Vẽ tranh 3D, làm đẹp công viên

Những năm qua, nhiều người biết đến họa sĩ Phạm Bá Cường (sinh năm 1972, ngụ khu phố 4, thị trấn huyện Dương Minh Châu) với tài vẽ tranh biếm họa và điêu khắc trên gỗ. Thế nhưng thời gian gần đây, họa sĩ này gây bất ngờ với tranh 3D.

Họa sĩ Phạm Bá Cường với bức tranh 3D vẽ dịch vụ ở quán

Họa sĩ Phạm Bá Cường với bức tranh 3D vẽ dịch vụ ở quán

Tác phẩm vừa hoàn thành của họa sĩ Cường là bức tranh 3D trong công viên huyện Dương Minh Châu, khổ 3m x 4m, vẽ một dòng thác trắng xóa từ trên cao đổ xuống một hồ nước. Bắc ngang hồ nước là một chiếc cầu ván gập ghềnh trên 2 sợi dây. Ven hồ nước có một số hoa sen, hoa súng đang kỳ nở rộ. Ngay sau khi bức tranh hoàn thành, nhiều bạn trẻ thích thú đến xem và tạo bước chân trên chiếc cầu ván chênh vênh trên hồ nước để check in. Sau khi nhờ chúng bạn chụp cho mình vài tấm ảnh để đăng Facebook, em Nguyễn Thị Thùy Trang, ngụ thị trấn Dương Minh Châu cho biết: “Buổi chiều hằng ngày em và các bạn thường đến công viên tập thể dục. Bức tranh 3D này giúp công viên trở nên sinh động hơn và có cảm giác dịu mát hơn”.

Tác giả của bức tranh 3D trong công viên huyện Dương Minh Châu cho biết, anh mất 2 ngày mới hoàn thành tác phẩm này. Anh “vẽ” bằng máy phun và vật liệu là loại sơn dầu. “Chi phí vẽ bức tranh khoảng 1 triệu đồng, trong đó gồm tiền mua nước sơn và mua xăng để pha, khoản chi phí này do huyện Dương Minh Châu chi trả, tôi đóng góp công sức”- họa sĩ Cường nói.

Họa sĩ Phạm Bá Cường vẽ tranh 3D trong công viên huyện Dương Minh Châu

Họa sĩ Phạm Bá Cường vẽ tranh 3D trong công viên huyện Dương Minh Châu

Ngoài bức tranh thác nước trong công viên, trong thời gian tới, họa sĩ Bá Cường sẽ vẽ thêm 3 bức tranh với 3 chủ đề khác nhau trong công viên, như hồ Dầu Tiếng với khu cắm trại dã ngoại, hồ Dầu Tiếng với làn nước trong xanh và đôi chim hoành hoạch đậu trên trái mãng cầu (na) bổ đôi- một trong những đặc sản nổi tiếng của Tây Ninh. Được hỏi vì sao anh có ý tưởng vẽ những bức tranh 3D này trong công viên, họa sĩ Bá Cường bộc bạch: “Tôi muốn cống hiến công sức của mình, để góp phần quảng bá du lịch, đặc sản của tỉnh và góp phần làm đẹp quê hương”. Hầu hết các bạn trẻ mà chúng tôi có dịp phỏng vấn về bức tranh 3D trong công viên đều có cảm tình với bức tranh này.

Tranh phát thảo của họa sĩ Phạm Bá Cường

Tranh phát thảo của họa sĩ Phạm Bá Cường

Theo lời họa sĩ 50 tuổi này, để có được những tác phẩm nêu trên là cả một quá trình chuẩn bị kỳ công. Trước khi vẽ, anh trình bày ý tưởng này với lãnh đạo huyện Dương Minh Châu, được sự đồng ý của UBND huyện, anh bắt đầu hình thành ý tưởng, dùng máy vi tính phát họa ra 5 bức tranh với các chủ đề khách nhau. Trước tiên, anh phủ lên khu vực vẽ bức tranh một lớp keo chống thấm không màu. Tiếp đó, anh lần lượt phun các màu tạo mảng, khối, đường nét để hình thành bức tranh 3D trên lối đi. Sau khi hoàn thành tác phẩm, nhiều người dân trong huyện thích thú đến chụp ảnh. Vì bức tranh được vẽ trên lối đi trong công viên, nên hằng ngày có nhiều người giẫm chân lên tác phẩm. Họa sĩ Cường dự đoán sau thời gian khoảng 1 năm, bức tranh sẽ bị phai màu, bị bong tróc. Khi đó, anh sẽ sơn giặm vá lại những nơi bị hư hỏng và sẽ sơn phủ lên bức tranh một lớp keo bóng để hạn chế tối đa sự tác động từ bên ngoài.

Tranh 3D của họa sĩ Phạm Bá Cường trong công viên huyện Dương Minh Châu được nhiều bạn trẻ ưa thích

Tranh 3D của họa sĩ Phạm Bá Cường trong công viên huyện Dương Minh Châu được nhiều bạn trẻ ưa thích

Họa sĩ Bá Cường tâm sự, thể loại tranh 3D có trên thế giới từ nhiều năm qua, nhưng ở nước ta mới phát triển trong những năm gần đây. Nhân một lần đến tham quan Bảo tàng mỹ thuật ở TP. Hồ Chí Minh, anh bị cuốn hút bởi thể loại tranh này. Trở về Tây Ninh, anh tìm thầy học vẽ nhưng không có ai dạy. Không còn cách nào khác, anh tự tìm tòi học hỏi trên mạng, sách và tập vẽ. Nhờ có kiến thức, năng khiếu về hội họa và điêu khắc, nên sau thời gian học hỏi, anh đã nắm bắt được những nguyên tắc cơ bản của tranh 3D. Theo họa sĩ Bá Cường, vẽ tranh 3D khó hơn rất nhiều so với vẽ trên mặt phẳng. Chỉ tay vào một bức tranh vừa phát họa xong, anh Cường giải thích: “Ví dụ như chiếc bóng đổ như thế này, nếu vẽ trên mặt phẳng chỉ cần vẽ đúng tỷ lệ là được, còn vẽ 3D trên mặt đất phải vẽ dài hơn gấp 5 lần. Tương tự như thế, để thấy được hình tròn theo kiểu 3D trên mặt đất thì phải vẽ hình elip chứ không phải vẽ hình tròn như vẽ trên mặt phẳng. Vì vậy, người tham quan tranh 3D nếu biết chọn đúng vị trí quan sát mới tiếp nhận đúng nội dung bức tranh”.

Bức tranh phát thảo của họa sĩ Phạm Bá Cường đã được góp ý bỏ hình người

Bức tranh phát thảo của họa sĩ Phạm Bá Cường đã được góp ý bỏ hình người

Không chỉ vẽ tranh trong công viên, thời gian qua, họa sĩ Bá Cường còn vẽ dịch vụ tranh 3D để trang trí cho một số quán ăn, quán cà phê trong tỉnh. Nhờ những tác phẩm hội họa của anh, những địa điểm ăn uống này càng trở nên xinh đẹp và thu hút nhiều thực khách.

Tranh phát thảo vẽ đặc sản Tây Ninh của họa sĩ Phạm Bá Cường

Tranh phát thảo vẽ đặc sản Tây Ninh của họa sĩ Phạm Bá Cường

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ve-tranh-3d-lam-dep-cong-vien-a144958.html