Về thăm quê hương cụ Huỳnh Thúc Kháng
Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi tìm về quê hương của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, ghé nhà lưu niệm thắp nén nhang để tưởng niệm, tri ân những đóng góp, cống hiến của cụ Huỳnh Thúc Kháng cho quê hương, đất nước và trải nghiệm cảnh sắc của làng quê trung du yên ả, thanh bình. Nơi đây, từ lâu đã nổi tiếng với những địa danh đẹp như tranh vẽ như làng cổ Lộc Yên với những ngõ đá phẳng phiu, tinh tươm dẫn vào những ngôi nhà cổ có tuổi đời cả trăm năm hay đắm mình giữa thiên niên hoang sơ, thơ mộng của thắng cảnh Lò Thung - Đá Giăng...
Nơi đầu tiên chúng tôi ghé đến là nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, nằm ngay bên trục đường tỉnh lộ 616 từ tỉnh lỵ Tam Kỳ đi Trà My, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 35km về phía Tây Nam.
Ngôi nhà do thân sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng xây dựng từ năm 1896, có diện tích khoảng 90m2 được xây dựng theo lối kiến trúc cổ đặc trưng của địa phương gồm ba gian hai chái, mặt bằng hình chữ nhật. Ngôi nhà nằm trong một khu vườn rợp mát bóng cây có diện tích gần 4.000m2, phía trước mặt là cánh đồng lúa cùng những sông suối nhỏ chảy quanh, xa xa là những dãy núi cao như bức bình phong khổng lồ che chắn cho ngôi nhà. Con đường lát đá dẫn vào ngôi nhà quanh co, uốn lượn; hai bên lối vào là hai hàng cau cao vút cùng với hàng chè tàu xanh mướt được cắt tỉa một cách công phu.
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích cấp quốc gia vào ngày 21-12-1990. Hiện nay, nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng đã được trùng tu, tôn tạo khá trang trọng. Đồng thời, bên trong ngôi nhà còn trưng bày một số hình ảnh về gia đình, thân thế, sự nghiệp và các tư liệu, hiện vật quý giá liên quan đến cuộc đời hoạt động của cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc sinh thời như bằng cử nhân năm 1900; tập thơ “Thi tù tùng thoại” cụ Huỳnh Thúc Kháng làm trong thời gian bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo; các tờ báo Tiếng Dân; bút tích của cụ Huỳnh Thúc Kháng...
Rời nhà lưu niệm, chúng tôi theo con đường bê tông uốn lượn, chạy dài băng qua những ruộng lúa xanh mơn mởn, những triền bắp ngút ngàn để khám phá nét cổ kính, đậm hồn quê của làng cổ Lộc Yên. Đi đến hết cuối con đường bê tông, chúng tôi như lạc vào một ngôi làng của đá - loại đá phong vuông vức một cách tự nhiên hiện diện ở khắp nơi. Đá lát đường, đá làm hàng rào bao quanh nhà, quanh vườn, đá được sắp thành các bờ tường thẳng tắp che mưa, che nắng. Những ngõ đá ở làng cổ Lộc Yên quanh co theo triền núi với những khuôn viên nhà vườn mát mẻ và những thửa ruộng xanh rờn quanh năm tươi tốt, tạo cho tôi cảm giác thư thái.
Ấn tượng nhất là những ngõ đá được xếp bằng những viên đá phẳng phiu dẫn lên các nhà cổ. Người dân nơi đây kỳ công chăm chút cho từng viên đá; cần mẫn cắt tỉa những bụi chè tàu để tạo nên một kiến trúc rất dân dã nhưng vô cùng độc đáo. Hai bên lối vào, những hàng cau thẳng tắp tạo nên một nét đặc trưng riêng biệt không lẫn vào đâu được của miền trung du Tiên Phước. Ngõ đá ở đây như là một biểu trưng văn hóa đặc sắc, là cái hồn của làng quê yên ả, thanh bình này.
Làng cổ Lộc Yên hiện nay còn 5 ngôi nhà cổ được bảo tồn khá nguyên vẹn. Đó là nhà của các ông: Nguyễn Huỳnh Anh, Đồng Viết Mão, Trần Khiêm, Nguyễn Đình Mẫn, ở thôn 4 và nhà của ông Lê Văn Hào, ở thôn 5. Đặc biệt, trong số những ngôi nhà này có một ngôi nhà cổ có tuổi đời ngót nghét hơn 160 năm và được xem như một số ít những ngôi nhà cổ xưa nhất trên đất Quảng Nam, đó là ngôi nhà của cụ Nguyễn Huỳnh Anh (được xây dựng vào khoảng năm 1850). Nhà cụ Anh được xây dựng theo bố cục hai gian, ba chái với vật liệu toàn là gỗ mít. Kết cấu kèo, xuyên, trính, gai thu, trỏng quả... được chạm khắc một cách công phu và sắc sảo với nhiều họa tiết như tùng, mai, chim, nai, bướm... và nhiều hoa văn thanh thoát khác.
Chia tay làng cổ Lộc Yên với những ngõ đá dài thoai thoải dốc, chúng tôi theo đường mòn băng qua những ruộng lúa mơn mởn xanh tìm đến nơi đầu nguồn con sông Tiên thơ mộng để khám phá thắng cảnh Lò Thung - sông Đá Giăng. Đầu nguồn sông Tiên có những bãi đá dường như vô tận mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng này ở hai khúc sông Đá Giăng và Lò Thung. Đá ở đây không biết cơ man nào kể xiết, với đủ loại kích cỡ, màu sắc. Đá xếp chồng lên nhau, đá rải rác giăng đầy cả khúc sông.
Bên dưới những bãi đá, dòng sông rầm rì chảy ngược về phía Tây rồi hòa mình vào dòng sông Giăng chảy xuôi ra biển. Những tảng đá ở đây theo thời gian và sự bào mòn không ngừng nghỉ của dòng nước lúc hung dữ, lúc hiền hòa, tạo nên những hình thù kỳ lạ, những lỗ to tròn đến ngạc nhiên như ai đó bỏ công đục đẽo. Có những tảng đá nặng hàng tấn nhưng phẳng lì đến thán phục... Người dân nơi đây nhiệt tình chỉ cho chúng tôi những tảng đá có tên “bàn chân khổng lồ”, “cối trời”, “bàn tiên”... mà họ đã dựa hình thù của chúng để đặt tên làm cho chúng tôi có cảm giác như đang lạc vào một chốn bồng lai, tiên cảnh nào đó.
Chúng tôi bì bõm lội ngược theo dòng nước trong xanh mát lạnh, nhún nhảy trên những phiến đá nóng bỏng đến rát cả bàn chân hay nín thở, tập trung cao độ đi qua những cây cầu dừa bắc vắt vẻo giữa hai mỏm đá ở những khúc sông rộng, nước sâu... Đã quá trưa, mặt trời sắp đứng bóng, chúng tôi tạt vào nhà một người dân mến khách gần đấy, nhấp ca nước chè xanh đậm đặc và thưởng thức món cháo gà mang đậm những hương vị riêng biệt của vùng quê trung du thanh bình, thơ mộng này...
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ve-tham-que-huong-cu-huynh-thuc-khang-post433729.html