Vé Tết Tân Sửu: Hàng không, đường sắt thất thu nặng
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng đúng vào dịp cao điểm đi lại Tết Nguyên đán Tân Sửu, các doanh nghiệp vận tải thiệt hại nặng, đặc biệt là với đường sắt và hàng không.
Theo tổng hợp của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong dịp phục vụ đi lại Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 (từ ngày 9 - 13/2/2021), tổng lượng khách đi đường sắt đạt 12.793 người, giảm tới 66,5% so với cùng kỳ Tết Canh Tý.
Ngành đường sắt đã khai thác 16 đoàn tàu Thống nhất (giảm hơn 15% so với cùng kỳ), tàu địa phương chỉ có 30 (giảm 37,5%).
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong số 200.000 vé tàu Tết bán ra, đã có xấp xỉ một nửa khách trả lại vé.
Với hàng không, các sân bay cả nước đã phục vụ 9.500 lượt cất/hạ cánh (giảm 56,6% so với cùng kỳ), phục vụ xấp xỉ 815.600 lượt khách (giảm 66,6%).
Các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 408.000 khách (giảm 64,8% so với cùng kỳ).
Trong 3 sân bay lớn nhất nước, sân bay Tân Sơn Nhất giảm tới hơn 1 nửa số chuyến bay so với cùng kỳ, khi chỉ còn 3.400 lượt hạ/cất cánh (giảm 44,5%), với 256.000 lượt khách (giảm 71,3%).
Sân bay Nội Bài phục vụ 1.900 lần hạ/cất cánh (giảm 51,3%), 136.000 lượt khách (giảm 74,8%).
Sân bay Đà Nẵng phục vụ 580 lần hạ/cất cánh (giảm 73,8%), 43.000 lượt khách (giảm 86,2%).
Trước khi đợt dịch COVID-19 lần này bùng phát, theo số liệu của Cục Hàng không, trong giai đoạn Tết Nguyên đán Tân Sửu, các hãng dự kiến khai thác trung bình hơn 1.000 chuyến bay nội địa/ngày (tăng 28% so với cùng kỳ Tết năm trước); ngày cao điểm nhất đạt 1.200 chuyến bay/ngày (tăng 25,3% so với cùng kỳ).
Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, bên cạnh phục vụ hành khách, các doanh nghiệp vận tải đều đảm bảo công tác an ninh, an toàn khai thác vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
Trong khi đó, vận tải khách liên tỉnh dù chưa có số liệu về hành khách, nhưng tất cả bến xe trong cả nước đều đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, không để tồn đọng khách trên bến hàng ngày.