Về thăm Trung ương Cục miền Nam
Trung ương Cục miền Nam là cơ quan đầu não lãnh đạo trực tiếp Cách mạng miền Nam từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước. Trung ương Cục miền Nam đã để lại những bài học quý báu về xây dựng căn cứ địa, xây dựng phong trào cách mạng gắn bó máu thịt với nhân dân…

Di tích Trung ương Cục Miền Nam tại tỉnh Tây Ninh.
Ngày 19/4/2025, Ủy ban Nhân dân dân tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ khánh thành công trình Dự án tu bổ, tôn tạo một số hạng mục thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Đây là một trong 77 công trình, dự án trọng điểm cùng cả nước khởi công, khánh thành đồng loạt để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hồng Thanh, quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, nêu rõ: Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam có giá trị đặc biệt. Trong 15 năm (1961 - 1975), Trung ương Cục miền Nam đã cụ thể hóa được nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng miền Nam. Từ đó cho ra đời nhiều chỉ thị, nghị quyết quyết định đường lối chiến lược của Cách mạng miền Nam và triển khai thành công trong phạm vi toàn chiến trường miền Nam.

Tượng đài Bảo vệ tổ quốc tại Di tích Trung ương Cục Miền Nam. Ảnh: CK.
Lịch sử đã chứng minh, quyết định thành lập Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta. Trung ương Cục miền Nam đã để lại những bài học quý báu về xây dựng căn cứ địa, xây dựng phong trào cách mạng gắn với nhân dân, đặc biệt về bài học xây dựng Đảng.
GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG, GIÁO DỤC THẾ HỆ MAI SAU
Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trở thành thủ đô của cách mạng miền Nam, nơi lưu lại những chứng tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Di tích không chỉ có giá trị đặc biệt đối với công tác giáo dục truyền thống, mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, nhất là đối với các thế hệ trẻ Việt Nam. Với những giá trị đặc biệt của di tích, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là Di tích quốc gia đặc biệt.

Hội trường lớn trong Di tích Trung ương Cục Miền Nam. Ảnh: CK.
“Với trách nhiệm thiêng liêng được Trung ương giao; tình cảm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh đối với Trung ương Cục miền Nam, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo một số hạng mục thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh, nhằm đáp ứng tốt hơn về yêu cầu tham quan, về nguồn, giáo dục truyền thống và từng bước xứng tầm với giá trị của một di tích lịch sử quốc gia đặc biệt”, ông Thanh nhấn mạnh.
Dự án đã cải tạo, sửa chữa một số hạng mục, công trình, lắp đặt trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ số trong trưng bày hiện vật, trình chiếu phim tư liệu bằng công nghệ 3D mapping. Công trình được tu bổ, tôn tạo giúp hạ tầng, cảnh quan đẹp hơn, thông qua công nghệ số giúp du khách tham quan di tích được trải nghiệm hình ảnh, tư liệu lịch sử sinh động, hấp dẫn...
"THỦ ĐÔ" CỦA CÁCH MẠNG MIỀN NAM
Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam nằm sâu trong rừng già ở Tây Ninh, gần biên giới với Campuchia. Khu di tích nằm rải rác trong không gian rộng lớn, với rất nhiều nán lá, là nơi ở của các nhà lãnh đạo Trung ương Cục năm xưa, cùng với các khu làm việc của các cơ quan chuyên môn của Trung ương Cục.
Thuyết minh khu di tích cho biết tháng 3/1951, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất khóa II đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam gồm các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang hoạt động ở Nam Bộ. Bí thư Trung ương Cục miền Nam đầu tiên là đồng chí Lê Duẩn. Sau khi đồng chí Lê Duẩn ra miền Bắc, đồng chí Lê Đức Thọ được cử làm Bí thư; đồng chí Phạm Hùng làm Phó Bí thư Trung ương Cục. Tháng 10/1954, Bộ Chính trị quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam, lập lại Xứ ủy Nam Bộ và các Khu ủy. Đến ngày 23/1/1961, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) quyết định tái thành lập Trung ương Cục miền Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo.

Nhà làm việc của Đồng chí Nguyễn Văn Linh tại Di tích Trung ương Cục Miền Nam. Ảnh: CK.
Trung ương Đảng chỉ định nhân sự của Trung ương Cục miền Nam gồm: Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) – Ủy viên Trung ương Đảng, làm Bí thư; Võ Chí Công (Võ Toàn) và Phan Văn Đáng (Hai Văn) làm Phó Bí thư; cùng các Ủy viên Phạm Văn Xô (Hai Xô), Phạm Thái Bường (Ba Bường), Võ Văn Kiệt, Trần Nam Trung (Trần Lương), Nguyễn Đôn.
Thời gian đầu, Trung ương Cục miền Nam đặt tại Chiến khu Đ, tỉnh Đồng Nai. Đến năm 1962. Hội nghị Trung ương Cục xét thấy ở Chiến khu Đ sẽ không thuận lợi cho việc chỉ đạo phong trào ở Sài Gòn và các vùng nông thôn Nam Bộ đang sôi sục khí thế đấu tranh, vì thế, quyết định dời cơ quan lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam về khu vực Bắc Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia. Thực hiện quyết định trên, các cơ quan Trung ương Cục lần lượt chuyển về căn cứ mới. Tháng 2/1962, tất cả các cơ quan Trung ương Cục đều di chuyển về Khu căn cứ Bắc Tây Ninh và trở thành “Thủ đô” của Cách mạng miền Nam.
Tại đây, những cụm từ “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” và “không có tiếng gà gáy, không tiếng khóc trẻ em, không lọt ánh sáng đèn ban đêm”… đều trở thành hiệu lệnh nghiêm khắc của căn cứ.
Hàng rào bảo vệ căn cứ được tạo thành hai lớp xen kẽ. Lớp thứ nhất, gồm những thân cây vạt nhọn (thân cây có đường kính từ 20 cm trở lên, dài khoảng 4m) cắm chi chít ở những trảng trống, bưng, bàu… để chống trực thăng vận (máy bay chở lính đổ bộ ở những nơi trống). Lớp thứ hai, gồm nhiều tầng lớp bịt bùng những thân cây còn nguyên cành lá bị cưa đổ nhưng vẫn còn xanh tốt. Cách thức này gọi là “cò” cây (cây bị cưa vào thân khá sâu, đổ xuống nhưng không đứt hẳn, một phần trên vẫn dính vào phần dưới nên cây vẫn tiếp tục sống). Các hàng rào này che chắn rất tốt cho căn cứ, đồng thời vẫn đảm bảo được yếu tố bí mật. Từ máy bay nhìn xuống, toàn bộ cánh rừng vẫn xanh tươi như lúc chưa xây dựng căn cứ.
Tháng 10/1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương cùng một số tướng lĩnh như Thiếu tướng Trần Độ, Lê Trọng Tấn và nhiều cán bộ trung, cao cấp đã lên đường vào tăng cường cho Cách mạng miền Nam. Khi vào đến miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Bí thư Quân ủy miền Nam. Thời gian này, ông Nguyễn Văn Linh làm Phó Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Khu Sài Gòn – Chợ Lớn.
Tháng 7/1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất, Trung ương bố trí lại các lãnh đạo Trung ương Cục Miền Nam: Đồng chí Phạm Hùng (Bảy Cường), Ủy viên Bộ Chính trị, được cử giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam; các Đồng chí Nguyễn Văn Linh và Phan Văn Đáng, Hoàng Văn Thái làm Phó Bí thư. Đến năm 1973, Trung ương bổ sung đồng chí Võ Văn vào làm Thường vụ Trung ương Cục miền Nam.
ĐỨNG VỮNG TRƯỚC NHỮNG ĐỢT TẤN CÔNG ÁC LIỆT
Trong 14 năm hoạt động tại căn cứ Tây Ninh, Khu đầu não Trung ương Cục miền Nam đã rất nhiều lần bị Mỹ - ngụy tổ chức những đợt tấn công, nhưng luôn đứng vững trước mọi mưa bom bão đạn của kẻ thù. Điển hình, đế quốc Mỹ mở cuộc hành quân lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam mang tên Junction City đánh vào căn cứ Bắc Tây Ninh, từ ngày 22/2 đến 15/4/1967. Cuộc hành quân Junction City do Bộ Tư lệnh dã chiến 2 của Mỹ do tướng Westmoreland chỉ đạo vạch ra, nhằm mục đích tiêu diệt cho bằng được lực lượng chủ lực của đối phương ở miền Đông, đánh lên vùng căn cứ Bắc Tây Ninh, với âm mưu “tìm diệt” căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Bộ Chỉ huy Miền, Đài phát thanh Giải phóng,… xóa căn cứ Dương Minh Châu.

Bàn thờ Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ảnh: CK.
Chỉ huy cuộc hành quân Junction City là tướng ba sao Jonathan O. Seaman, Tư lệnh dã chiến 2. Với mục đích đánh bẫy quân chủ lực Việt cộng Bắc Việt, bắt sống Trung ương Cục miền Nam,… Mỹ đã huy động 45.000 quân, gồm 22 tiểu đoàn Mỹ, ba tiểu đoàn ngụy và phương tiện chiến tranh gồm: 1.200 xe tăng – thiết giáp, 256 khẩu pháo, 300 máy bay trực thăng, ba phi đoàn máy bay vận tải…
Sau 53 ngày đêm, cuộc hành quân trên bộ lớn nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam không đạt được mục tiêu nào đề ra, bị loại gần một phần tư số quân trực tiếp tham chiến, mất một phần ba số tăng – thiết giáp, gần phân nửa số trực thăng và pháo. Riêng lực lượng tại chỗ diệt 6.600 tên, 685 tăng – thiết giáp, 118 máy bay, ba khẩu pháo.
“Mọi cố gắng lớn nhất của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã bị thất bại. Sự kiện này báo trước sự phá sản không thể tránh khỏi của chiến lược Chiến tranh cục bộ. Bị thất bại trên hướng quyết định, quân Mỹ từ phản công chiến lược lâm vào thế phòng ngự bị động trên toàn chiến trường. Cuộc hành quân Junction City lớn nhất vào vùng Tây Ninh, lại là cuộc hành quân thua đau nhất, là cái mốc đánh giá đỉnh cao sự thất bại của chúng trong cuộc hành quân này”, Cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng đánh giá.
Trung ương Cục miền Nam là cơ quan đầu não lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước tháng 4/1975. Trung ương Cục miền Nam đã để lại những bài học quý báu, bài học về xây dựng căn cứ địa, xây dựng phong trào cách mạng gắn bó máu thịt với nhân dân. Dân bám đất, Đảng bám dân, du kích, bộ đội bám thắt lưng địch mà đánh.
Bài học chủ động tiến công địch về mọi mặt, đánh lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Đặc biệt về bài học xây dựng đảng chặt chẽ, vững vàng về chính trị, giỏi về công tác quần chúng là điều kiện tiên quyết dẫn đến thắng lợi của cách mạng nước ta trước kia cũng như công cuộc đổi mới...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17+18-2025 phát hành ngày 28/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1374

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ve-tham-trung-uong-cuc-mien-nam.htm