Về với non nước Cao Bằng, cái nôi của cách mạng Việt Nam

'Khi trở lại Cao Bằng, qua đèo Mây, đèo Gió. Suối róc rách reo vui, trên đường về Pác Bó' - lời bài hát Khi trở lại Cao Bằng ngân vang khiến không chỉ những ai đã từng nhiều lần du ngoạn đến đây hay lần đầu về với Cao Bằng đều như thấy cung đường lên Việt Bắc thân quen đến lạ.

Háo hức được về nguồn, cái nôi của cách mạng Việt Nam, nơi lưu giữ hàng loạt di tích lịch sử văn hóa giá trị, độc đáo, về với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc khiến chúng tôi, các thành viên Chi bộ Thanh tra Bộ Ngoại giao, quên ngay cái mệt sau những khúc quanh co điệp trùng của quãng đường dài gần 400 cây số.

Chi Bộ Thanh tra - Bộ Ngoại giao thăm Núi Các Mác, suối Lênin.

Chi Bộ Thanh tra - Bộ Ngoại giao thăm Núi Các Mác, suối Lênin.

Từ di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó

Trong không khí se lạnh pha chút sương mong manh của mùa đông, chúng tôi đã có mặt tại Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, nằm sát biên giới Việt - Trung, cách thành phố Cao Bằng hơn 60km.

Suối Lênin trong vắt, xanh ngọc, uốn lượn dưới chân núi trập trùng với ngọn núi cao được Bác đặt tên Núi Các Mác, là điểm dừng chân của rất đông du khách tham quan, ríu rít lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ tại địa danh lịch sử thiêng liêng nhưng còn vẹn nguyên nét hùng vĩ, hoang sơ.

Men theo dòng suối Lê-nin, đoàn dừng chân tại Hang Cốc Bó, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từng ở. Du khách đứng quanh chiếc gường đã bạc màu thời gian của Người không khỏi bồi hồi và khâm phục tài trí của nhà lãnh đạo kiệt xuất nhưng hết mực giản dị, đời thường.

Không phải ngẫu nhiên, sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/01/1941, trở về Tổ quốc qua cột mốc 108, Người đã chọn Pác Bó làm nơi ở và hoạt động cách mạng và mở các lớp huấn luyện về chính trị và quân sự cho các cán bộ cách mạng tỉnh Cao Bằng, dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô ra tiếng Việt, soạn thảo và xuất bản nhiều tài liệu cách mạng… Hang Cốc Bó, trong tiếng Nùng, có nghĩa “đầu nguồn”, là một hang đá nằm bên sườn núi Các Mác, ở gần nơi dòng nước chảy ngầm từ núi thành suối tạo thành một địa thế hiểm trở.

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, Khu di tích lịch sử Pác Bó với nhiều địa danh như Hang Bo Bam, bãi Cò Rạc, suối Nậm, lán Khuổi Nặm… đã trở thành một trong những khu di tích quan trọng của cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Từ năm 1975, nơi đây đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cách mạng.

Theo hướng dẫn của Trưởng đoàn, chúng tôi ghé thăm khu di tích mộ anh hùng liệt sỹ Kim Đồng (tên thật là Nông Văn Dền) sinh năm 1929, thuộc Đội nhi đồng cứu quốc tại làng Nà Mạ gần đó. Hình ảnh anh Kim Đồng, người anh hùng đã hy sinh khi vừa tròn 14 tuổi, trong bài thơ của nhà thơ Tố Hữu giờ trở nên thật gần gũi và sống động.

Mặc dù, vào dịp du lịch thấp điểm nhưng từng dòng người vẫn liên tục nối đuôi nhau về với Pác Bó, để được tận mắt khám phá những dấu tích sử thiêng liêng trong một khung cảnh sơn thủy hữu tình.

Một góc Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

Một góc Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

Đến Thác Bản Giốc và Chùa Phật Tích Trúc Lâm

Thác Bản Giốc là thác nước nằm trên sông Quây Sơn tại biên giới giữa Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng và Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.

Không dữ dội như khi vào mùa nước đổ, Thác Bản Giốc trong xanh, hiền hòa của mùa khô cũng đủ khiến du khách phải choáng ngợp với vẻ đẹp ngút ngàn, hùng vĩ của mình. Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, sông Quây Sơn, cánh đồng Phong Nậm, Hồ Bàn Viết… cùng với với các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng đã góp phần đưa du lịch Trùng Khánh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm gần đây.

Anh Đàm Văn Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh cho biết, Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia. Vào mùa cao điểm, mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách đến tham quan Thác Bản Giốc, nhờ vậy lượng khách du lịch đến với Trùng Khánh tăng dần qua các năm, riêng năm 2020 ước đạt gần 300.000 lượt khách tham quan.

Hiện nay, hai bên đang tích cực hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng và một số hạng mục công trình để có thể sớm kết nối các khu, điểm cửa khẩu, đưa vào khai thác du lịch.

Để tiết kiệm thời gian, chúng tôi ngồi sau những chiếc xe máy của người dân bản địa leo dốc quanh co lên Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc - ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương Tổ quốc. Chùa nằm trên núi Phia, cách thác Bản Giốc 500m đang tiếp tục được hoàn thiện.

Các hạng mục của chùa như Tam quan, lầu tượng Bồ Tát, Tam bảo, nhà tổ… được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phật giáo truyền thống Việt Nam, trang nghiêm và linh thiêng.

Du khách đến Cao Bằng vào dịp cuối tuần sẽ thấy thật may mắn được dạo bước trên khu phố đi bộ, nếm những sản vật rất đặc trưng, độc đáo của tỉnh vùng biên phía Bắc. Ai đã từng thưởng thức món phở vịt, xôi trám, xôi trứng kiến, bánh cuốn, nhộng tre, vịt quay mắc mật hay món rượu nếp đánh trứng hẳn sẽ nhớ mãi những hương vị có một không hai của vùng đất Cao Bằng.

Và khi về không thể quên mang theo những sản vật đặc trưng làm quà cho người thân và bạn bè như thạch an Cao Bằng, miến dong Phia Đén, hạt dẻ Trùng Khánh, lạp xưởng hun khói…

Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả là tình người nơi đây. Nhiệt tình, sôi nổi, nồng hậu, thiết tha là những nét đặc trưng của người dân bản địa không phải nơi nào cũng có.

Những bản tình ca về Cao Bằng da diết, lưu luyến cứ như còn mãi níu chân du khách, dùng dằng chẳng nỡ xa: Mời Anh lên Cao Bằng quê em/Mời rượu cả chum, mời quả cả cây/Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy/Tin nhau không nói nhiều lời/Lên Cao Bằng đâu cũng gọi nàng ơi/ Lên Cao Bằng đâu cũng nhớ người ơi…

Tạm biệt Cao Bằng nhưng chúng tôi đều ngầm hẹn, chắc chắn sẽ còn nhiều dịp quay lại mảnh đất trọng tình này.

Thanh Trà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ve-voi-non-nuoc-cao-bang-cai-noi-cua-cach-mang-viet-nam-131741.html