Về việc cấp đổi, cấp lại bằng chứng nhận khen thưởng cấp Nhà nước
Thời gian qua, Báo Quân đội nhân dân nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc hỏi về việc cấp đổi, cấp lại các hiện vật khen thưởng, đặc biệt là bằng của các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước trước đây như: Huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước... liên quan đến mẫu dấu, chữ ký của thời kỳ trước. Chúng tôi đã làm việc với các cơ quan chức năng để giải đáp thắc mắc này.
Có một thực tế là không ít tổ chức, cá nhân được khen thưởng cách đây hàng chục năm, nhưng do thất lạc hoặc điều kiện bảo quản không tốt, do thiên tai, hỏa hoạn... nên đến nay, hiện vật đã bị hư hỏng, có nhu cầu cấp lại, cấp đổi.
Ông Nguyễn Trọng Nga ở xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), viết đơn về tòa soạn cho biết: “Anh tôi là Nguyễn Trọng Việt được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba năm 1986, nhưng bị thất lạc. Huân chương có ý nghĩa rất lớn đối với gia đình tôi vì chứa đựng giá trị lịch sử, tinh thần, góp phần tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cho con cháu, đồng thời là căn cứ để giải quyết chế độ, chính sách liên quan. Gia đình tôi đề nghị cấp lại đã lâu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả...”.
Tìm hiểu tại Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ), qua theo dõi ý kiến cử tri và từ thực tế nội dung đơn thư gửi về tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, chúng tôi nhận thấy nhu cầu cấp đổi, cấp lại bằng của các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước là khá lớn.
Đáp ứng nguyện vọng đó, nhiều năm qua, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội thực hiện cấp đổi, cấp lại bằng của các hình thức khen thưởng này cho hàng trăm nghìn trường hợp. Từ ngày 30-6-2016 trở về trước, việc cấp lại, cấp đổi hiện vật khen thưởng được thực hiện theo Nghị định số 85/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ.
Theo đó, việc cấp lại bằng được thực hiện bằng cách in lại theo mẫu bằng cũ tại thời điểm tập thể, cá nhân được khen thưởng và sử dụng chữ ký, con dấu cũ được lưu giữ tại cơ quan quản lý (Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội) để đóng dấu. Tuy nhiên, từ ngày 1-7-2016, Nghị định số 99/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu có hiệu lực, trong đó, Điều 6 của nghị định quy định cấm sử dụng con dấu hết giá trị sử dụng nên việc cấp đổi, cấp lại bằng bị tạm dừng, trong khi nhu cầu cấp đổi, cấp lại của các tập thể, cá nhân vẫn khá lớn.
Để tháo gỡ vướng mắc, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2018/NĐ-CP ngày 20-7-2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2014/NĐ-CP, trong đó cho phép Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương in sẵn mẫu dấu, chữ ký lên bằng cấp đổi, cấp lại. Vì vậy, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã đi sưu tầm mẫu dấu, chữ ký trên các văn bản quy phạm pháp luật, quyết định khen thưởng, các mẫu bằng và làm việc với Bộ Công an, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Quốc phòng... xin xác nhận mẫu dấu, chữ ký này.
Trao đổi với cán bộ chức năng Phòng Quản lý và Khai thác hồ sơ, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, chúng tôi được biết thời gian qua, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để khôi phục mẫu dấu của các cơ quan Nhà nước, mẫu chữ ký của các lãnh đạo Nhà nước qua các thời kỳ. Đến nay, Ban đã sưu tầm và được xác nhận 14 mẫu dấu, 10 mẫu chữ ký (thể hiện tại Công văn số 2284/BTĐKT-VP ngày 6-9-2021); các trường hợp đề nghị cấp đổi, cấp lại bằng của các hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua liên quan đến những mẫu dấu, mẫu chữ ký nói trên đã có cơ sở để giải quyết.
Với số mẫu dấu của Nhà nước, chữ ký của lãnh đạo Nhà nước còn lại, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để khôi phục, vì vậy tạm thời chưa thể thực hiện việc cấp đổi, cấp lại hiện vật khen thưởng có liên quan đến các mẫu dấu, chữ ký này.
Theo Công văn số 2284/BTĐKT-VP, 14 mẫu dấu đã được khôi phục bao gồm: Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (2 mẫu), Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2 mẫu), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1 mẫu), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2 mẫu), Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1 mẫu), Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1 mẫu), Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1 mẫu), Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam (1 mẫu), Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1 mẫu), Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1 mẫu), Bộ Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1 mẫu) và 10 mẫu chữ ký của các đồng chí: Trường Chinh, Võ Chí Công, Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Nguyên Giáp.
Về thủ tục đề nghị cấp lại, cấp đổi, Nghị định số 85/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ quy định mẫu huân chương, huy chương, huy hiệu, kỷ niệm chương; mẫu bằng, khung hộp, cờ của các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua; quản lý cấp phát, cấp đổi, cấp lại, thu hồi hiện vật khen thưởng và Nghị định số 101/2018/NĐ-CP ngày 20-7-2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2014/NĐ-CP nêu rõ: Đối với cấp đổi, cá nhân có đơn đề nghị cấp đổi (theo mẫu 4.1b Phụ lục IV của Nghị định số 85/2014/NĐ-CP) gửi ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi đang công tác hoặc nơi cư trú) kèm theo hiện vật khen thưởng đề nghị cấp đổi. Đối với cấp lại, cá nhân có đơn đề nghị cấp lại (theo mẫu 4.2b Phụ lục IV) gửi ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đã trình khen thưởng trước đây cho cá nhân để được tra cứu, xác nhận khen thưởng và làm các thủ tục cấp lại hiện vật khen thưởng theo quy định; khi có kết quả, cơ quan chức năng sẽ thông báo cho cá nhân để nhận hiện vật khen thưởng được cấp lại.
Bài và ảnh: KIM DUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.