Về Vũng La

Ông Bùi Trung Chánh (bìa trái) và các ông Phạm Văn Được (bìa phải), Trần Đức Huỳnh trò chuyện với cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Vũng La. Ảnh: XUÂN HIẾU

Vũng Dông, Vũng Sứ, Vũng Chào

Vũng La, Vũng Lắm…, vũng nào cũng thương.

Những địa danh trong câu ca dao mà hầu như người dân Sông Cầu nào cũng đều nằm lòng nói trên là tên các vũng biển nhỏ thuộc xã Xuân Phương, TX Sông Cầu.

Phong cảnh hữu tình

Từ đèo Nại, một dãy núi chạy xuống phía đông bao bọc vịnh Xuân Đài. Bờ vịnh do ảnh hưởng của dãy núi nên chỗ thì nhô ra, chỗ lại lõm vào tạo thành những vũng: Dông, Sứ, Chào, La, Lắm. Tên từng vũng đều có ý nghĩa riêng biệt. Trong đó, Vũng La thuộc thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương nằm tiếp giáp với biển. Ở đây có hai mỏm núi nhô ra biển nên cá, tôm thường vào trú ẩn. Theo những người cao niên ở vũng biển này, mỗi lần có luồng cá dạt vào, ngư dân hô hoán (la to), báo hiệu cùng nhau đem thuyền lưới ra bắt. Lệ ấy thành quen, từ đó có tên là Vũng La.

Trước đây, khi chưa có đường bộ, Vũng La như một ốc đảo, người dân đi lại bằng thuyền là chính. Do phần đất liền rất hẹp về chiều ngang nên đa số ngư dân làm nhà chạy dọc theo bờ vịnh. Những ngày mưa to gió lớn, sóng cả đập rất mạnh vào bờ đá, để cản bớt sức gió bão, người dân trồng khá nhiều dừa. Nhiều nơi, dừa tỏa bóng ra tận bờ vịnh. Vũng La có trạm kiểm soát biên phòng nằm cạnh ngôi chùa cổ Liên Phú vừa được trùng tu, bề thế, uy nghiêm, là nơi ngư dân thường hay lui tới.

Đứng ở Vũng La nhìn lên hướng tây bắc là Vũng Me, nhìn xuống hướng đông là Từ Nham (xã Xuân Thịnh), còn nhìn chếch về hướng tây nam là Gành Đỏ (phường Xuân Đài). Ở phía bắc Vũng La có một bãi cát nằm sâu vào khoảng giữa hai hòn núi nhô ra để ôm vũng nước biển xanh ngăn ngắt và trong suốt có tên là Bãi Ôm. Bãi cát này trước kia rất vắng vẻ, quanh năm chỉ có tiếng sóng vỗ ì ầm, lúc khoan lúc nhặt như một bản hòa tấu không bao giờ ngừng nghỉ của biển khơi.

Nằm ở một vị trí rất lý tưởng, Vũng La có thể trở thành điểm du lịch sinh thái cho du khách thập phương. Trên đường đến vũng biển này, du khách dễ dàng nhìn thấy những cụm đá to chồng chất chạy dọc theo bờ vịnh Xuân Đài. Chính những hòn đá có hình dạng, kích thước to nhỏ khác nhau sắp xếp lộn xộn trên bờ vịnh tạo thành cảnh thiên nhiên đặc sắc, có nhiều hòn đá trông như những bức tượng hình người, thú… nên người dân địa phương gọi là Đá Tượng. Cũng dọc theo làng Đá Tượng này, có nhiều lăng thờ ông Nam Hải (tức thờ cá Voi, cá Ông), một tín ngưỡng không thể thiếu của ngư dân miền biển.

“Vựa” tôm hùm Vũng La. Ảnh: XUÂN HIẾU

“Vựa” tôm hùm Vũng La. Ảnh: XUÂN HIẾU

Không còn qua… “vũng lầy”

Cách đây 5 năm, Báo Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh đăng một bài viết với dòng tít rất ấn tượng: “Muốn đến Vũng La phải qua… vũng lầy”. Trong bài viết, tác giả dẫn lời của nhiều người dân mô tả tuyến đường chính nối quốc lộ 1 vào xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) dài khoảng 14km từ Trung Trinh đến Vũng La. Đây là tuyến giao thông dẫn đến khu vực “vựa” tôm hùm và các hoạt động nuôi trồng, mua bán thủy sản của người dân trong và ngoài địa phương ở vũng biển này. Nào là, “con đường này nắng bụi mưa sình”, mặt đường nát bét toàn những hầm hố ngập ngụa bùn đất. Mùa mưa, học sinh đi học phải xắn quần xách dép….; đi xuống Vũng La ai cũng sợ. Con đường sình lầy không những không thu hút được khách tham quan du lịch mà còn làm cho nhiều người nuôi tôm hùm thất thu vì giá thức ăn cho tôm tăng, do phải cộng thêm công vận chuyển, khuân vác, “tăng bo” nhiều chặng qua vùng sình lầy.

Đó là chuyện của 5 năm trước. Còn bây giờ tuyến Trung Trinh - Vũng La đã được bê tông, chỉ một vài đoạn ngắn (khoảng 2km) là còn đường đất và đang tiếp tục được nâng cấp. Đi bằng ô tô hoặc xe máy có thể đến sát mép biển. Hàng ngày, trên tuyến đường này có hàng chục xe thu mua tôm hùm thịt, xe chở cá mồi phục vụ nuôi tôm hùm, ốc hương và xe chở vật liệu phục vụ các công trình thường xuyên qua lại. Việc mua bán, giao thương diễn ra rất thuận lợi, ai cũng vui mừng và phấn khởi vì đời sống được nâng lên.

Tại Vũng La, ngoài công trình chợ, tuyến Trung Trinh - Vũng La nối dài từ lăng Ông đến Vũng Me cũng đang được bạt núi, gấp rút thi công. Ông Trần Đức Huỳnh, người đảm nhiệm chức Chi hội trưởng Nông dân thôn Dân Phú 2 hàng chục năm nay, cho biết toàn thôn Dân Phú 2 (gồm Bãi Tràm, Vũng Me và Vũng La) hiện có khoảng 500 hộ dân sinh sống, chủ yếu nuôi tôm hùm bằng lồng. Mỗi bè nổi trên biển, người dân cất chòi phía trên làm nơi trú ngụ và trông giữ tôm. Nhìn từ xa, những xóm chòi nhấp nhô trên mặt nước như một làng chài, rất nên thơ, yên bình. “Từ chỗ nghèo khó, nhờ đường lối đổi mới và chính sách phát triển kinh tế đúng đắn của Đảng và Nhà nước, người dân Vũng La đã có của ăn của để từ việc nuôi tôm hùm bằng lồng. Toàn thôn chỉ còn 11 hộ nghèo và 24 hộ cận nghèo do thiếu lao động, già yếu, neo đơn”, ông Huỳnh cho biết.

Nỗi niềm với biển

Trước đây, thường ngày, Vũng La là nơi diễn ra sôi nổi hoạt động thu mua tôm hùm thương phẩm. Còn hiện tại, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tôm xuống giá chỉ còn trên dưới 400.000 đồng/kg, giảm hơn một nửa so với lúc cao điểm, nên rất ít hộ xuất tôm để bán mà chỉ cho ăn cầm chừng. Thời gian nhàn rỗi, nhiều người ngồi lại cùng nhau trà nước, hàn huyên, bàn kế mưu sinh... Khoảng sân rộng với nhiều cây bóng mát trong khuôn viên nhà ông Bùi Trung Chánh là một “điểm hẹn”. Tại đây, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều ngư dân. Là người “ăn nên làm ra” từ nuôi tôm hùm lồng và từng trải những thăng trầm của nghề này ở Vũng La, ông Chánh nhớ lại: Năm 2007, Phú Yên chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão và 5 đợt lũ lớn. Cũng trong năm này, bệnh sữa và tình trạng thủy triều đỏ xuất hiện ở các vùng nuôi tôm hùm Sông Cầu, nhất là Vũng La, gây thiệt hại nặng nề cho bà con ở đây. Rồi cơn bão lũ lịch sử tháng 11/2009, bà con không kịp trở tay nên nhiều người trắng tay do tôm bị chết ngạt bởi nước lũ hoặc vỡ lồng bè trôi ra biển. Tuy nhiên, bằng mọi cách, người dân vẫn gắng gượng, làm lại từ đầu. “Ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần này, giá tôm hùm xuống thấp nhưng bà con vẫn ráng cầm cự và tin tưởng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, cuộc sống sớm trở lại trạng thái bình thường mới”, ông Chánh bày tỏ.

Còn theo ông Phạm Văn Được, hàng xóm của ông Chánh, TX Sông Cầu nói chung, xã Xuân Phương có rất nhiều địa điểm đẹp, thuận lợi để phát triển du lịch, như Bãi Ôm, Bãi Tràm… Du lịch địa phương phát triển, bà con rất mừng vì được hưởng lợi. Tuy nhiên, hiện có tình trạng lấn chiếm luồng lạch, bãi tắm của người dân như ở Bãi Ôm. Mặt khác, tình trạng ô nhiễm môi trường biển rất đáng báo động do mật độ dân cư ở Vũng La ngày càng gia tăng. Hàng ngày, lượng nước thải từ mồi làm thức ăn cho tôm, ốc và hoạt động mua bán hải sản chảy trực tiếp ra biển chính là nguyên nhân. Theo ông Được, chợ Vũng La đang xây dựng, khi hoàn thành, trước mắt có thể hạn chế tình trạng này. Còn đối với rác thải trên bờ, hiện chưa có địa điểm tập kết và xử lý nên nhiều người vẫn xả rác bừa bãi, hình thành những bãi rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần tính đến việc bảo vệ môi trường biển nói chung và Vũng La nói riêng một cách bền vững. Ông Được cũng cho hay gần đây do tôm hùm rớt giá, nhiều người chuyển hướng làm ăn, đầu tư cả trăm triệu đồng, chủ yếu là vay ngân hàng để sắm giàn rớ. “Nhưng rớ chưa kịp đăng hoặc chưa kịp thu hồi vốn thì đã phải phơi nắng, phơi sương vì không được phép hoạt động. Mong Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, có chính sách hỗ trợ phần nào để bà con không mất đường sinh nhai”, ông Được thổ lộ.

Từ chỗ nghèo khó, nhờ đường lối đổi mới và chính sách phát triển kinh tế đúng đắn của Đảng và Nhà nước, người dân Vũng La đã có của ăn của để từ việc nuôi tôm hùm bằng lồng. Toàn thôn chỉ còn 11 hộ nghèo và 24 hộ cận nghèo do thiếu lao động, già yếu, neo đơn.

Ông Trần Đức Huỳnh, Chi hội trưởng Nông dân thôn Dân Phú 2

XUÂN HIẾU

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/243346/ve-vung-la.html