Về nơi thiệt hại nặng

Nước lũ đã làm ngập và sạt lở bờ đìa nuôi thủy sản ở Sông Cầu, hiện người dân đang khắc phục. Ảnh: NGỌC CHUNG

Gió giật mạnh, mưa lớn nước lũ đổ về nhanh làm nhiều nhà dân bị sập, tốc mái; tàu thuyền chìm, hư hỏng; thủy sản nuôi bị nước lũ cuốn trôi… UBND TX Sông Cầu chỉ đạo các địa phương thống kê thiệt hại, khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả.

Những người dân ở vùng tâm bão số 5 cho biết, hoàn lưu bão rất mạnh, gió quần quật suốt hơn 3 giờ liền. Ông Nguyễn Văn Lẹ ở thôn Hòa Hội, xã Xuân Cảnh, nói: “Gió xốc vào mái nhà, cuốn bay toàn bộ đồ đạc và mái tôn xi măng bị vỡ nát. Hai vợ chồng tôi cùng đứa cháu phải trốn dưới gầm bếp để trú ẩn”.

Giống như gia đình ông Lẹ, căn nhà ông Lê Thế Nguyên cũng ở thôn Hòa Hội, gió mạnh bốc nguyên mái nhà. Lúc đó, vợ chồng ông chỉ còn biết ôm con chạy vào nhà vệ sinh trốn cho đến 4 giờ sáng mới quay trở ra.

Ông Lê Tấn Dũng ở xã Xuân Thịnh, bộc bạch: “Tàu cá của tôi neo đậu trong đầm Cù Mông, cách các đìa nuôi thủy sản của những hộ dân thôn Hòa Hội hơn 1km. Thế nhưng, gió mạnh làm dây neo đứt, tàu cá bị gió hất lên bờ đìa. Đến sáng 31/10, kiểm tra thấy hư 2 miếng ván và một số thiết bị trên tàu. Hiện gia đình tôi thuê người và có sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng để kéo tàu cá ra khỏi khu vực mắc cạn”.

Còn ông Lê Văn Thừa ở thôn Hòa Hiệp, xã Xuân Thịnh đã đưa tàu cá đến khu vực thôn Hòa Hội để neo đậu và cách bờ khoảng 1km, dùng nhiều dây để neo, nhưng tất cả các dây này đều bị đứt, gió và sóng đã hất con tàu lên bờ. Do bờ đìa nuôi tôm xếp bằng đá, tàu va chạm mạnh nên làm be tàu gãy nhiều đoạn. Hiện gia đình tập trung “giải cứu” con tàu ra khỏi khu vực mắc cạn.

Không chỉ thiệt hại về nhà cửa, tàu thuyền, nhiều hộ ở TX Sông Cầu còn bị thiệt hại thủy sản do cơn bão gây ra. Ông Lê Văn Reo ở xã Xuân Thịnh, có khoảng 3.600m2 diện tích đìa nuôi thủy sản tại xã Xuân Cảnh đang thả hơn 2 triệu con giống ốc hương được 6 tháng và cá mú, tôm…

Tối 30/10, khi bão đổ bộ vào đất liền cũng là lúc thủy triều đang lên, cộng với lượng mưa lớn ở đầu nguồn, nên nước lũ đổ về nhanh với lưu lượng lớn, gây ngập lụt cho nhiều ao đìa nuôi thủy sản ở đây. Riêng đìa nuôi của ông bị vỡ bờ nên cá, tôm trôi ra đầm Cù Mông, còn lại ốc hương do ảnh hưởng nước ngọt nên khả năng chết từ 60-80%...

Ông Lê Văn Chi ở thôn Hòa Hội, xã Xuân Cảnh nuôi cá mú và ốc hương trên diện tích khoảng 3.500m2. Đối với cá mú, ông thả nuôi hơn 3.000 con, đến nay được 7 tháng, có trọng lượng từ 0,5kg/con trở lên. Còn ốc hương thì hơn 90.000 con đã hơn 3 tháng tuổi. “Số tiền tôi đầu tư nuôi cá mú và ốc hương hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng ảnh hưởng bão lũ đợt này, cá thì bị cuốn trôi, còn ốc hương thì chết hơn 80%…”, ông Chi cay đắng thở dài.

Tính đến chiều 31/10, trên địa bàn TX Sông Cầu có 13 nhà sập hoàn toàn (chủ yếu nhà tạm), 55 nhà sập thiệt hại từ 50-70%, hơn 100 ngôi nhà tốc mái, hư hỏng; hơn 110ha lúa ngập nước, hơn 430 tấn muối bị nước lũ cuốn trôi, nhiều diện tích cây trồng, hoa màu thiệt hại nặng; hơn 1.000m kênh mương, công trình thủy lợi sạt lở với khối lượng hàng ngàn mét khối.

Về thủy sản, đã có 33 thuyền bị chìm (đa số thuyền có công suất từ 20CV trở xuống), hàng chục tàu thuyền bị gió bão đẩy lên bờ ao đìa nuôi thủy sản gây thiệt hại nặng; có 5 bè nuôi thủy sản bị gió bão đánh vỡ, thủy sản nuôi thoát ra ngoài. Riêng tôm hùm nuôi vẫn chưa thống kê được số lượng tôm chết.

Hiện nay, người dân chưa dám đưa lồng lên mặt nước vì sợ bị ngọt hóa ảnh hưởng đến tôm hùm nuôi nên chưa thể thống kê được thiệt hại. UBND TX Sông Cầu đang chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại và giúp dân khắc phục hậu quả bão số 5.

Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/230876/ve-noi-thiet-hai-nang.html