Về thăm vựa nhãn xứ Mường
Cách đây gần 30 năm, những cây nhãn Hương Chi đầu tiên được đưa về trồng ở đồng đất xã Sơn Thủy (nay là xã Nật Sơn). Khí hậu thổ nhưỡng phù hợp cùng với sự chăm bón của bà con, cây nhãn đã bén rễ và phát triển tốt. Nhãn Sơn Thủy cùi dày, hạt nhỏ, vị ngọt, thơm nhẹ, nhanh chóng được thị trường biết đến và ưa chuộng. Từ 1, 2 hộ gia đình trồng nhỏ lẻ, diện tích trồng nhãn tại Nật Sơn đến nay được nhân rộng lên đến 180 ha. Năm nay, nhãn được mùa, thời tiết thuận lợi nên mẫu mã đẹp, được giá. Những ngày này, bà con xã Nật Sơn đang tất bật bước vào vụ thu hoạch.
Gặp người đưa cây nhãn Hương Chi về xứ Mường
“Cách đây gần 30 năm, tôi mua 300 cây nhãn giống từ Hưng Yên với số tiền đúng bằng số tiền bán 2 con bò. Nghĩ lại cũng thấy thật liều lĩnh”! Ông Bùi Văn Lực (xóm Khoang, xã Nật Sơn) - người đầu tiên đưa cây nhãn Hương Chi về xứ Mường đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi đầy hào sảng và chân chất như thế.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Mường còn nhiều gian khó, chàng thanh niên Bùi Văn Lực luôn đau đáu ý chí phấn đấu học hành, khát vọng giúp quê hương có hướng phát triển kinh tế hiệu quả để thoát nghèo. Trải qua các cương vị công tác từ cán bộ, rồi Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã, ông Lực không ngừng tìm tòi những mô hình mới, cách làm hay, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn là một khái niệm khá xa lạ; bà con nơi đây chỉ quanh quẩn với năm hai vụ lúa mà chẳng đủ ăn. Sau khi nghiên cứu, tìm tòi, ông mạnh dạn thử nghiệm chuyển diện tích vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nhãn Hương Chi.
Ngày ông mang giống nhãn về, bà con ai cũng nghĩ, trồng cây ăn quả bao giờ mới có thu hoạch. Nhưng ông Lực lại có niềm tin và hi vọng là đất đồng quê mình tốt tươi không kém gì ở Hưng Yên, cứ chăm bón thì sẽ có hi vọng. Là đảng viên, lãnh đạo xã, phải tiên phong đi đầu, “nói là làm” thì bà con nhân dân mới tin và nghe theo. Với quyết tâm đó, ông đầu tư 300 cây nhãn giống với giá trị đúng bằng hai con bò về trồng tại vườn nhà.

Ông Bùi Văn Lực (xóm Khoang, xã Nật Sơn) - người đầu tiên đưa cây nhãn Hương Chi về xứ Mường.
Không phụ lòng người, cây nhãn phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây nên năm thứ 3, cây bắt đầu cho quả bói với vỏ mỏng, trái ngọt, cùi dày. Bước sang năm thứ 4, cây lớn nhanh và bắt đầu cho thu hoạch. Nhưng bài toán đặt ra cho ông Lực lúc này là đầu ra cho sản phẩm? Vì quả nhãn trồng ở đất Nật Sơn (lúc bấy giờ là xã Sơn Thủy) chưa có tên tuổi, thương hiệu, chưa từng được thị trường biết đến.
Vậy là sau khi thu hoạch, ông Lực phải thuê xe tải chở nhãn đến các chợ đầu mối ở Long Biên (Hà Nội) để chào hàng và bán lẻ. Những chùm nhãn sai trĩu quả, vỏ sáng, ngọt dịu, róc cùi, hạt nhỏ, giá cả cạnh tranh nhanh chóng được tư thương đón nhận. Ông Lực không phải chở nhãn ra chợ bán nữa mà có tư thương đến tận nhà thu mua.
Đầu ra sản phẩm được giải quyết – nút thắt lớn nhất trong sản xuất nông sản được tháo gỡ, học theo ông Lực, bà con xóm Khoang rồi sau là xã Sơn Thủy và nay mở rộng ra là xã Nật Sơn tích cực học hỏi, mở rộng diện tích trồng nhãn. Từ vài hộ trồng nhỏ lẻ, đến giờ vựa nhãn đất Mường này đã có tổng diện tích 180 ha.
Đưa nhãn Sơn Thủy ra thế giới
Những ngày cuối tháng 7 này, chúng tôi về Nật Sơn, thăm vựa nhãn Sơn Thủy, thật phấn khởi là năm nay nhãn được mùa, được giá. Dọc theo con đường bê tông xóm Khoang, xã Nật Sơn là những vườn nhãn sai trĩu quả chờ ngày thu hái. Đầu mùa giá nhãn đang ở mức 30 nghìn đồng/kg, khi vào chính vụ có thể sẽ giảm xuống tầm 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Khu vực trồng tập trung nhãn nhiều nhất tại xã Nật Sơn hiện nay chính là xã Sơn Thủy cũ trước sáp nhập nên nhãn trồng tại khu vực này được gọi là nhãn Sơn Thủy. Năm 2016, sản phẩm nhãn Sơn Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Tiếp đó là hàng loạt các chứng nhận được cấp về An toàn thực phẩm (năm 2016); VietGAP (2019); OCOP (2020) đã giúp thương hiệu nhãn Sơn Thủy vươn xa hơn đến các thị trường trong và ngoài nước.
Năm 2019, nhãn Sơn Thủy là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp mã số vùng trồng. Đây được coi như một tấm “giấy thông hành” để sản phẩm này được xuất khẩu chính ngạch ra thị trường quốc tế. Với rất nhiều nỗ lực của người trồng nhãn và chính quyền địa phương, tháng 8/2022, nhãn Sơn Thủy đảm bảo yêu cầu khắt khe để được xuất khẩu vào thị trường khó tính EU. Đây là một dấu ấn đặc biệt khẳng định chất lượng, thương hiệu của nhãn Sơn Thủy.
Là người có trên 25 năm kinh nghiệm trồng nhãn, chia sẻ về vụ nhãn năm nay, ông Bùi Văn Miển, xóm Khoang, xã Nật Sơn phấn khởi cho biết: Gia đình tôi hiện có 7.000m2 đất trồng nhãn. Năm nay khí hậu thuận lợi, từ đầu mùa hè đến nay nắng nhiều, không có các đợt mưa bão dài ngày nên vỏ nhãn sáng màu, trái căng tròn, ngọt. Nếu mưa nhiều sẽ bị xấu mã, ngập úng dẫn đến chết cây. Năm nay được mùa nhãn, cây nào cũng sai, năng suất cao, mẫu mã đẹp. Ước tính năm nay, gia đình tôi có thể thu được 13 tấn quả. Trừ chi phí đi cũng lãi được tầm 200 triệu đồng. Bà con trồng nhãn Sơn Thủy hi vọng năm nay sẽ có một năm thắng lớn.

Sản phẩm nhãn Sơn Thủy được thu hoạch, đóng gói đúng quy cách, thuận tiện cho việc sử dụng, làm quà biếu.
Thực tế những năm qua cho thấy, nhãn Sơn Thủy đã trở thành cây trồng chủ lực giúp bà con Nhân dân Sơn Thủy, nay là xã Nật Sơn nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Hiện nay, nhãn được trồng nhiều nhất tại xóm Khoang, xóm Bèo, xóm Lốc... Trong đó xóm Khoang có 100% số hộ gia đình đều trồng nhãn với diện tích gần 50 ha. Sản lượng mỗi ha canh tác thu hoạch khoảng 30 tấn, tổng thu nhập ước đạt trên 300 triệu đồng trên 1 ha. Toàn xã Nật Sơn mới sau sáp nhập có khoảng 220 ha diện tích đất trồng nhãn Sơn Thủy.
Vựa nhãn của xứ Mường đang thay đổi từng ngày, quả sai trĩu. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũ thì diện tích trồng nhãn tập trung nhiều nhất tại khu vực huyện Kim Bôi cũ với 360 ha. Trong đó nhiều nhất là ở khu vực Sơn Thủy, nay là Nật Sơn với 180 ha. Hai giống nhãn được trồng nhiều nhất là Hương Chi và nhãn Miền.
Hiện nay, nhãn xứ Mường đang phải cạnh tranh khốc liệt với nhãn được trồng tại các địa phương nổi tiếng như Hưng Yên, Sơn La... Do đó, người trồng nhãn mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ quy hoạch vùng trồng, mở rộng diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP, liên kết để tìm đầu ra ổn định. Có như vậy cây nhãn mới thực sự mang đến những mùa quả ngọt, giúp bà con nhân dân địa phương làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ve-tham-vua-nhan-xu-muong-236387.htm