Về thôn Trê khen nghề truyền thống

Về thôn Trê, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội vào những ngày gặt cuối tháng 9, nghe hương lúa chín từ đồng xa theo gió thổi vào từng xóm nhỏ. Trên những đường, những ngõ, hương tre sợi, nứa bó từ các cơ sở thủ công mỹ nghệ tỏa thơm nức thứ mùi thôn dã, không thể lẫn vào đâu được.

Hương sắc đặc trưng ấy bao lâu nay vẫn âm thầm len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống dân thôn Trê, suốt hàng chục năm qua vẹn nguyên. Hơn 200 hộ nghề mây tre đan đến thời điểm này đang ngày đêm gìn giữ những giá trị truyền thống của cha ông.

Gia đình anh Bùi Hoàng Ngọc Thảo đã có hơn 2 chục năm nối nghề truyền thống. Trong cơ xưởng của gia đình, dễ gặp Thảo miệt mài bên khuôn đan cho kịp đơn hàng. Bố anh, nghệ nhân Bùi Văn Hiếu, tất tả thu gom những sản phẩm mây tre đan cuối cùng, thành quả lao động cả ngày từ các hộ dân trong xã, về lại xưởng để kịp chuẩn bị chuyến hàng kế tiếp.

Gương mặt gầy, da nâu rám nắng, ông Hiếu hiện thân người dân quê ngay ở vẻ bề ngoài. Khi những chuyến hàng cuối cùng tập trung về hết xưởng, ông Hiếu mới thong thả lại cuộc sống của mình.

Lão nông gần 60 tuổi, dù là chủ hàng nhưng là người "từ nhân dân mà ra", như ông vẫn tự nhận, đi thu hàng mặc quần cộc, dép lê, trực tiếp đến từng nhà dạy dân cách đan lát, rồi thu hàng về, vừa là "thầy", vừa là người bán hàng, kiêm cho mượn tiền khi các hộ làm thuê "giáp hạt".

Đưa đôi mắt nhìn xa xăm, ông Bùi Văn Hiếu trầm ngâm kể về những ngày đầu lập nghiệp, mang nghề về với làng quê, người dân nhờ đó kinh tế khấm khá, xây nhà dựng cửa, cho con cháu học hành tử tế...

Thời điểm ông Hiếu lập nghiệp là những năm cuối cùng của thế kỷ XX, kinh tế trong nước nhiều biến động, đời sống nông dân lắm khó khăn. Thuở ấy, khi khởi nghiệp bằng nghề mây tre đan chẳng ai nghĩ ông thành công được, lại càng không nghĩ có thể mang về công ăn việc làm cho người dân.

Với nguồn vốn ban đầu gần như bằng không, hai vợ chồng ông Hiếu phải chờ gà đẻ xong, trứng còn nóng hôi hổi đã phải đem ra chợ bán mới đủ tiền đi phà sang vùng khác học nghề, lai nhau trên chiếc xe đạp cũ. Gia đình ông nghèo quá, thuộc hàng nhất nhì trong thôn, thuê nhân công không được vì mọi người không ai tin...

Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn”, ông Hiếu huy động nhân lực từ chính người thân trong nhà, kiếm được nguồn dây rừng về đan. Không có tiền để mua cốt đóng, ông mang các vật dụng thân thuộc trong chính gia đình như máng lợn… để đan thử.

Lô hàng đầu tiên với 40 chiếc thuận lợi tới tay khách hàng, mỗi sản phẩm khi đó chỉ có giá 10.000 đồng, sau khi trừ chi phí và trả công thợ hết 8.000 đồng mới giữ lại 2.000 đồng để tiêu.

Sau đó, ông lại quay vòng làm những mẫu khác, có khách hàng đặt mua một năm trời, hàng nhiều đến mức nhân công trong thôn làm không đủ phải huy động nhân công trên xã về đan.

Sau này, tiếng lành đồn xa, mọi người mới tin tưởng gia đình ông để làm theo, cùng làm giàu. Có năm, nguyên lãi của ông là hơn 100 triệu đồng trong khi giá vàng lúc đó chỉ 480.000 đồng/chỉ. Thời kỳ hoàng kim nhất, một năm ông thu về tương đương 200 chỉ vàng.

Kể từ đó, đi đâu chỉ cần nói đến mây tre đan thì ai cũng ủng hộ, tin tưởng đi theo. Sau này, nhu cầu của khách hàng ngày càng nâng lên và đòi hỏi sản phẩm phải cao cấp hơn, mẫu mã đa dạng hơn.

Chỉ từ những thanh tre nứa khô khan, những sản phẩm thủ công được ông Hiếu cùng bao người thợ thổi hồn vào, mang sắc màu tươi mới. Các công đoạn sản xuất mây tre đan rất cầu kỳ, bao gồm chọn nguyên liệu rồi tuốt, phơi, chẻ nan, sấy… Sau đó, nguyên liệu sẽ được luộc trong nước sôi hoặc sấy khói rơm để có màu đẹp tự nhiên, cuối cùng mới đến tay người thợ đan thành sản phẩm.

Sản phẩm thủ công đậm chất truyền thống thôn Trê

Sản phẩm thủ công đậm chất truyền thống thôn Trê

Hiện nay, ngoài những sản phẩm cổ truyền, các mặt hàng mây tre truyền thống của thôn Trê, cơ sở của ông còn kết hợp những vật liệu như gốm, sứ, gỗ, sắt… để cho ra đời những sản phẩm đẹp và phong phú.

Đồ trang trí đậm chất sáng tạo

Đồ trang trí đậm chất sáng tạo

Nhiều sản phẩm thôn Trê đã đến tay khách hàng trong nước và quốc tế

Nhiều sản phẩm thôn Trê đã đến tay khách hàng trong nước và quốc tế

Ông Hiếu tâm sự: Lúc đầu làm đan lát rất dễ, nhưng càng về sau càng khó, từ hàng mộc, hàng thô thì về sau mẫu hàng càng cầu kỳ, phức tạp, nếu không có tay nghề cao thì sẽ bị thị trường đào thải.

Nhưng chính nhờ sự kỹ lưỡng, chăm chỉ của người thợ nơi đây mà những sản phẩm thủ công từ mây tre đan thôn Trê không chỉ đáp ứng nhu cầu sản phẩm trong nước mà còn tiến đến các thị trường trên thế giới như Đài Loan, Nhật Bản...

Mây, tre, nứa giờ đây không chỉ làm nên thương hiệu cho vùng đất thôn Trê mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hầu hết bà con nơi đây, không chỉ là sinh kế mà trở thành phương tiện làm giàu cho nhiều hộ gia đình.

Võ Hương Giang

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ve-thon-tre-khen-nghe-truyen-thong-92400.html