Về Thọ Xuân - Vùng đất địa linh nhân kiệt
Vẫn biết đó là một công việc đã trù liệu từ trước, được lãnh đạo ban Văn, Hội Văn nghệ Thanh Hóa, trưởng ban nhà văn Nguyễn Văn Đệ; các phó trưởng ban nhà văn Viên Lan Anh, nhà văn Ngân Hằng, người gọi phôn, người đưa lên mạng (PB) danh sách ' chốt' đoàn nhà văn của Ban sẽ đi thực tế sáng tác tại huyện Thọ Xuân nhưng trước đó một, hai ngày, các cạ vẫn phôn í ới gọi nhau đầy hào hứng.
Hào hứng và dặn dò nhau, sáng ngày lên đường, ai dậy trước thì nhớ báo thức để không bị trễ. Hào hứng còn vì có nhà nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Đàm, một photographer nổi tiếng tài hoa, diệu nghệ tham gia đưa hình. Sáng ngày xuất phát, gió mùa trước lập đông tràn về, mưa ào ạt suốt đêm, mưa còn rả rích kéo sang ngày, thế mà đúng 6h30, tất cả đã tề tựu đông đủ hướng về Thọ Xuân, Tây Nam tiến.
Trên đường đi trong khi dừng, ăn sáng, một bạn hữu lướt Facebook rồi nói như reo, hôm nay sinh nhật bước sang tuổi bát tuần của nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Đàm. Thế là rổn rang lời chúc thọ sức khỏe bách niên giai lão, chúc sự sáng tạo lên tay như chân lý dân gian, gừng càng già càng cay giành cho nhà nhiếp ảnh lão tướng, người mà mới đây đã vinh dự nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.
Lãnh đạo Thọ Xuân đón tiếp đoàn thực tế sáng tác thật trọng thị và bắt tay ngay vào công việc. Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Phạm Mai Anh, Phó chủ tịch UBND Lê Văn Duyệt, Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Xuân Hải thông báo nhanh về bức toàn cảnh của huyện Thọ Xuân, nêu bật lên hai nội dung mà các nhà văn Xứ Thanh quan tâm trong chuyến đi. Đó là chiều dày lịch sử của miền đất Thọ Xuân văn hiến, là đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn của một huyện vừa được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trước khi rời phòng khách, đoàn thực tế của ban Văn đã có trong tay lịch công tác chi tiết từng buổi, từng ngày. Thật cảm động là lãnh đạo Thọ Xuân còn mời nhà sử học, nhà báo Lê Xuân Kỳ, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa, nguyên phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân và nhà sử học, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thọ Xuân tham gia đoàn như những nhà tư vấn và hướng đạo về lịch sử văn hóa cùng các điển hình nông thôn mới của huyện nhà.
Địa danh mà đoàn nhà văn đi thực tế sáng tác ghé thăm đầu tiên là Lam Kinh. Cũng đã nhiều lần đến thăm Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia này nhưng trong không khí bầu bạn văn chương lại được người hướng dẫn du lịch giới thiệu cặn kẽ, tình tiết nên cá nhân tôi luôn như thấy hiển hiện trước mắt tầm dáng oai linh của vị Anh hùng áo vải, giương cờ đại nghĩa đánh giặc Ngô, khôi phục nền độc lập tự chủ, khi buổi đầu chỉ có chưa đầy một nghìn “dân ấp, dân lân” mà trận mở màn, mai phục địch ở lèn đá Lạc Thủy, chém một nghìn năm trăm thủ cấp giặc, khiến Mã Kỳ, Sơn Thọ, hai đại tướng số má cùng mười lăm ngàn quân thủy bộ của chúng phải chạy dài về thành Tây Giai cố thủ. Từ chiến thắng đó, dù trong cuộc kháng chiến mười năm đầy khó khăn gian khổ hy sinh nhưng đã tạo nên cái thế “Đánh một trận sạch không kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông” (Cáo bình Ngô) và kết thúc toàn thắng vào năm 1428.
Rời Lam Kinh mà lòng dạ cứ lâng lâng hình ảnh cây Đa-Thị bấy lâu vắng bóng hồn Thị, nay, một Thị “con” đã trổ ra từ lòng Đa, có chiều cao chừng hai mét, lá xanh mướt lóng lánh quầng sáng chiều hôm trong lay phay màn mưa ngâu muộn. Rời Lam Kinh mà hồn vía cứ còn rung động thao thiết với câu thơ “Mấy lần hào lũy Lam Kinh/ Thấy như voi ngựa hùng binh trẩy về...” (Thơ TNT).
Với chủ đề xây dựng nông thôn mới, các nhà văn xứ Thanh rất tâm đắc với câu khẩu hiệu định hướng: “DÂN BIẾT, DÂN BÀN, DÂN LÀM, DÂN HƯỞNG THỤ”. “Dân hưởng thụ”, chí lý và thiết thân quá. Lâu nay “Dân kiểm tra”, đương nhiên rồi nhưng “Dân hưởng thụ” thì thú thật, về với Thọ Xuân, cá nhân tôi mới được thấy, được nghe.
Đến xã Xuân Phú, một xã trước đây được coi là một trong những địa bàn nghèo nhất huyện Thọ Xuân với hơn 60% là đồng bào dân tộc thiểu số và có một số đội sản xuất của nông trường Sao Vàng nhập vào. Cho đến năm 2010 thu nhập bình quân đầu người mới được 12,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 53,38%, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm hơn 70%. Đến năm 2018 thu nhập bình quân đã nâng lên thành 35 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4, 87%. Từ lúc đầu không có doanh nghiệp nào, nay Xuân Phú đã có hơn mười doanh nghiệp. Tổng thu từ các ngành nghề và các dịch vụ thương mại hàng năm đạt 14 tỷ đồng.
Đến Xuân Phú còn ấn tượng bởi trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia với 15 phòng học khá khang trang. Ba mươi sáu cô giáo hàng ngày chăm nom hơn 500 cháu bé trước khi vào lớp 1 với tấm lòng “Con đường đến với trái tim trẻ chỉ có thể là tình thương của cô”. Cô hiệu trưởng Lê Thị Hiệp, tốt nghiệp khoa Cao đẳng Mầm non Đại học Hồng Đức, người trở thành Đảng viên khi mới hai mươi tuổi đã thổ lộ: “Trường chúng tôi được như ngày hôm nay là nhờ có chính sách xây dựng nông thôn mới, cụ thể nhất là chương trình xây dựng phòng học tập trung và làm đường giao thông kiên cố. Ngày trước chưa có những con đường bê tông - nhựa, trường có mười hai lớp thì phải rải về mười hai thôn, có thôn cách trung tâm xã đến 8 cây số. Những ngày mưa, đất đỏ quánh, bết như nhựa, phụ huynh không thể nào đưa con cháu tới lớp được”. Rời Xuân Phú chúng tôi còn thấy những mặt bằng rộng rãi đang được các doanh nghiệp thi công hạ tầng nhà xưởng hai bên đường 47; thấy những con mương “treo” trên đầu dẫn nước chảy theo chiều lợi thủy đến các thửa ruộng khô cằn. Đó là những hiển diện sinh động của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Về xã Thọ Trường gặp ông chủ tịch hội Nông dân Hoàng Văn Dũng, 46 tuổi lại thấy chuyện xây dựng nông thôn mới ở đây có khía cạnh khác, đó là phải tìm ra điểm đột phá để làm điểm tựa cho phong trào chung. Thọ Trường với xuất phát điểm thu nhập bình quân đầu người chưa đến mười triệu đồng trước năm 2010. Đồng đất lại chủ yếu là vùng nội đê sông Chu trũng nhất huyện, đất ngoài đê là bãi bồi, cả hai loại đất này trồng lúa đều cho thu hoạch bấp bênh. Những năm mưa nhiều có thể bị trắng tay. Nhìn thấy tiềm năng bà con có truyền thống trồng cây màu lâu đời và chăn nuôi mát tay, lãnh đạo xã chỉ đạo hội Nông dân quy hoạch cho thôn Long Linh Ngoại 1 trồng 35 ha gồm bốn loại cây màu thế mạnh là dưa chuột, cây ớt xuất khẩu, cây bí đỏ và cây ngô ngọt. Năm được giá thu về mỗi sào 50 triệu đồng; năm giá rớt thấp nhất cũng được 15 triệu đến 17 triệu đồng/sào. Tính ra gấp hàng chục lần trồng lúa. Ông chủ tịch Hội Nông dân Thọ Trường đặc biệt nhấn mạnh đến khu vực trang trại gà của tổ hợp Hùng Dũng. Anh Trịnh Hùng Dũng năm nay 39 tuổi đang là chủ tổ hợp nuôi gà gồm 11 hộ với đàn gà giống nhập từ Bình Định đông tới 20 vạn con. Anh Dũng đã từng tốt nghiệp trung cấp thú y và đại học Luật. Từng là phó bí thư Đoàn xã, trước chủ trương tìm điểm đột phá trong chương trình xây dựng nông thôn mới của quê hương, anh bàn với vợ là chị Hạnh, một bác sỹ thú y mở trang trại nuôi gà ở ngoài bãi sông Chu. Thành công của đôi vợ chồng Dũng Hạnh đã kéo thêm mười hộ tham gia như một hình thái hợp tác xã kiểu mới. Đàn gà hiện tại của vợ chồng Dũng Hạnh có bốn vạn con (có lúc đạt năm vạn). Theo anh Dũng, cứ mỗi chu kỳ bốn tháng, một vạn con gà cho lãi ròng 30 triệu đồng. Tính ra mỗi năm đàn gà của trang trại Dũng Hạnh thu về trên dưới bốn trăm triệu đồng, đảm bảo công ăn việc làm cho khoảng mười lao động.
Những đóng góp từ mũi nhọn đột phá như cách trồng trọt chăn nuôi ở thôn Long Linh Ngoại 1 đã góp phần đáng kể để hôm nay xã Thọ Trường đã hoàn thành 19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, bình quân thu nhấp đầu người vượt ngưỡng 40 triệu đồng/ năm. Nhân dân trong xã hào hứng tham gia xây dựng các công trình phúc lợi. Riêng con đường trổ ra bốn nhánh đến các trang trại ở Long Linh Ngoại 1, bà con đã đóng góp tiền và ngày công quy đổi đến một tỷ năm trăm triệu đồng.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới Thọ Xuân còn nhiều điểm sáng khác như nghĩa cử hiến đến 12.500m2 đất để xây dựng đường giao thông của nhân dân xã Nam Giang; phương cách đưa công nghệ trồng trọt thời 4.0 vào vùng bãi bồi phù sa ở xã Xuân Hòa; phương cách khôi phục và mở rộng vùng trồng giống bưởi đỏ “ tiến vua” ở xã Thọ Xương... Do thời gian không đủ để chiêm nghiệm được tất cả, các nhà văn chỉ còn biết gửi lại những lời hẹn, sẽ sớm quay lại Thọ Xuân, đi và viết.
Và trước khi rời miền đất quý yêu này, đoàn đi thực tế sáng tác vẫn kịp đến dâng hương đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập. Trong màn khói nhang huyền ảo, ngắm chiếc đĩa đá trắng đường kính rộng đến 40 cm với dòng chữ: “Giang Nam nhất phiến tuyết/ Trác khí vạn niên trân” ( Một phiến đá trắng như tuyết ở Giang Nam/ Khí thiêng quí hiển đến vạn năm), mỗi nhà văn xứ Thanh như tự cảm nhận rằng, mình đã được đến một vùng đất ĐỊA LINH NHÂN KIỆT, một vùng đất đang đổi mới từng ngày để đi tới phát triển phồn vinh và thịnh vượng./.