Về vấn đề cắm ký giấy tờ tùy thân để vay mượn

LTS: Tình trạng công chức, viên chức... cắm ký các giấy tờ tùy thân để vay nợ không còn là chuyện hiếm. Khi không đòi được nợ, các đối tượng cho vay thường lợi dụng việc này để gây sức ép với cơ quan, đơn vị, buộc người vay trả nợ, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, có biện pháp xử lý đúng đắn, Báo Quân đội nhân dân giới thiệu bài viết của Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Trong giao dịch dân sự, chuyện vay mượn là bình thường, pháp luật không cấm, kể cả đối với người công tác trong cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang. Việc công chức, viên chức vay nợ rồi cắm ký các giấy tờ tùy thân cũng không còn là chuyện mới. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt thì từ những việc vay nợ, đòi nợ như vậy có thể phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực, gây ra dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến tác phong, đạo đức của công chức, viên chức.

Nhìn nhận ở góc độ pháp lý thì vay tài sản là giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự trên cơ sở tự nguyện giữa các bên. Hợp đồng vay do các chủ thể có năng lực hành vi dân sự thực hiện; số tiền vay, thời hạn vay, lãi suất do các bên tự thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất mà nhà nước quy định (không quá 20%/năm). Pháp luật về dân sự cũng quy định việc vay tài sản có thể bằng tín chấp hoặc các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự trong đó có cầm cố, thế chấp, đặt cọc, bảo lãnh... Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Theo các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, bên cho vay có nghĩa vụ: Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận; bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó; không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn. Còn bên vay có nghĩa vụ: Nếu vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trong quan hệ dân sự thì không phải khi nào các bên cũng thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình. Chính vì vậy, pháp luật dân sự cũng quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Theo đó, các bên có quyền thỏa thuận một trong các biện pháp mà Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch dân sự. Cụ thể, Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như sau: Cầm cố tài sản; thế chấp tài sản; đặt cọc; ký cược; ký quỹ; bảo lưu quyền sở hữu; bảo lãnh; tín chấp; cầm giữ tài sản. Các biện pháp này được quy định cụ thể lần lượt tại các Điều 309, 317, 328, 329, 330, 331, 335, 344, 346 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định tài sản là tiền, vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Theo đó, các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, chứng minh thư Quân đội, thẻ đảng viên... không phải là giấy tờ có giá, không phải là tài sản mà chỉ là giấy tờ ghi nhận thông tin nhân thân của cán bộ, quân nhân. Pháp luật cũng không quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là cầm cố thẻ đảng viên, chứng minh thư Quân đội hoặc các giấy tờ, đồ vật tư trang của cá nhân. Bởi vậy, nếu cá nhân vay tiền của các tổ chức, cá nhân mà để lại chứng minh thư Quân đội, thẻ đảng viên hoặc các giấy tờ khác về nhân thân để làm tin thì việc này không có ý nghĩa pháp lý, hay nói cách khác là người cầm giữ giấy tờ này không được phép sử dụng giấy tờ để thanh lý, hóa giá hay thực hiện các giao dịch dân sự kinh tế để bù trừ nghĩa vụ trả nợ. Ngoài ra, các quy định của Đảng, của Quân đội cũng không cho phép cán bộ, đảng viên, quân nhân sử dụng thẻ đảng viên, căn cước công dân, chứng minh thư Quân đội hoặc các giấy tờ tùy thân để thực hiện các giao dịch vay mượn, cầm cố, thế chấp. Bởi vậy, cán bộ, công chức, viên chức vay mượn dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật; nếu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện các giao dịch dân sự ngoài phạm vi nhiệm vụ thì cơ quan, đơn vị quản lý không chịu trách nhiệm. Đây là quan hệ dân sự, nếu có tranh chấp thì có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì sẽ gửi đơn đến cơ quan chức năng để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu tổ chức, cá nhân có quan hệ với cán bộ, công chức, viên chức về vay mượn, cầm cố mà phát sinh mâu thuẫn rồi thực hiện các hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến uy tín của cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của cán bộ, công chức, viên chức hoặc có hành vi khác xâm phạm đến hoạt động nghề nghiệp thì tùy vào tính chất, mức độ, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để quản lý tốt cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần duy trì kỷ luật, kỷ cương; kịp thời phát hiện các trường hợp sa đà vào các tệ nạn xã hội, lô đề, cờ bạc, mại dâm, ma túy hoặc thực hiện các giao dịch dân sự không đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị hay việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Căn cứ vào quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của từng ngành để xem xét xử lý kỷ luật nghiêm minh. Việc xử lý kỷ luật đối với từng trường hợp cụ thể sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm, đối chiếu với các quy định của pháp luật để có hình thức xử lý phù hợp. Thực tiễn cho thấy, cơ quan, đơn vị, tổ chức nào duy trì kỷ luật, kỷ cương tốt, thưởng phạt công minh, cán bộ làm gương thì hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật được kiểm soát tốt, không có những sự vụ nổi cộm. Ngược lại, cơ quan, đơn vị, tổ chức nào buông lỏng kỷ luật, thiếu sự kiểm tra đôn đốc, giám sát, giáo dục bồi dưỡng đạo đức, phẩm chất thì nơi đó cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật nhiều hơn, có thể ảnh hưởng đến uy tín của tập thể. Bởi vậy, vai trò của lãnh đạo đơn vị, phương thức, mục tiêu giáo dục, tuyên truyền để duy trì kỷ luật, kỷ cương, nếp sống văn minh, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền là rất cần thiết.

Quân nhân cho vay nặng lãi dưới bất kỳ hình thức nào đều bị kỷ luật

Điều 42 Thông tư số 143/2023/TT-BQP ngày 27-12-2023 của Bộ Quốc phòng quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-2-2024 nêu rõ: 1. Đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép; cho vay nặng lãi dưới bất kỳ hình thức nào thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo. 2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng chức, cách chức đến giáng cấp bậc quân hàm: a/Là chỉ huy; b/Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm; c/Lôi kéo người khác tham gia; d/Cho thuê địa điểm đánh bạc.

Tiến sĩ, luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ve-van-de-cam-ky-giay-to-tuy-than-de-vay-muon-761113