Về thăm 'thủ đô của cách mạng miền Nam Việt Nam'

Dọc theo Quốc lộ 22B, dưới những cánh rừng nguyên sinh với nhiều tầng cây che phủ, từ Cửa khẩu quốc tế Xa Mát đến Cửa khẩu Chàng Riệc thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh dài khoảng 20km nhưng có tới 21 di tích lịch sử thuộc Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (TƯCMN), trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Căn cứ TƯCMN, Căn cứ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Nơi đây được ví là thủ đô của cách mạng miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tại nhà làm việc của Ban Thường vụ TƯCMN, ở Rùm Đuôm, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, anh Cao Hoài Phương, cán bộ Tổ quản lý Khu di tích TƯCMN, giới thiệu với chúng tôi: “Tây Ninh có vị trí địa lý chiến lược với rừng núi bao phủ, nối liền cực Nam Trung Bộ với đồng bằng Tây Nam Bộ và giáp với Campuchia. Vì vậy, Trung ương Đảng đã chọn mảnh đất này là địa bàn vững chắc, an toàn cho Trung ương Cục chỉ đạo cách mạng miền Nam. Trong giai đoạn 1960-1975, TƯCMN đã cụ thể hóa được nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng miền Nam, từ đó cho ra đời nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng góp phần đưa non sông thu về một mối vào mùa xuân năm 1975”.

 Đoàn cán bộ báo cáo viên toàn quân tham quan nhà trưng bày Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, tháng 11-2020.

Đoàn cán bộ báo cáo viên toàn quân tham quan nhà trưng bày Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, tháng 11-2020.

Căn cứ TƯCMN đã được Nhà nước đầu tư, phục dựng lại gần như nguyên trạng, gồm 3 phân khu chức năng: Khu di tích, khu tưởng niệm, khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên-du lịch. Tại nhà trưng bày có hơn 500 hình ảnh, hiện vật, như chiếc bàn làm việc của đồng chí Lê Duẩn; xe đạp của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt; súng tự tạo mang tên “Ngựa trời”; sa bàn mô phỏng trận chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction City của quân đội Mỹ tại căn cứ Dương Minh Châu-Bắc Tây Ninh vào đầu năm 1967...

Phía sau bên trái nhà trưng bày, men theo con đường độc đạo quanh co uốn lượn giữa những tán cây gõ, dầu, sao, sến, căm xe... cao 40-50m là hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn, những căn nhà hội họp tập thể, nhà ở của các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Trần Nam Trung... Tất cả những căn nhà này đều được dựng bằng tre, gỗ, mái lợp lá trung quân. Trong nhà, các vật dụng mà các đồng chí lãnh đạo đã từng sử dụng trong những năm tháng kháng chiến như: Chõng tre, tủ, kệ, bàn, ghế, tài liệu, túi da, bút, đài, đèn... đều được để đúng vị trí như trước đây.

Các di tích Căn cứ TƯCMN nằm giữa khu rừng nhiệt đới rộng lớn với hệ sinh thái động thực vật rất phong phú và đa dạng. Tại đây, nhiều di tích đã được phục dựng, tôn tạo, trong đó có hai di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Mỗi năm, khu di tích đón hơn 1.000 đoàn khách với khoảng 55.000 lượt người, chủ yếu là các cựu chiến binh và đoàn học tập của học sinh, sinh viên,

Ông Phan Thanh Nhàn, Giám đốc Ban quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam, cho biết: “Mặc dù các di tích đã được đầu tư xây dựng, nhưng chưa thể hiện được tầm vóc vốn có; hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan. Hiện tại, chúng tôi đã lập quy hoạch tổng thể trình lên UBND tỉnh để tới đây báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, trên cơ sở hiện trạng, Căn cứ TƯCMN sẽ được quy hoạch các khu di tích lịch sử, khu sinh thái, khu phục vụ, khu vui chơi giải trí và sẽ kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Ninh và Đông Nam Bộ nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử, cảnh quan thiên nhiên gắn với hoạt động du lịch có hiệu quả và bền vững”.

Bài và ảnh: CHÍ HÒA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ve-tham-thu-do-cua-cach-mang-mien-nam-viet-nam-647222