Về thăm Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút
Nằm cách TP. Mỹ Tho 12 km về phía Tây, Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là công trình ghi dấu chiến công hiển hách của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm xâm lược năm 1785. Ngày nay, khu di tích được xem là 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng.
TRẬN THỦY CHIẾN NĂM XƯA
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Rạch Gầm là một nhánh sông nhỏ tách ra từ sông Tiền, đoạn gần TP. Mỹ Tho, còn được biết đến với tên gọi Sầm Giang hay Ca Răm, có nghĩa là con Cọp. Cách Rạch Gầm 7 km, Xoài Mút cũng là một chi lưu của sông Tiền, dài khoảng 8 km. Cả hai nhánh sông này cùng tách ra, rồi lại đổ vào sông Tiền. Hơn 238 năm trước, tại khúc sông này, đã diễn ra trận thủy chiến ác liệt tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm xâm lược nước ta.
Theo sử sách ghi lại, khoảng đầu năm 1784, lấy lý do Nguyễn Ánh cầu viện, vua Xiêm sai tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 5 vạn quân sang xâm lược Đại Việt. Nhận được tin quân Xiêm sang xâm lược, tháng 1-1785, Nguyễn Huệ chọn khúc sông Mỹ Tho, từ Rạch Gầm đến Xoài Mút làm nơi quyết chiến với giặc.
Nguyễn Huệ chọn đoạn sông này, bởi so với các nơi khác, đây là đoạn sông có nhiều đặc điểm thuận lợi: Thứ nhất, đoạn sông này dài chừng 6,7 km và cách đại bản doanh của Nguyễn Huệ 6 km; thứ hai, trong đoạn sông này có lòng sông rộng, cây cối um tùm, thuận tiện cho việc dồn mấy trăm chiếc thuyền của giặc vào đây để công kích.
Sau khi bố trí trận địa mai phục, Nguyễn Huệ cho quân khiêu khích, nhử địch vào trận địa mai phục. Đúng như dự đoán, đêm 19 rạng sáng 20 tháng 1-1785, lợi dụng thủy triều trôi theo dòng sông, quân Xiêm đã đem toàn bộ thủy quân tiến theo sông Mỹ Tho đánh đuổi quân Tây Sơn khiêu chiến và đã lọt vào trận địa mai phục tại đoạn sông Rạch Gầm - Xoài Mút.
Khi quân giặc đã lọt vào khu vực bố trí, Nguyễn Huệ ra lệnh tiến công tiêu diệt quân Xiêm. Không nằm ngoài dự đoán, trận chiến đấu đã kết thúc nhanh chóng, đem lại thắng lợi cho đội quân Tây Sơn. Toàn bộ thuyền chiến của giặc bị phá hủy và đánh đắm, tàn quân của giặc phải trốn lên đường bộ, tìm đường thoát thân về nước.
Theo hai nhà nghiên cứu Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng trong quyển sách “Tìm hiểu thiên tài quân sự” của Nguyễn Huệ, qua mỗi cuộc tiến quân, Nguyễn Huệ đều đã đưa nghệ thuật quân sự của quân đội Tây Sơn lên bước phát triển mới. Và một trong những nét đặc sắc trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút là Nguyễn Huệ đã đặt vấn đề đánh tiêu diệt lên hàng đầu. Qua trận đánh lẫy lừng này, đã khẳng định tầm vóc, thiên tài nghệ thuật quân sự của Nguyễn Huệ.
Sự sáng tạo quan trọng của Nguyễn Huệ là vận dụng thủ đoạn tác chiến. Lần đầu tiên về thủy chiến, Nguyễn Huệ đã thực hiện hợp vây toàn bộ thủy quân Xiêm và cắt đứt địch ra từng mảnh để tiêu diệt. Một trong những nét nổi bật nữa là sự bố trí lực lượng chính xác, phù hợp, thế trận của quân Tây Sơn rất chặt và kín. Và một trong những yếu tố quyết định thành công cuộc chiến này là Nguyễn Huệ đã chọn đoạn sông có vị trí chiến lược làm khu vực quyết chiến tiêu diệt sinh lực địch.
Nói về ý nghĩa chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang đánh giá, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, nhân dân Nam bộ, trong đó có nhân dân Tiền Giang, cùng với quân Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo tài ba của Nguyễn Huệ đã đánh bại sự xâm lược hung hãn của giặc ngoại xâm Xiêm và trừng trị đích đáng hành động “cõng rắn cắn gà nhà” của Nguyễn Ánh, giữ vững nền độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ thành quả khai hoang của nhân dân Nam bộ, tạo điều kiện để vùng đất này sớm trở thành vựa lúa lớn nhất của đất nước.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, một cuộc kháng chiến chống ngoại xâm do giai cấp nông dân đảm nhiệm. Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đánh dấu một bước ngoặt cơ bản, một sự chuyển biến về chất của phong trào nông dân Tây Sơn, từ cuộc đấu tranh giai cấp, phong trào đã nhận lãnh sứ mệnh lịch sử vẻ vang là đi đầu trong cuộc đấu tranh dân tộc. Trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút là một trong những chiến công lẫy lừng của nhân dân ta, sánh cùng với chiến thắng Bạch Đằng, Hàm Tử, Chi Lăng, Ngọc Hồi - Đống Đa… oanh liệt.
KHU DI TÍCH HÔM NAY
Để ghi nhớ chiến công hiển hách của quân và dân ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, nhân kỷ niệm 220 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, ngày 20-1-2005, Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút được khánh thành. Đến năm 2014, khu di tích này được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định 2408 ngày 31-12-2014. Những năm gần đây, Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút đang thu hút một số lượng lớn du khách trong và ngoài nước tìm đến.
Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút rộng hơn 2 ha, gồm 3 khu vực: Nhà trưng bày số 1 nằm ngay dưới chân tượng đài Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, nhà trưng bày số 2 nằm cạnh bờ sông và một nhà cổ Nam bộ. Rạch Gầm - Xoài Mút là một khu di tích đẹp, thoáng mát và thơ mộng, được trồng các loại hoa kiểng thuộc dạng quý với đủ màu sắc được cắt tỉa cẩn thận, bố trí hài hòa.
Tượng đài Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ nằm ngay trung tâm của Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút, tượng làm bằng đồng màu nặng 20 tấn, cao hơn 8 m, được đặt trên bệ cao mô phỏng hình chiến thuyền do nhà điêu khắc Nguyễn Hải thực hiện.
Vòng ngoài nhà trưng bày (dưới chân tượng đài Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ) là dãy phù điêu bằng đồng bao bọc xung quanh, cao 70 cm, diện tích 90 m2, nặng khoảng 6 tấn. Hoa văn trên dãy phù điêu chạm khắc hình người và chim lạc được nhà điêu khắc Nguyễn Hải cách điệu từ mặt trống đồng, độ sâu của hoa văn từ 10 - 12 cm.
Trên vách bên trong nhà trưng bày là dãy tranh ghép gốm màu như ở công trình Bến Dược Củ Chi gồm 4 chương: Khẩn hoang, lập ấp, trận thủy chiến và khải hoàn cao 1,8 m, diện tích 57 m2 và 2 mảng phù điêu chim muông, với cây trái có diện tích 13 m2 bằng chất liệu composite.
Tất cả vũ khí quân đội Tây Sơn dùng để đánh quân Xiêm, giờ đây đã được phục chế trong 2 nhà trưng bày. Bộ sưu tập có gần 600 hiện vật, bao gồm những khẩu súng thần công đúc bằng sắt, nặng 20 kg, đá đạn của súng sưu tầm rất nhiều ở đoạn sông Rạch Gầm - Xoài Mút, bảng vẽ miêu tả súng hỏa hổ… cùng những đồ dùng của quân Xiêm bại trận như đồ gốm, gươm… và những hiện vật khác có liên quan sau chiến thắng như tiền Thái Đức, tiền Quang Trung, tiền Cảnh Thịnh hay ảnh kinh Bà Bèo…
Rời khu trưng bày, nhìn về phía Đông, đó là ngôi nhà cổ Nam bộ trong khuôn viên khu di tích. Ngôi nhà như gợi lại quá khứ thuở cha ông đi khẩn hoang mở đất, để sau đó xây dựng nên một vùng đất trù phú ở phía Nam Tổ quốc. Bước vào bên trong ngôi nhà cổ, du khách dễ cảm nhận những nét quen thuộc trong xây cất ở phương Nam.
Nhà được xây dựng 3 gian, 2 chái, 48 cột gỗ căm xe, mái lợp ngói âm dương với diện tích 225 m2. Ngay gian giữa có bàn thờ tổ tiên với đầy đủ lư hương, bình hoa, mâm ngũ quả; hai gian bên có tủ kính chưng các loại chén, bình cổ có từ thế kỷ XVIII, phía trước có bộ ván và hai chiếc bàn tròn bằng gỗ quý, đây là nơi dùng để trưng bày và tiếp khách.
Anh Nguyễn Tiến Quân, một khách tham quan đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đến Khu di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, tôi rất tự hào về những chiến công hiển hách của cha ông ta trong quá trình đấu tranh, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Qua đây, bản thân tôi càng ý thức hơn trong việc không ngừng trau dồi, học tập, phấn đấu và rèn luyện để trở thành một công dân tốt có ích cho xã hội; đồng thời, giáo dục con cháu phải luôn tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam, ra sức phấn đấu học tập”.
Hơn 238 năm qua, chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút mãi là dấu son chói lọi trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Và khu di tích hôm nay là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Xin mượn lời 4 câu ca dao để kết thúc bài viết này:
“... Ầu ơ! Rạch Gầm - Xoài Mút tăm tăm,Xê xuống chút nữa, tới vàm Mỹ Tho.
Bần gie đóm đậu sáng ngời,
Rạch Gầm - Xoài Mút muôn đời oai linh!”