm xuống bùn, tỏa ra thành một đế rễ, nhờ đó cây đước đứng vững vàng trên bùn lầy, "gió rung chẳng chuyển, bão lay chẳng sờn".

Ở nơi đây, quanh năm gió dập, sóng dồn mà chưa bao giờ bắt gặp một cây đước bị bật rễ. Mạng lưới rễ đất ken vào nhau chằng chịt chẳng khác nào những tấm đăng khổng lồ giữ lại đất phù sa.

Và những “chàng vệ sĩ” của biển vẫn nhịp nhàng từng bước, từng bước một làm chóp mũi Cà Mau ngày càng thêm rộng ra về phía biển.

Tại bến tàu, chiếc ca nô rẽ sóng trên dòng nước trong xanh và mát rượi, xuyên qua những rừng cây đước, sú, vẹt xanh rì, xen lẫn những ngôi nhà thấp thoáng trong bóng cây để ra dòng sông Cửa Lớn.

Hai bên bờ sông, cuộc sống bình dị của người dân vùng sông nước hiện lên với những ngôi nhà nổi đơn sơ.

Mọi sinh hoạt, mua bán của người dân nơi đây đều gắn với sông nước các cửa hàng bán đồ nhu yếu phẩm hàng ngày, hải sản, đồ khô và những cây xăng được dựng ngay trên nền gỗ của nhà nổi.

Chiếc ca nô đưa chúng tôi ra giữa dòng sông Cửa Lớn, phóng tầm mắt bốn hướng, không thấy bờ đâu, chỉ thấy mênh mang nước trước mặt cùng rừng đước bạt ngàn.

Đứng giữa dòng sông nhìn về phía mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc, phần mũi nhọn nhô ra, và như nhà thơ Xuân Diệu từng viết: “Tổ quốc ta như một con tàu. Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau”, mới thấy con người quá nhỏ bé trước trời đất, có chút sợ, nhưng trên hết là hạnh phúc và tự hào đến khó tả.

Trong nồng nàn của gió, rì rầm của sóng biển như đang nghe tiếng vọng ngàn năm của cha ông. Hành trình hơn ba trăm năm qua của cha ông không dừng lại ở việc khai rừng phá núi, đào sông lấn biển, đó còn là hào khí dân tộc mà đến đây mới có thể cảm nhận.

Đất mũi Cà Mau đẹp như một bức tranh, nơi “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi” và “Về đất biển Cà Mau. Thấy đất trời thêm rộng lớn” (Hoàng Hiệp)./.

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ve-noi-tan-cung-to-quoc/146119.html