Về thôn Quan Chiêm Từ vùng đất Kẻ Đản

Vùng đất Kẻ Đản xưa nay thuộc xã Hà Giang (Hà Trung) có đủ núi, đồi, sông và đồng ruộng, cảnh quan nơi đây phong cảnh hữu tình. So với nhiều làng Việt cổ xứ đồng chiêm trũng khác, dân cư của 4 làng: Mỹ Dương, Chánh Lộc, Hòa Thuận và Quan Chiêm của xã Hà Giang sống quây quần trên những 'bái' đất cao mà xung quanh là nước.

Đình làng Quan Chiêm, xã Hà Giang (Hà Trung).

Đình làng Quan Chiêm, xã Hà Giang (Hà Trung).

Từ năm 1945 trở về trước, ở Hà Giang các đồi cây rậm rạp có nhiều cây thuốc quý như sâm, tóc tiên... và nhiều loài thú quý hiếm như hổ, báo, cầy hương, chồn, tê tê, trăn hoa... Đặc biệt, nơi đây còn nổi tiếng vì có cây mía đường Chèo, một sản vật tiến vua xưa đã vang lên trong câu hát: “Tới Hà Trung ăn mía đường Chèo ngon sao”; có cây chè xanh để mỗi ai “Đi xa mỏi gối mới lê/ Về nhà uống bát nước chè Quan Chiêm”.

Nơi đây còn có cánh đồng phù sa màu mỡ do con sông Hoạt bồi đắp. Tuy nhiên theo các cụ cao niên trong làng nhớ lại thì lúc đầu làng định cư ở bái Mồ, sau đó chuyển lên ở ven chân đồi núi Chè. Ấy thế mới có câu ca dao truyền miệng: “Đi xa mỏi gối mới lê/ Về nhà uống bát nước chè Quan Chiêm”.

Người dân vùng đất Kẻ Đản xưa luôn cần cù lao động. Ngoài nghề nông, vùng đất này còn tấp nập kẻ bán, người mua, kinh doanh buôn bán. Người làng Quan Chiêm còn có truyền thống hiếu học. Trên mảnh đất này, từ thời Lê sơ (1428-1527) đã có ông Mai Đức Ứng đỗ tiến sĩ, giỏi văn chương chữ nghĩa được vua ngợi khen; ông Phạm Hữu Đức làm quan võ năm Cảnh Hưng (1774), ông Phạm Quốc Huy đỗ tiến sĩ thời Nguyễn, đời vua Minh Mạng (1840)...

Có được những truyền thống ấy không thể không nhắc tới bản sắc văn hóa riêng có. Trước đây, vào những ngày nông nhàn, tết đến xuân về, bà con lại cùng nhau tham gia các lễ hội. Hằng năm vào ngày 25 tháng Chạp, sau khi tiễn táo quân chầu trời, làng mở hội thi bánh dầy. Mỗi nhà làm một chiếc bánh dầy to, đưa xuống đình cúng thần hoàng làng và chấm thi. Không lâu sau đó, từ mùng 10 đến 15 hoặc 16 tháng Giêng, lễ hội Yến Lão làng Quan Chiêm lại được rộn ràng tổ chức. “Nhất vui là hội mùng 10/ Ngoài đánh cờ người trong hát ca công/ Quan văn ngồi điểm trống rồng/ Cân đai áo mũ quần hồng điểm trang/ Quan võ ngồi điểm tiếng chuông/ Ngai vàng kẻ bạc lệ thường uy nghi”.

Tiếc là theo thời gian, nhiều lễ hội đã bị mai một và mất hẳn. Song, so với nhiều địa phương khác, ở Quan Chiêm vẫn còn khá nhiều di tích văn hóa không chỉ có giá trị về tâm linh mà còn gắn với những sự kiện lịch sử quan trọng của đất và người nơi đây.

Và những giá trị

còn được lưu giữ

Nằm trên đất “đình huyện Tống” (huyện Tống Sơn cũ, Hà Trung ngày nay), đình làng Quan Chiêm vốn được coi là đình Cả với vẻ bề thế và quy mô. Được xây dựng năm 1806 và hoàn thành vào năm 1807 khang trang với 5 gian, có hai hàng cột cái cao 6m, đường kính 0,9m, cột trụ hình tròn. “Tuy không chạm trổ hoa văn/ Nhưng mà dáng đứng nguy nga tuyệt vời” để chỉ rằng dù không cầu kỳ trang trí nhưng đình Quan Chiêm vẫn có vẻ đẹp riêng.

Năm 1927 (triều vua Bảo Đại), đình được nâng cao thêm 1m do thế đất dựng đình trũng. Trên thượng lương của đình đến nay còn ghi: Gia Long ngự trị Bính Dần thu/ Nguyên niên Bảo Đại Đinh Mão hạ. Dù nghinh môn đình đã bị phá nhưng phía trước sân vẫn còn ao đình. Liền kề với ao là giếng đình - nơi người dân làng Quan Chiêm thường lấy nước để phục vụ cho những ngày tế lễ.

Ngôi đình như một “chứng nhân” lịch sử. Từ cuộc tiến công thần tốc của người anh hùng áo vải cờ đào, Quang Trung - Nguyễn Huệ ra Bắc đánh giặc ngoại xâm mang theo đội quân “Binh hùng tướng mạnh” vượt qua đất này để lập nên “Phòng tuyến Tam Điệp” nổi tiếng trong lịch sử. Đến thời Nguyễn, vùng đất Hà Giang lại trở thành một hậu phương an toàn cho phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa. Vào tháng 5-1950, có Đại đoàn 308 về đóng bản doanh tại đình làng. Trong cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược, vùng đất này trở thành hậu phương an toàn, cung cấp sức người, sức của và vận động kháng chiến. Sau này, đình còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của địa phương trong thời kỳ xây dựng quê hương.

Giếng làng ngay bên cạnh sân đình Quan Chiêm.

Giếng làng ngay bên cạnh sân đình Quan Chiêm.

Ngoài đình làng, ở Quan Chiêm còn có đền thờ, lăng mộ Thái tể Khiêm Quốc công Lại Thế Khanh. Với tư chất thông minh, trí dũng, Lại Thế Khanh đã lập nhiều chiến công lừng lẫy, được vua Lê ân sủng phong tước hầu, An quận công, rồi Thiếu phó và Thái phó. Công lao của ông đã được các sử thần của triều Lê và triều Nguyễn ghi chép vào quốc sử. Đánh giá cao về ông, Phan Huy Chú viết: “Lại Thế Khanh là một vị tướng giỏi” và vua Gia Long năm thứ 2 (1802) liệt ông vào hàng “công thần Trung hưng nhà Lê bậc thứ nhì”. Khi mất (1578), ông được vua truy tặng Thái tể Khiêm Quốc công. Ngày giỗ ông, triều đình gửi lễ gồm một con bò, một vò rượu, một tấm áo. Ngoài ra, ông còn được hưởng nhiều lộc điền vua ban. Ngôi đền có lịch sử tồn tại gần 450 năm, qua biến cố thăng trầm của lịch sử đã bị hư hỏng hoàn toàn. Đến tháng 10-2022, đền đã hoàn thành sau quá trình tu bổ, tôn tạo.

Ngay trên đất làng Quan Chiêm còn có chùa Quan Chiêm, được xây vào thời Hậu Lê. Theo sách “Lịch sử Đảng bộ xã Hà Giang”: Đây là nơi cán bộ Việt Minh và du khách hoạt động những năm 1941-1945. Do hoàn cảnh lịch sử chùa bị phá, chỉ còn lại một tháp phía sau sân chùa. Vào năm 2006, Nhân dân đóng góp trùng tu, tôn tạo lại các hạng mục khác của ngôi chùa, xây dựng thành địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân trong vùng.

Tự hào về làng quê đậm truyền thống văn hóa lịch sử với một quần thể từ đình, đền, chùa... bà con Nhân dân trong thôn luôn ý thức việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản. Về thôn Quan Chiêm lần này, chúng tôi lại gặp lại ông Mai Mùi, người trông coi đình Quan Chiêm. Không khỏi lo lắng, ông cho biết: “Đình có quy mô gần 500m2, kiến trúc 5 gian, 2 chái với gần 40 cây cột gỗ. Hầu hết các cột đều là gỗ lim, trắc, nhưng qua thời gian, các cấu kiện trong đình đã bị nứt vỡ, mối mọt”. Hơn 10 năm trông coi đình, càng ngày ông càng lo lắng vì sự xuống cấp, sợ đến một ngày đình sẽ đổ sập.

Chia sẻ với tâm trạng của ông Mai Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Giang, ông Tống Văn Trưởng cho biết: “Ngôi đình có ý nghĩa rất lớn với đời sống của Nhân dân địa phương. Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng của nhiều thế hệ, trở thành biểu tượng thiêng liêng, niềm tự hào của dân làng Quan Chiêm. Thời gian cũng như sự tàn phá của thiên nhiên khiến ngôi đình đang nằm trong tình trạng phải kêu cứu. Huyện Hà Trung đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh thực trạng xuống cấp của đình và xin ngân sách để tu bổ, tôn tạo. Tuy nhiên, kinh phí trùng tu đình khá lớn, nên vẫn phải chờ”.

Trong niềm vui chung khi xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 6-2023, người dân thôn Quan Chiêm đang phấn đấu để được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024. “Bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng,... thì việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp luôn được chúng tôi quan tâm, thực hiện trong thời gian qua. Thông qua đó, đã nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần”, ông Tống Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hà Giang khẳng định.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/ve-thon-quan-chiem-nbsp-tu-vung-dat-ke-dan/27976.htm