Về vụ bắt tạm giam người mẫu Ngọc Trinh

Câu chuyện người mẫu Ngọc Trinh bị bắt vì tội gây rối trật tự công cộng đã thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận trong những ngày qua. Dĩ nhiên là dư luận có những ý kiến trái chiều, trong đó có những ý kiến bênh vực cô người mẫu này chẳng hạn như 'tuy cô thực hiện hành vi biểu diễn xe mô tô có vi phạm nhưng chưa gây hậu quả trực tiếp gì nên không đáng bị khởi tố và bắt giam'.

Thật ra, nếu cô người mẫu này biểu diễn, lái xe mô tô vi phạm thì có lẽ cô chỉ bị phạt hành chính, nhưng cái lỗi lớn nhất của cô là đã ghi hình lại hành vi sai phạm của mình và phát tán trên mạng xã hội. Đây là một vấn đề nghiêm trọng và chính vì thế, cơ quan chức năng tiến hành khởi tố và bắt giam là hoàn toàn có lý.

Có một nhận thức mà có lẽ đã được công nhận rộng rãi, đó là mạng xã hội là một phương tiện truyền thông đại chúng có sức thu hút lớn nhất hiện nay, nhất là giới trẻ và tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội ở nước ta ngày càng tăng. Và trong nghiên cứu về tội phạm, một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tỷ lệ tội phạm và những hành vi lệch lạc trong xã hội là do những nội dung về tội phạm và lệch lạc được truyền tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội.

Các nhà nghiên cứu đã nói đến môi trường sản sinh tội phạm (criminogenic) của các phương tiện truyền thông đại chúng vì những lý do sau. Thứ nhất, khi hành vi lệch lạc và tội phạm được phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội thì nó sẽ thúc đẩy cho những hành vi phạm tội và lệch lạc trong tương lai (chứ không gây ra tức thời, trực tiếp) bởi như nhà xã hội học tội phạm người Mỹ Edwin Hardin Sutherland (1883-1950) đã từng chứng minh “tội phạm là hành vi được học hỏi” (crime is learning).

Rõ ràng những thước phim ghi lại hành vi biểu diễn xe mô tô vi phạm luật lệ và nguy hiểm của Ngọc Trinh có thể là “hình mẫu bắt chước” trong tương lai, nhất là đối với giới trẻ, và như thế, việc sai phạm của cô có thể thúc đẩy cho sự sai phạm trong tương lai.

Dĩ nhiên, không phải ai xem các hình ảnh sai lệch, tội phạm trên truyền thông hay mạng xã hội đều sẽ bắt chước làm theo. Tuy nhiên, trong công trình nghiên cứu về thiên hướng tội phạm của nhà xã hội học người Bỉ Adolphe Quételet thì mỗi người chúng ta đều có thiên hướng tội phạm ở những mức độ cao thấp khác nhau và tùy theo độ tuổi, và độ tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi có thiên hướng tội phạm cao nhất.

Chính vì muốn kiềm chế cái thiên hướng tội phạm nơi con người nên nhà nước mới đẩy mạnh việc giáo dục, đề ra các quy tắc, chuẩn mực xã hội, phổ biến cái tốt, cái hợp chuẩn để không “khơi gợi” thiên hướng tội phạm và lệch lạc nơi con người.

Video của người mẫu Ngọc Trinh, thật đáng buồn, đã đi ngược lại những nỗ lực đó của xã hội. Do đó, việc cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý những hành vi lệch chuẩn trên các trang mạng truyền thông xã hội là điều cần thiết và phải làm thường xuyên hơn, nhất là đối với những người nhiều có ảnh hưởng đến giới trẻ.

(*) Giảng viên trường Đại học Mở TPHCM

Lê Minh Tiến(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ve-vu-bat-tam-giam-nguoi-mau-ngoc-trinh/