Về thăm ngôi làng với lịch sử 70 năm thêu cờ Tổ quốc
Theo nhiều cụ cao niên tại làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) cho biết, truyền thống may cờ Tổ quốc tại đây bắt đầu từ tháng 8/1945.
Ngôi làng vốn nổi tiếng với các sản phẩm thêu dệt truyền thống đã đáp lại lời kêu gọi từ Ủy ban kháng chiến, thêu cờ Tổ quốc chuẩn bị cho khởi nghĩa Cách mạng tháng 8. Nhiều người làng Từ Vân vẫn truyền nhâu câu chuyện rằng có đến hàng vạn lá cờ được nghệ nhân ngôi làng nơi đây thêu đã tung bay trong rừng cờ mừng Quốc khánh 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình.
Mọi người coi đã đó là thời khắc khai sinh nghề "thêu cờ" tại làng Từ Vân. Ngày nay, hằng ngày lá cờ Tổ quốc do người làng Từ Vân may vẫn tung bay trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Từ cột cờ Lũng Cú đến đảo Trường Sa, từ phố phường cho đến làng quê... khơi dậy trong lòng mỗi chúng ta hai tiếng Việt Nam đầy tự hào. Và đó cũng chính là niềm tự hào riêng của những người dân làng Từ Vân.
Một trong những dịp tất bật nhất của làng trong năm là vào cuối tháng 4. Theo ghi nhận của phóng viên, vào ngày 30/4, các hộ sản xuất cờ tại Từ Vân đều tỏ ra phấn khởi bởi những ngày tháng khó khăn sau 2 năm dịch bệnh đã qua đi, công việc đã bắt đầu bận rộn với những đơn đặt hàng trên khắp cả nước.
Có mặt tại xưởng sán xuất của bà Vương Thị Nhung (SN 1975) vào những ngày cuối tháng 4 mới thấy hết được không khí sản xuất khẩn trương tại đây khi gần như tất cả mọi người trong gia đình đều được huy động cho công việc thêu cờ. Bà Nhung cho biết, nghề thêu cờ Tổ quốc đã gắn liền với làng Từ Vân trong hàng chục năm qua, bản thân bà từ khi 8 tuổi đã cùng gia đình làm công việc này.
Để có một lá cờ tùy vào kích thước, 1 người thợ lành nghề phải làm việc từ 2 ngày cho tới cả tuần mới có thể hoàn thiện, chính vì việc thêu một lá cờ mất nhiều thời gian đến thế, nên người thợ thêu cờ ngoài việc khéo tay còn phải kiến nhẫn, tỳ mẩn trong từng chi tiết.
Bà Lê Thị Hà là một thợ thủ công trong nghề, tự hào khi nói về nghề truyền thống của làng khi cho biết sản phẩm của làng không những được các địa phương trong nước ưa chuộng mà còn được bà con Việt kiều biết đến, có người tới làng đặt làm cả trăm chiếc mang sang tặng người thân như một món quà tiêng liêng, trân trọng.