Vé tàu Tết Quý Mão 2023: Cẩn trọng kẻo mua phải... vé giả

'Hành khách chỉ được đi tàu khi sử dụng thẻ lên tàu (vé tàu) hợp lệ, thông tin trên vé tàu trùng khớp với giấy tờ tùy thân. Mọi thông tin sai lệch đều được coi là đi tàu không mua vé và phải mua bổ sung với mức giá gấp 1,3 lần giá vé cùng chặng đường. Vì vậy, để tránh mua phải vé giả, vé không hợp lệ, phải tốn 2 lần tiền, hành khách cần lưu ý chỉ mua qua các kênh chính thức của ngành đường sắt'. Đó là cảnh báo của ông Lê Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Thủ đoạn làm vé giả ngày càng tinh vi

Đến thời điểm hiện nay, vé tàu Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 các ngày cao điểm gần như đã hết, trong khi nhu cầu của hành khách vẫn khá cao. Bởi vậy, nhiều người buộc phải chấp nhận mua vé qua cò mồi, mua lại trên mạng hoặc qua các kênh không chính thức. Trên mạng xã hội Facebook, tham gia vào các nhóm bán vé tàu, như: “Hội vé tàu hỏa”, “Hội vé tàu online”, “Hội vé tàu Tết”... chúng tôi thấy ngoài quảng cáo bán vé tàu của các đối tượng cò mồi, còn có một nhóm người tự nhận là đại lý hoặc cho biết khi mua vé có nhu cầu đi thật, nhưng nay thay đổi lịch trình, bán lại với giá thỏa thuận (đa số là rẻ hơn giá gốc) nên khá nhiều người hỏi mua. Các đối tượng khẳng định sẽ có cách "xử lý" để thông tin trên vé trùng khớp với thông tin người mua... Tuy nhiên, không ít trường hợp đã bị lừa.

Chị Nguyễn Thu Hương, quê ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) có nhu cầu mua vé tàu từ Hà Nội về Nghệ An dịp Tết và đăng tin tìm vé trên một nhóm Facebook. Ngay sau đó, chị nhận được tin nhắn từ một người giới thiệu là đại lý, có thể đáp ứng mọi nhu cầu mua vé. Chị Hương cho biết: “Tôi đặt 8 vé (cả khứ hồi) cho gia đình, khoang giường nằm điều hòa, tổng tiền gần 7 triệu đồng. Mặc dù biết giá niêm yết chỉ 612.000 đồng/vé, nhưng sợ hết vé nên tôi đã nhanh chóng chuyển khoản để mua. Sau khi thanh toán, ngày hôm sau, tôi nhận được 8 vé ghi đúng thông tin đã cung cấp cho người bán. Tuy nhiên, khi nói chuyện với đồng nghiệp, tôi được mọi người cảnh báo về vé tàu giả nên đã liên hệ với công ty đường sắt để tra soát nhưng không thấy có tên mình và thành viên gia đình trong danh sách đã đặt mua vé...”.

 Kiểm tra thông tin trên vé trước khi hành khách lên tàu tại ga Hà Nội.

Kiểm tra thông tin trên vé trước khi hành khách lên tàu tại ga Hà Nội.

Tìm hiểu thực tế tại ga Hà Nội những ngày đầu tháng 12, chúng tôi ghi nhận, mặc dù vào giờ cao điểm nhưng chỉ có lác đác vài người dân đến mua vé trực tiếp tại quầy. Đây chủ yếu là nhóm người cao tuổi không biết sử dụng internet. Một nhân viên bán vé tại ga Hà Nội cho biết, số lượng vé đặt mua online khá đông, vé mua tại quầy rất ít. Cũng có nhiều người không mua qua các kênh chính thức nên bị lừa. Anh Vũ Văn Thỏa, Trưởng tàu SE34, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết: “Vé giả thường xuất hiện vào thời điểm nhu cầu đi lại cao như các ngày lễ, tết... Phần lớn các trường hợp vé giả được chúng tôi phát hiện khi hành khách đã lên tàu. Nhiều trường hợp người mua vé giả và vé thật trùng ghế, xảy ra mâu thuẫn, chúng tôi phải dùng app quản lý phần mềm soát vé để tra soát thông tin xem ai là người có vé hợp lệ. Thủ đoạn tẩy xóa và làm vé giả giờ rất tinh vi, bằng mắt thường khó phát hiện”.

Nên mua vé tại các địa chỉ tin cậy

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Tuấn cho biết, hiện nay, khi khách hàng mua vé tàu Tết qua các kênh không phải do ngành đường sắt quản lý có thể gặp phải các trường hợp sau: Đầu tiên là vé giả hoàn toàn (vé không phải do ngành đường sắt phát hành); tiếp đến là vé sai thông tin (thông tin trên vé và người đi không trùng khớp); tinh vi nhất là vé được các đối tượng mua online và tẩy xóa, chỉnh sửa theo thông tin người mua lại vé, nhưng không trùng khớp trên hệ thống kiểm soát vé. "Vé giả thường được các đối tượng bán rẻ hơn so với giá niêm yết. Nhiều người không hiểu biết lại ham rẻ nên đã mua phải loại vé này. Người mua phải vé giả chắc chắn sẽ bị phát hiện khi lên tàu và buộc phải mua vé mới hoặc xuống tàu ở ga gần nhất”, ông Lê Minh Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lê Minh Tuấn, để kiểm tra vé, hành khách có thể truy cập website: dsvn.vn, vào phần “Kiểm tra vé” điền đầy đủ thông tin: Mã vé, mác tàu, ga đi, ga đến, ngày đi... màn hình sẽ hiển thị thông tin hành khách đã lưu trên hệ thống vé điện tử. Hành khách cần so sánh thông tin trên hệ thống và trên vé. Nếu thông tin trùng khớp là vé hợp lệ. Ngành đường sắt khuyến cáo hành khách không nên mua vé tàu Tết qua các đối tượng trung gian mà nên mua vé qua website của ngành đường sắt; mua trực tiếp tại nhà ga hoặc tại các đại lý bán vé do ngành đường sắt ủy quyền, mua qua các ứng dụng điện tử như: VNPAY, MoMo, Vimo... “Cùng với các phương án, kế hoạch chạy Tết, đơn vị đã chủ động, linh hoạt bố trí chạy tàu theo nhu cầu để thích ứng với tình hình. Đặc biệt, trong dịp cao điểm, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đi lại, chúng tôi đã huy động toàn bộ nhân lực, vật lực để phục vụ người dân; điều hành hợp lý hơn, thời gian chuẩn bị nhanh hơn để quay vòng toa tàu; có thể thực hiện phương án bán thêm ghế phụ... Bởi vậy, hành khách nên bình tĩnh, tìm mua vé ở các kênh chính thức", ông Tuấn cho biết thêm.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ve-tau-tet-quy-mao-2023-can-trong-keo-mua-phai-ve-gia-713695