Về xứ Thanh du hành sông Mã
Được nghe những làn điệu dân ca ngọt ngào đằm thắm, được đắm mình giữa cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, trữ tình, được khám phá từng địa danh lịch sử, văn hóa hai bên bờ sông Mã... đó là những trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua khi đến với vùng đất xứ Thanh.
Không hiền hòa, thơ mộng như sông Hương, chẳng náo nhiệt, tráng lệ giống sông Hàn, nhưng sông Mã vẫn giữ một nét đẹp riêng mà sâu lắng. Dòng sông Mã mang phù sa bồi đắp, kiến tạo một vùng châu thổ rộng lớn và tạc nên hình hài dáng vóc của xứ Thanh. Dòng sông ghi dấu những chiến công lừng lẫy, vẻ đẹp của nó đã đi vào rất nhiều tác phẩm thi ca nhạc họa. Những năm trước đây, con sông vốn là nơi sinh kế của người dân dọc hai bên bờ sông Mã, nhưng những năm gần đây, sông Mã đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các tuyến du hành sông nước.
Đến với sông Mã, chúng ta không thể bỏ qua cầu Hàm Rồng lịch sử. Cây cầu gắn liền với những biến cố, thăng trầm lịch sử qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc. Nơi đây được xem là “yết hầu” của “con đường huyết mạch” một thời, là niềm tự hào của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử oanh liệt. Chính vì điều đó, với mục đích ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam ruột thịt, hàng nghìn tấn bom đạn đã được không quân Mỹ thả xuống nơi đây. Cầu Hàm Rồng – sông Mã trở thành điểm bắn phá ác liệt nhất những năm kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây, từng tấc đất, cây cỏ, ngọn núi, con sông... đều ghi dấu những chiến công của quân và dân Thanh Hóa.
Đây là cây cầu rất nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam, là trọng điểm của cuộc đấu tranh đánh phá và bảo vệ giao thông. Nào là ngọn Đồi C4 anh hùng, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, núi Ngọc, núi Cánh Tiên đến những bãi ngô xanh mướt... tất cả đã tạo nên một bức tranh sơn thủy, hữu tình.
Xuất phát từ bến tàu Hoàng Long trên sông Mã nằm ngay dưới chân cầu Hàm Rồng, theo con đường tản bộ, du khách có thể lên núi Hàm Rồng ngắm động Long Quang và động Tiên Sơn với vẻ đẹp độc đáo, kỳ thú. Nơi đây đã thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Động Long Quang còn có tên gọi là động Mắt Rồng do phía trên động có hai cửa hai bên, được ví như hai mắt của con rồng. Không gian bên ngoài động rất thoáng đãng. Đứng từ cửa động có thể phóng tầm mắt ra xa chiêm ngưỡng toàn cảnh TP Thanh Hóa ẩn hiện giữa núi non trùng điệp và dòng sông Mã uốn lượn như đang ôm ấp núi Rồng. Với phong cảnh nên thơ, trữ tình, động Long Quang đã lôi cuốn nhiều thi nhân, mặc khách đến vãn cảnh như: Nguyễn Trãi, Lê Thánh tông, Cao Bá Quát, Phạm Sư Mạnh... Trên những bức tường đá bên trong động hiện còn lưu giữ nhiều bài thơ chữ Hán từ thời Hậu Lê ca ngợi thắng cảnh núi Rồng, sông Mã...
Nằm trên đồi Cánh Tiên trong quần thể Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng là Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa. Ngôi đền là nơi quần tụ của linh hồn các anh hùng liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi, hùng khí xứ Thanh, vì vậy mà công trình được xây dựng bề thế, có vị trí trang trọng nhất, chi phối toàn bộ cảnh quan tổng thể.
Tọa lạc trên Đồi C4, nơi trận địa pháo năm xưa là Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng. Thiền viện nằm yên ắng, thanh tịnh trên ngọn đồi cao bên bờ sông Mã, lại được bao bọc xung quanh bởi rừng thông xanh ngút ngàn trải dài trên sườn đồi thoai thoải. Đường lên thiền viện uốn lượn quanh co, càng lên cao con người như càng đi sâu vào cõi thoát tục.
Một điểm không thể không nhắc tới trong quần thể Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng là làng cổ Đông Sơn. Nằm nép mình bên bờ Nam sông Mã thơ mộng, được bao bọc bởi các dãy núi đá nhỏ, đồi đất thấp nằm xen kẽ nhau, làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) hiện lên như một bức tranh thu nhỏ của một làng quê Việt Nam truyền thống, mang đậm nét văn hóa lâu đời.
Làng Đông Sơn có cấu trúc theo kiểu làng thuần nông. Vị thế của làng cho phép phát huy triệt để lợi thế của kinh tế ruộng nước và đất đồi. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay làng cổ Đông Sơn vẫn còn giữ được nhiều nét cổ kính của một làng quê nông nghiệp truyền thống. Đây được xem như một niên biểu về sự phát triển liên tục từ buổi các Vua Hùng dựng nước cho đến thời hiện đại. Theo dòng lịch sử có thể thấy lịch sử của làng gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử vùng đất xứ Thanh...
Nếu lựa chọn con đường thủy, du khách có thể đi thuyền bồng bềnh trên sông nước, ngắm phong cảnh, thưởng thức những sản vật mà dòng sông mang lại. Chuyến hành trình được khởi hành từ sáng sớm, sau khi rời bến thuyền nơi chân cầu Hàm Rồng, từ trên du thuyền, du khách có thể quan sát được sự mênh mang dài rộng của dòng sông và phong cảnh hai bên bờ.
Dọc bên bờ sông Mã còn có chùa Sùng Nghiêm đến nghè Yên Vực, thuộc làng Yên Vực, phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa; hay Phủ Vàng nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh, ở núi Chùa, làng Vàng, xã Hoằng Xuân (huyện Hoằng Hóa); rồi đền Cô Bơ, thuộc ngã ba Bông – điểm chia tách sông Mã và sông Lèn. Đó là những điểm dừng chân lý tưởng để du khách trải nghiệm và khám phá.
Ngoài ngắm cảnh, tìm hiểu các địa điểm văn hóa, lịch sử ở hai bên bờ sông Mã thơ mộng, du khách còn được lắng nghe những làn điệu dân ca Thanh Hóa, dân ca các vùng miền Bắc bộ... Cảm giác như đang sống trong ngày tháng của một thuở hào hùng của dân tộc.
Qua ngã ba Đầu nơi sông Chu và sông Mã hợp lưu, du thuyền tiến gần đến ngã ba Bông. Dòng sông Mã bắt nguồn từ Sơn La, xuyên qua đất bạn Lào về Thanh Hóa, đến giữa huyện Vĩnh Lộc thì hợp lưu với sông Bưởi. Đến cuối huyện, tại ngã ba Bông, sông Mã chia tách thành 2 nhánh, nhánh nhỏ gọi là sông Lèn, nhánh lớn xuôi về ngã ba Đầu, rồi sau đó chia tách thành hai dòng đổ ra biển qua cửa Lạch Trường và Lạch Hới. Đây là nơi “một con gà gáy 6 huyện cùng nghe”, vì vùng tụ thủy này là địa điểm tiếp giáp giữa các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định. Đến đây, du khách sẽ rời thuyền, lên bờ để dâng hương đền Cô Bơ. Đền Cô Bơ là địa danh nổi tiếng thờ hóa thân của Mẫu Liễu Hạnh, đây là nét đặc trưng của tục thờ Đạo Mẫu ở xứ Thanh. Khách thăm đền vừa dâng hương, vãn cảnh, vừa xem các thanh đồng nhập giá...
Rời đền Cô Bơ, cũng là lúc thuyền bắt đầu xuôi dòng, lúc này khách du lịch có dịp được thưởng thức những món ăn đậm chất xứ Thanh với tôm sông, cá sông, rau má, nem chua...
Phải đi, phải được trải nghiệm, khám phá những gì mà thiên nhiên ban tặng, con người dựng xây hiện diện ở đôi bờ sông Mã bằng đường thủy, mới thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi đây.
“Ngược xuôi sông Mã” là tuyến du lịch thú vị, khác biệt không thể bỏ qua khi về với xứ Thanh. Nhưng để sản phẩm du lịch “ngược xuôi sông Mã” ngày càng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, rất cần các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa trong việc kết nối các doanh nghiệp lữ hành ngoại tỉnh với các tuyến điểm du lịch trong tỉnh. Từ đó, tạo nên các chương trình du lịch mới cho du khách, làm bàn đạp cho các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh tái phát triển sau đại dịch COVID-19.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ve-xu-thanh-du-hanh-song-ma/122446.htm