Về thăm chiến khu xưa của Bộ đội Quân giới
Dòng nước chảy về xuôi, còn chúng tôi ngược về ký ức bằng cuộc gặp gỡ với nhân chứng lịch sử của chiến khu xưa tại Khu di tích lịch sử kháng chiến Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Ban Công đoàn Quốc phòng.
“Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”
Chúng tôi về thị trấn Đồng Tâm (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) vào một ngày cuối xuân, khi hội hè đã vãn, nhịp sống thường nhật trở lại hối hả. Đi qua đền Thắm trên con đường nhỏ sát vách núi, nhìn dòng sông Cầu quấn quýt dưới chân núi, uốn quanh bản làng, vườn tược mang sức sống mãnh liệt. Lớp lớp phù sa dung dưỡng cho đất đai xứ xở để núi đồi mùa xanh mát, cây trái xum xuê. Từ thị trấn Đồng Tâm, chúng tôi đi thêm 2km nữa theo trục đường vào xã Quảng Chu là đến Khu di tích lịch sử kháng chiến Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Ban Công đoàn Quốc phòng (tại tổ 3, thị trấn Đồng Tâm). Khu di tích vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia tháng 12-2024.

Khuôn viên Di tích lịch sử kháng chiến Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Ban Công đoàn Quốc phòng. Ảnh: THANH BÌNH
Địa điểm khu di tích lịch sử được Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình Bia lưu niệm Quân giới và Công đoàn sản xuất vũ khí Việt Nam vào năm 2014. Công trình được xây dựng trên diện tích 1.911m2 bao gồm các hạng mục: Nhà bia, nhà văn hóa, sân bê tông, vườn hoa, cây cảnh...
Thôn Pắc San 2, xã Yên Đĩnh (nay là tổ 3, thị trấn Đồng Tâm), huyện Chợ Mới là địa điểm đóng quân của Cục Quân giới (tiền thân của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng ngày nay) trong những năm 1947-1954. Tận dụng ưu thế “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, toàn bộ nhà ở, làm việc, nhà xưởng đều xây dựng dưới tán rừng. Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, đất nước gặp khó khăn về nhiều mặt, nhất là về vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang.
Cục Quân giới đã chỉ đạo công tác nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, kịp thời trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong thời gian này, tại thôn Pắc San 2, kỹ sư Trần Đại Nghĩa (sau này là Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động) cùng cộng sự đã nghiên cứu, chế tạo thành công súng và đạn Bazooka, súng không giật SKZ, lựu đạn, mìn, thuốc đen, súng, đạn súng kíp, súng AT, đạn bắn cầu vồng... Những loại vũ khí này đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng trong các chiến dịch lớn như Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947, Chiến dịch Biên giới năm 1950 và Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Nơi đây cũng là địa điểm ra đời và hoạt động của Công đoàn sản xuất vũ khí Việt Nam. Cơ quan công đoàn ngành sản xuất vũ khí đã chỉ đạo công tác công đoàn, động viên và thúc đẩy phong trào công nhân trong các xưởng quân giới thi đua hăng hái lao động sản xuất và sửa chữa nhiều vũ khí cung cấp cho các mặt trận, các chiến trường chống thực dân Pháp xâm lược. Công đoàn ngành sản xuất vũ khí buổi ban đầu đã từng bước xây dựng hình thành hệ thống công đoàn ngành dọc trong Quân đội, tạo tiền đề cho sự ra đời của Công đoàn Quốc phòng ngày nay.
Hồi ức về chiến khu xưa
Chúng tôi đến nhà cụ ông Lường Văn Nam (sinh năm 1932) tại tổ 3, thị trấn Đồng Tâm. Ở tuổi 93, cụ Nam vẫn minh mẫn, sử dụng điện thoại thông minh, làm những công việc nhẹ nhàng giúp con cháu. Chúng tôi đến thăm cụ vào buổi sáng, khi cụ đang tỉ mỉ cắt lá chít để các con gói bánh gio. Hằng ngày, gia đình cụ gói vài nghìn bánh để bán. Tuy bàn tay cụ không còn dẻo dai như trước nhưng cụ cảm thấy vui với những công việc bình dị như thế mỗi ngày. Cụ tiếp chúng tôi trên ngôi nhà sàn vững chãi, thông thoáng, khi chúng tôi ngỏ ý muốn được nghe cụ chia sẻ những kỷ niệm về chiến khu xưa.
Cụ Nam kể lại, những năm 40 của thế kỷ trước, thôn Pắc San 2 rộng gần 2km2 là một thung lũng giữa bốn bề là núi, ngay bên bờ sông Cầu. Đường sá đi lại rất khó khăn, con đường mòn nhỏ hẹp len lỏi men theo bờ sông quanh co. Để đến được trung tâm thị trấn giao lưu, mua bán, phải trải qua đoạn khó nhất là đường qua đền Thắm, khi đó con đường chỉ đủ đặt một bàn chân. Bởi vậy, từ xa xưa, dân cư rất thưa thớt, ít người qua lại, thời điểm năm 1948, nhà cửa dựng men theo bờ sông với mấy đám ruộng nhỏ, còn lại là rừng rậm rạp, nhiều nhất là cây lim với những cây cổ thụ hai người ôm không xuể. Bởi đặc thù vùng đất như vậy nên được chọn làm nơi hoạt động của Cục Quân giới.
Trong trí nhớ của cụ Lường Văn Nam, khi Cục Quân giới chuyển về Pắc San 2, lúc đó thôn chỉ có 16 hộ dân cùng sinh sống. Lãnh đạo xã cùng trưởng thôn đã vận động bà con nhân dân giúp cơ quan vận chuyển các thiết bị máy móc, nguyên liệu chủ yếu từ trung tâm xã Yên Đĩnh (nay là thị trấn Đồng Tâm) và chuyển về Pắc San 2 cất giấu ở gầm nhà sàn của các hộ dân trong thôn. Cụ Nam kể lại, đó là những hòm gỗ kín bưng, được phủ vải dù cẩn thận, ngay ngắn. Khi bộ đội làm nhà xưởng xong mới lần lượt chuyển đi hết. Tình quân dân như cá với nước, bà con hăng hái giúp bộ đội, bộ đội cũng nhiệt tình giúp đỡ bà con khi mùa vụ, như tát nước bằng gầu sòng vào thửa ruộng; dạy học xóa mù chữ cho mọi người trong thôn bản...
Năm 16 tuổi, chàng trai trẻ Lường Văn Nam ở nhà tham gia đội du kích do Hoàng Văn Sáng làm tiểu đội trưởng. Một năm sau, do yêu cầu công việc, Lường Văn Nam thay Hoàng Văn Sáng làm tiểu đội trưởng. Do tính chất chiến khu “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên mọi sinh hoạt sản xuất, chiến đấu đều vào quy củ, bộ phận nào chỉ biết bộ phận ấy, bảo mật với mức độ cao nhất. Là cư dân trong chiến khu, đặc thù là cơ quan đặc biệt, Cục Quân giới chỉ đạo công tác nghiên cứu, sản xuất, cung cấp vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang nhân dân, như: Lựu đạn, mìn, thuốc đen, súng, đạn súng kíp, súng đạn Bazooka, AT và đạn bắn cầu vồng, vỏ lựu đạn.
Trong thời gian tham gia công tác bảo vệ cơ quan, tiểu đội du kích của cụ Nam tất cả đều được huấn luyện, được phát súng. Cụ Nam được phát một khẩu súng Mousqueton để làm nhiệm vụ quân sự tại địa phương. Giữa đội bảo vệ chuyên nghiệp và đội du kích đều có sự phối hợp chặt chẽ từ vòng trong ra vòng ngoài.
Cụ Nam vẫn nhớ như in từng thửa đất gắn liền với các khu vực cơ quan, khu 1 là khu nghiên cứu, khu 2 là khu các phòng ban, khu 3 là khu lương thực, thực phẩm, khu 4 là khu làm việc của kỹ sư Trần Đại Nghĩa, được bảo vệ cẩn mật, nghiêm ngặt nhất. Do được làm bằng những vật liệu như tre, nứa và trải qua gần 80 năm, di tích chỉ còn giữ được nền đất. Khu di tích vẫn còn cây sổ cổ thụ đã có từ thời kỳ kỹ sư Trần Đại Nghĩa sống và làm việc tại đây.
Đầu tháng 10-1954, sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, cơ quan chuyển về xuôi. Cuộc chia tay giữa cơ quan và bà con thôn bản diễn ra thật bịn rịn, lưu luyến, mọi người mong ngày gặp lại. Quãng thời gian ấy cũng đã trôi đi, ở địa phương, cụ Nam là nhân chứng lịch sử duy nhất còn sống. Những năm qua, thi thoảng cụ Nam lại bảo con cháu đưa ra nhà văn hóa thôn, nơi lưu giữ hơn 50 bức ảnh gắn liền với một thời kỳ hoạt động cách mạng nơi chiến khu xưa... Cụ Lường Văn Nam được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1964 và đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng,...
Đặt chân đến khu di tích và nghe cụ Nam kể chuyện, trong tâm thức mỗi chúng tôi đều cảm nhận được những đóng góp, cống hiến của các thế hệ cha anh trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Chúng ta càng cảm phục kỹ sư Trần Đại Nghĩa cùng các cộng sự và bộ đội quân giới đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, cần cù sáng tạo, không ngại khó khăn, gian khổ, nỗ lực nghiên cứu, sản xuất nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ kịp thời cho bộ đội, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.