Về vùng đất đỏ, nhớ về những người nữ anh hùng

'Người con gái trẻ măng/ Giặc đem ra bãi bắn/ Đi giữa hai hàng lính/ Vẫn ung dung mỉm cười…'. Về vùng đất đỏ, những câu thơ trong bài thơ 'Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn' của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn lại xuất hiện trong đầu tôi. Cùng với đó là niềm tự hào về người nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu. Chị đã viết lên huyền thoại mà người đời sau vẫn còn nhắc nhớ mãi không quên.

Trong chuyến đi thực tế đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong khuôn khổ Đề án Tiếp tục hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2019 do Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh tổ chức, đoàn chúng tôi đã đến thăm và viếng Đền thờ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, thăm tượng đài chị Võ Thị Sáu ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu.

Trước tượng đài liệt sĩ Võ Thị Sáu, đoàn chúng tôi thắp nén nhang, dành một phút mặc niệm và hát bài “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” do nhạc sĩ, họa sĩ, đại tá Nguyễn Đức Toàn sáng tác, để tưởng nhớ về người nữ anh hùng. Đứng lặng người trong làn khói nhang, trong sự tưởng tượng bằng sự tổng hợp những điều mình biết về chị, hình bóng chị Sáu như ẩn hiện lung linh, đứng hiên ngang với bông hoa cài trên mái tóc, đầu vẫn ngẩng cao trước giây phút sắp bị giặc tử hình. Và như vang vọng lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “…gương anh dũng của cháu Võ Thị Sáu luôn luôn sáng ngời để cho phụ nữ ta học tập…”.

Cách tượng đài chừng 100 mét là Đền thờ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Đây là nơi mà đông đảo người dân trong cả nước đến viếng, tưởng niệm về người nữ anh hùng và là nơi trưng bày hiện vật, giới thiệu hình ảnh về cuộc đời hoạt động của anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu cùng một số hình ảnh về quê hương Đất Đỏ. Những hình ảnh về chị hay những vật dụng gia đình của chị được trưng bày để những người đến đây có thể hình dung về cuộc sống giản dị của chị, nhưng ẩn chứa trong sâu thẳm là trái tim yêu nước nồng nàn. 14 tuổi, Võ Thị Sáu theo anh trai gia nhập Việt Minh, từ đây, chị ra hiểm vào nguy, nhận và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao. Khi bị địch bắt, bị tra tấn dã man và đứng truốc pháp trường, chị cũng không mảy may khiếp sợ, không chùn nước trước quân thù. Và tấm gương đó, luôn là niềm tự hào nhắc nhở cho thế hệ mai sau.

Trong chiến tranh, vì bốn chữ “hòa bình - độc lập” cho Tổ quốc đã trở thành động lực để không gì ngăn cản bước chân tưởng như yếu mềm của người phụ nữ. Những người phụ nữ Việt Nam đã cùng xông pha ra chiến trận, người cầm súng, người làm công tác liên lạc, cứu thương, công tác hậu phương… cùng góp sức thực hiện nhiệm vụ cách mạng, góp phần lập nên những chiến công vang dội. Tại Sóc Trăng, tiếp nối những tấm gương của những nữ anh hùng, phụ nữ Sóc Trăng dũng cảm, chiến đấu với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong những tấm gương đó, không thể không nhắc đến 3 nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Huỳnh Thị Tân (má Tám), người phụ nữ hai lần được phong tặng danh hiệu cao quý - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thị Minh Lý (Mười Hoa) và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Nguyệt Hồng.

Nhắc đến má Tám, người mẹ kiên trung, cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng. Má dành dụm từng đồng, sống tiết kiệm để tiếp tế lương thực, thuốc men cho cán bộ, chiến sĩ. Má có 5 người con trai và người cháu nội lên đường chiến đấu, chống giặc cứu nước và anh dũng hy sinh. Nén đau thương biến thành sức mạnh, má đã góp sức mình lập nên chiến công, đánh đuổi giặc ngoại xâm, mang lại hòa bình, độc lập cho quê hương, đất nước.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Nguyệt Hồng xem lại bức ảnh “Nữ du kích Ngã Năm” và kể về những năm tháng kháng chiến trường kỳ. Ảnh: Ngọc Hải

14 tuổi tham gia cách mạng, đại tá bác sĩ Phạm Thị Minh Lý (Mười Hoa) luôn quan niệm sống là phải cống hiến. Là thầy thuốc, y đức quan trọng nhất, cứu người là trên hết. Tuy trong chiến tranh điều kiện cơ sở vật chất về y tế rất khó khăn, thiếu thốn, cô đã sáng tạo nhiều phương pháp, cứu sống rất nhiều thương binh. Có những lúc mạng sống như ngàn cân treo sợi tóc, nhưng cô không mảy may lo sợ, cô chấp nhận hy sinh thân thể của mình, miễn sao làm tròn nhiệm vụ của người thầy thuốc cách mạng. Tiêu biểu là trong trận đánh Chi khu Vĩnh Thuận (Rạch Giá), 138 cán bộ, chiến sĩ bị thương, trong tình thế nguy cấp, cô đã cùng anh em đồng đội mưu trí, vượt hiểm nguy chuyển thương binh ra đến nơi an toàn vàw tiến hành điều trị, cô thực hiện nhiều ca mổ khó liên tục nhiều ngày đêm để cứu sống rất nhiều anh. Khi rời quân ngũ, tuy tuổi cao, sức yếu, những vết thương hành hạ cô khi trái gió trở trời, nhưng cô vẫn nhiệt tình tham gia công tác Chữ Thập đỏ nhiều năm liền, tích cực góp phần cùng Đảng bộ tỉnh nhà thực hiệt tốt các chính sách an sinh xã hội. Cả cuộc đời, cô đã cống hiến cho cách mạng, xứng danh là người nữ anh hùng, dũng cảm, gan dạ, trung kiên trên mọi mặt trận.

15 tuổi, Lưu Nguyệt Hồng đã thoát ly gia đình tham gia lực lượng du kích địa phương với suy nghĩ cuộc sống vinh quang là tham gia kháng chiến cứu nước. Những năm cuối thập niên 60, cái tên Nguyệt Hồng khiến cho quân địch khiếp sợ vì tài bắn súng K44. Súng K44 vốn thiết kế cho quân đội Liên Xô, không thích hợp với nữ quân nhân Việt Nam, nhưng có lần cô đã bắn liên tục không đếm được bao nhiêu viên đạn để giải vây cho đồng đội. Cô Hồng kể vui: “Với súng K44, chỉ cần bắn 3 viên là bả vai bầm tím như củ khoai ngọt. Nhưng trong tình thế nguy cấp, tôi chỉ còn biết cầm súng bắn liên tục, mở đường cho đồng đội rút lui. Chiều hôm đó, tôi được đưa vô quân y điều trị, nằm suốt 3 ngày đêm mới khỏe lại”. Trong những năm tham gia kháng chiến, cô đã lập nhiều chiến công hiển hách, với thành tích đó, cô được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nghe những câu chuyện về những người nữ anh hùng, chúng ta lại càng thêm tự hào. Các bà, các cô, các chị đã viết nên những kỳ tích, những câu chuyện mà thế hệ sau khi nhắc đến lại xem đó là những bài học thật đáng trân quý noi theo, để sống sao cho xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của thế hệ đi trước.

Ngọc Hải

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/ve-vung-dat-do-nho-ve-nhung-nguoi-nu-anh-hung-33608.html