Về Quảng Ninh nghe hang đá kể chuyện

'Đi tìm dấu ngọc' không chỉ là một trải nghiệm nghệ thuật thú vị mà còn là sản phẩm du lịch văn hóa mới mẻ, thu hút du khách, đồng thời mở đầu cho xu hướng biểu diễn nghệ thuật trong không gian hang động tại Việt Nam.

Một cảnh trong show diễn thực cảnh "Đi tìm dấu ngọc". Ảnh: Ngọc Anh.

Một cảnh trong show diễn thực cảnh "Đi tìm dấu ngọc". Ảnh: Ngọc Anh.

Với thế mạnh về nguồn tài nguyên du lịch phong phú; hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi, hệ thống lưu trú và cơ sở dịch vụ ăn uống đa dạng, tiện nghi, Quảng Ninh luôn là một trong những điểm đến lý tưởng thu hút khách du lịch, nhất là vào dịp cuối tuần. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm nay, địa phương đã đón khoảng 12,1 triệu lượt khách với tổng doanh thu du lịch đạt trên 29.140 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Lâm Nguyên - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ninh cho biết, cùng với các sản phẩm truyền thống đã làm nên thương hiệu cho du lịch Quảng Ninh thì địa phương đang tập trung đổi mới sản phẩm du lịch theo hướng chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, phát huy lợi thế vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

Một dấu ấn của sự đổi mới đó là việc tổ chức chương trình nghệ thuật kết hợp ẩm thực phục vụ khách du lịch trong hang động, không chỉ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch mà còn gia tăng trải nghiệm cho du khách khi đến với Quảng Ninh.

Show diễn thực cảnh "Đi tìm dấu ngọc" được ra mắt tại hang Ngọc Rồng (hay còn gọi là hang Dơi) thuộc Khu di tích và danh thắng Vũng Đục (phường Cẩm Phả, Quảng Ninh) từ đầu tháng 6/2025.

Show diễn dài khoảng 60 phút, kết hợp giữa múa đương đại, xiếc điêu luyện cùng hiệu ứng ánh sáng, âm thanh hiện đại, đã tái hiện truyền thuyết rồng hạ tại khu vực vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long; gắn với tôn vinh tinh hoa văn hóa địa phương giàu bản sắc, là nơi hội tụ dòng chảy văn hóa lịch sử của văn hóa biển, văn hóa tâm linh, văn hóa Vùng Mỏ… đã tạo được sức hút mạnh mẽ với khách du lịch.

Cùng với việc thưởng thức nghệ thuật, du khách còn được trải nghiệm ẩm thực đậm chất Quảng Ninh như: Chả mực Hạ Long giã tay, gà Tiên Yên, bánh gật gù, thịt khâu nhục...

Ông Trần Văn Mạnh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chia sẻ: Chương trình nghệ thuật “Đi tìm dấu ngọc” là một minh chứng sinh động cho cách tiếp cận mới khi đưa hang động trở thành không gian trải nghiệm văn hóa sống động, gắn với du lịch bền vững, công nghiệp văn hóa và kinh tế xanh. Vở diễn không chỉ mang lại trải nghiệm độc đáo mà còn mở ra một lối đi mới trong việc kết hợp nghệ thuật, công nghệ và di sản, góp phần đưa danh thắng đến gần hơn với công chúng.

TS Đỗ Trần Phương - Phó trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhận định: Việc tích hợp công nghiệp văn hóa trong khai thác hang động không chỉ mở ra hướng đi mới cho du lịch Quảng Ninh, mà còn có thể lan tỏa ra nhiều địa phương khác có tài nguyên tương tự. Các sản phẩm du lịch gắn với khảo cổ học, lịch sử, nghệ thuật biểu diễn thực cảnh hay trưng bày sáng tạo bên trong hang động sẽ giúp nâng tầm trải nghiệm cho du khách, đáp ứng xu hướng mới của ngành công nghiệp không khói.

Ngọc Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ve-quang-ninh-nghe-hang-da-ke-chuyen-10309601.html