Về truyền thống xuất gia gieo duyên ở Thái Lan
Ở Thái Lan, một truyền thống văn hóa độc đáo từ lâu đã thu hút những người quan tâm đến Phật giáo: các thanh niên Thái Lan sau khi hoàn thành chương trình học tập của mình, sẽ bắt đầu quá trình tu tập và chuyển hóa bản thân mình trong hình thức của những nhà sư xuất gia gieo duyên.
Nghi thức thọ giới Tỳ-kheo trong một thời gian ngắn này đã là một phần không thể thiếu trong xã hội Thái Lan, đem đến cho những nam thanh niên của xứ sở Chùa Vàng này cơ hội để thể hiện lòng biết ơn đối với gia đình, thể nghiệm giáo lý, định hướng cho bản thân trong những việc thiện và đắm mình trong những phương pháp tu tập chuyển hóa của Phật giáo.
Đối với nhiều thanh niên Thái Lan, việc gia nhập và dành thời gian để thể nghiệm cuộc sống trong một tu viện là một truyền thống lâu đời và được hầu hết các gia đình khuyến khích như một nhiệm vụ phải hoàn thành ít nhất một lần trong đời.
Palath Dilokloetthanakorn là một thanh niên cũng đã có được những trải nghiệm tuyệt vời như vậy. Anh đã đi theo bước chân của vô số người khác, dành trọn một tháng trong một ngôi chùa ở địa phương sau khi hoàn thành chương trình học đại học. Hành động khoác áo cà-sa, đi chân trần qua phố lúc bình minh và nhận vật thực từ thí chủ cúng dường, đối với anh, như một cơ hội để thể hiện lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với cha mẹ cũng như những người đã nuôi nấng và bảo bọc mình trong suốt cuộc đời.
Tuy nhiên, trong suốt những năm vừa qua, tầm quan trọng của việc xuất gia gieo duyên đã bắt đầu thay đổi. Uthit Siriwan, một học giả nghiên cứu về Phật giáo Thái Lan, đã nhận xét rằng trong khi nhiều người xem việc thọ giới chỉ là sự kiện diễn ra một lần duy nhất trong cuộc đời của họ thì sức hấp dẫn của việc xuất gia gieo duyên lại ngày càng gia tăng. Thay vì nghĩ đó là một nhiệm vụ, thì giờ đây, một số thanh niên coi đó là một cơ hội để nội liễm và chuyển hóa những phiền não cũng như những vấn đề của tâm thức. Họ dần nhận ra sức mạnh kỳ diệu của các phương pháp tu tập, giữ gìn giới luật, ý thức tự giác và an lạc nội tâm phát sinh từ những buổi thiền tập.
Những nhận thức phát triển này cũng chính là câu chuyện của Nattapong Chaosangket, người đã chọn xuất gia theo Phật giáo ở độ tuổi 20. Đối với sư, quyết định này đã đến khá muộn trong cuộc đời của sư, nhưng cũng chính thời điểm này đã chứng minh được sự thấu đáo trong suy nghĩ của sư. Sư cũng cho biết rằng nếu sư đi tu sớm hơn thì có thể đã bỏ lỡ cơ hội để thực sự đi sâu vào nội tâm và khám phá bản thân một cách nghiêm túc nhất.
Tuy nhiên, cũng như bất kỳ truyền thống tâm linh nào, có những người bước vào đời sống tu viện vì những lý do ít chính đáng hơn. Họ tìm kiếm sự chuộc lỗi về mặt đạo đức và lạm dụng chức vị của nhà sư như một lá chắn để trốn tránh những hậu quả của hành vi tội lỗi do họ gây ra. Trong khi một số người thực sự hối hận và quyết định dùng các hạnh lành để xóa mờ nghiệp ác thì những người khác lại khai thác lòng tin của cộng đồng đối với tu viện để có được sự thứ tha từ quần chúng. Điều này đưa ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho những người đến với Phật giáo không phải vì mục đích chân chính thông qua hình thức xuất gia gieo duyên.
Trong cuộc thảo luận về đời sống tu sĩ Thái Lan này, chúng ta cũng phải đề cập đến sự khác biệt về giới tính. Trong khi xã hội Thái Lan rất kính trọng chư Tăng, thì phụ nữ xuất gia lại không được công nhận rộng rãi trong cộng đồng. Phụ nữ vẫn còn bị kỳ thị khi xuất gia và thọ giới Tỳ-kheo-ni, mặc dù có một con đường khác là nữ tu - những người giữ ít giới hơn Tỳ-kheo-ni. Mặc dù đây là truyền thống lâu đời ở Thái Lan, nhưng cần thiết phải suy xét lại những hạn chế dựa về mặt giới tính này trong khi các chuẩn mực xã hội đang phát triển và sự bình đẳng giới được thúc đẩy rộng rãi hơn bao giờ hết.
Truyền thống xuất gia gieo duyên ở Thái Lan là một viên ngọc văn hóa đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Chính sự phổ biến đặc biệt của nó đã đem đến một sự ngưỡng mộ vô song từ nhiều truyền thống tâm linh khác nhau trên thế giới đối với quốc gia Phật giáo này. Để việc xuất gia gieo duyên tiếp tục phát triển, chúng ta phải trân trọng và bảo tồn bản chất của phương pháp tu tập này, đồng thời mở lòng đón nhận những sự cải tiến phù hợp với các giá trị hiện đại.
Một xã hội khuyến khích việc quay về soi sáng nội tâm, cải thiện bản thân và mở rộng lòng trắc ẩn chắc chắn sẽ phát triển trong tương lai. Thông qua việc đón nhận sự đa dạng và thúc đẩy sự hòa hợp, chúng ta phải tin chắc rằng ánh sáng của Phật giáo sẽ tiếp tục tỏa sáng rực rỡ và truyền cảm hứng cho các thế hệ mai sau.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/ve-truyen-thong-xuat-gia-gieo-duyen-o-thai-lan-post68469.html