Về thăm quê Bác: Hiểu thêm sự vĩ đại của Người từ những điều giản dị, thân thương
Tháng 8 này, những cán bộ, phóng viên, người lao động Báo Công Thương có thêm kỷ niệm khó quên khi trở về thăm quê Bác.
Chuyến thăm quê Bác lần này càng xúc động hơn khi trong lòng mỗi người con đất Việt đang hướng về Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Vì thế, chuyến thăm này là một hoạt động sinh hoạt chính trị đầy ý nghĩa của Báo Công Thương.
Điểm tới thăm đầu tiên trong hành trình về quê Bác của Báo là Đền Chung Sơn. Đây là ngôi đền thờ những người thân yêu trong gia đình Bác Hồ, được khánh thành năm 2020. Năm 2012, từ nguyện vọng, tình cảm thiêng liêng của những người con xứ Nghệ và nhân dân Việt Nam, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đền Chung Sơn được khởi công xây dựng.
Đền Chung Sơn được xây dựng hài hòa trong tổng thể cảnh quan, kiến trúc không gian Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên và phù hợp với quy hoạch phát triển Khu du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái núi Chung, với nhiều hạng mục hấp dẫn như mô hình đồng lúa nếp Rồng, dòng sông Sen, khu tham quan dệt vải lụa từ cọng sen, sản xuất sản phẩm nến từ thảo dược…
Đây là lần đầu tiên cả nước có một nơi thờ tự tôn nghiêm, địa chỉ văn hóa mang ý nghĩa lịch sử để nhân dân và du khách bày tỏ lòng tri ân đối với sự hy sinh của những người thân yêu trong gia đình Bác. Đền thờ được hoàn thành đã truyền tải sâu sắc tính lịch sử, văn hóa và bản sắc dân tộc vùng quê xứ Nghệ; thể hiện sự đoàn kết, chung sức, chung lòng, củng cố sức mạnh dân tộc, phát huy giá trị nhân văn tốt đẹp của người Việt Nam.
Tại đây, đội ngũ cán bộ, phóng viên, người lao động Báo Công Thương thành kính dâng hương Bác và dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ công lao to lớn của Người - vị lãnh tụ vĩ đại, người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.
Sau khi dâng hương, đoàn đã tham quan, tìm hiểu Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) - những nơi đã lưu giữ các di tích, di vật gắn liền với quê hương, gia đình, thời niên thiếu và 2 lần Bác về thăm quê.
Khu Di tích Kim Liên nằm trên địa bàn 2 xã Kim Liên và Nam Giang, gồm các cụm di tích: Hoàng Trù, Làng Sen, đền Chung Sơn, khu mộ bà Hoàng Thị Loan.
Di tích Hoàng Trù - quê ngoại là nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời và sống 5 năm tuổi ấu thơ. Nơi đây có các di tích chính là Nhà thờ chi nhánh dòng họ Hoàng Xuân - họ ngoại của Bác, ngôi nhà 5 gian của ông bà ngoại và ngôi nhà 3 gian của bố mẹ Bác Hồ.
Trung tâm của Cụm Di tích Làng Sen là ngôi nhà của gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Nơi đây còn lưu giữ những kỷ vật gắn bó với 5 năm thời niên thiếu của Bác Hồ (từ năm 1901 - 1906) và hai lần Người về thăm quê (1957, 1961). Trong Cụm Di tích Làng Sen còn có những công trình quan trọng khác, như nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà trưng bày hiện vật...
Đến thăm 2 cụm di tích quê nội và quê ngoại của Bác Hồ, các thành viên trong đoàn vừa xúc động, vừa tự hào khi tận mắt nhìn ngắm những kỷ vật bình dị đã gắn liền với tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đặc biệt khi nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu: "Tuổi thơ của Bác Hồ ở đây. Một tuổi thơ êm đềm trôi trong sự giáo dục nghiêm cẩn của cha và tình yêu thương, cũng như đức hy sinh cao cả của mẹ. Mẹ Bác - bà Hoàng Thị Loan - một người mẹ tảo tần và vĩ đại, đã hết lòng vì chồng vì con, mặc dù vất vả trăm bề vì cuộc mưu sinh, nhưng vẫn toàn tâm lo cho chồng ăn học thành tài và chăm lo đàn con nhỏ. Bà mất vì lao lực, vì làm việc quá sức. Khi mất vẫn không nhìn thấy mặt chồng, để lại cho đàn con niềm tiếc thương vô hạn…" thì các thành viên trong đoàn Báo Công Thương và nhiều du khách bốn phương đều rưng rưng, nghèn nghẹn trong lòng.
Tạm biệt quê Bác. Chia xa những gốc tre hồn hậu, bờ hoa dâm bụt thắm đỏ, từng hàng cau đến những mái lá đơn sơ... trong tiếng nhạc nhè nhẹ: "Đêm trăng lên nghe tiếng đò đưa ngân rất gần/Nhớ chuyện Người thời xa xưa/Bác lớn lên trên quê đất mẹ hiền/ Bác theo phường đi nghe hát/Quần xắn gối đứng đầu sân/Dân mất nước mới lầm than/Mà nên lời ca nghe cũng xót xa/Tuổi ấu thơ Bác đã đi suốt chiều dài câu đò đưa/Tuổi ấu thơ Bác đã sống suốt chiều rộng câu dân ca/Đêm Kim Liên ấm áp/Ngày xưa hay hát phường/Ấy ngày hội những danh nhân/Đất nước đau thương nên đến luận bàn…" (Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác). Cả đoàn vẫn lặng đi trong niềm xúc động sâu xa, không nói thành lời nhưng trong tim mỗi người đều tràn đầy niềm tự hào thành kính, hiểu thêm những giá trị của một miền quê đã hun đúc nên tầm vóc của một nhân cách rất đỗi giản dị mà vĩ đại của dân tộc Việt Nam và của thế giới: Chủ tịch Hồ Chí Minh.