VEAM làm ăn ra sao trước khi lãnh đạo bị khởi tố?
Lợi nhuận của VEAM những năm qua luôn ghi nhận ở mức 'khủng', từ 5.000 - 7.500 tỉ đồng/năm nhưng không phải đến từ sản xuất - kinh doanh
Mới đây, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã chứng khoán: VEA) cho biết Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phan Phạm Hà, Tổng Giám đốc VEAM, về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trước đó, đầu tháng 10-2023, ông Nguyễn Thanh Giang, cựu Tổng Giám đốc VEAM và Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc VEAM, cũng bị Công an TP Hà Nội khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Đáng nói, trước khi các lãnh đạo VEAM bị khởi tố, tạm giam, tình hình kinh doanh của tổng công ty này lại rất sáng sủa, lợi nhuận hằng năm rất cao, dao động từ 5.000 - 7.500 tỉ đồng. Tuy vậy, kết quả này phần lớn lại không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi như sản xuất, kinh doanh xe có động cơ, máy động lực và máy nông nghiệp...
Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2023 của VEAM ghi nhận doanh thu từ việc bán hàng hóa, dịch vụ, vận tải... đạt 3.806 tỉ đồng, giảm gần 20% so với năm 2023.
Sau khi trừ giá vốn bán hàng ở mức 3.358 tỉ đồng, lợi nhuận gộp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của doanh nghiệp còn 447 tỉ đồng.
Dù vậy, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VEAM vẫn đạt đến con số cực "khủng" với 6.517 tỉ đồng, nhờ ghi nhận 1.205 tỉ đồng doanh thu hoạt động tài chính, cùng 6.845 tỉ đồng tiền cổ tức và lợi nhuận được chia từ công ty liên kết (chủ yếu từ Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam).
Sau khi khấu trừ thuế, lãi ròng của VEAM đạt 6.265 tỉ đồng nhưng so với năm ngoái, lợi nhuận này đã giảm gần 1.400 tỉ đồng.
Những năm trước đó, tình hình kinh doanh của VEAM cũng tương tự. Năm 2022, doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần hơn 4.747 tỉ đồng, trừ đi giá vốn còn đạt lãi gộp 651 tỉ đồng. Sau khi tính thêm các khoản thu từ hoạt động liên doanh, liên kết, lãi ngân hàng..., doanh nghiệp lãi ròng tới hơn 7.665 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu, tính đến cuối tháng 3-2024, VEAM nắm giữ 30% vốn điều lệ tại Honda Việt Nam, 20% vốn điều lệ tại Toyota Việt Nam, 25% vốn điều lệ tại Ford Việt Nam... Đây đều là những hãng lắp ráp và kinh doanh ô tô hàng đầu tại Việt Nam.
Nhờ lợi nhuận liên tục ghi nhận ngàn tỉ nên 5 năm trở lại đây, VEAM luôn đều đặn chia cố tức ở mức rất cao. Chẳng hạn, năm 2020 và 2021, VEAM trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 52,5% và 54,5%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận hơn 5.000 đồng. Gần nhất, doanh nghiệp này đã chi trả cổ tức năm 2023 ở mức trên 40%.
Kết thúc quý I/2024, lợi nhuận gộp của VEAM chỉ đạt 133 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng nhờ phần lãi của các công ty liên doanh - liên kết tăng hơn 50 tỉ đồng, đạt mức 1.237 tỉ đồng nên doanh nghiệp này vẫn báo lãi tăng nhẹ gần 5%, đạt 1.435 tỉ đồng, hoàn thành 22,5% mục tiêu lợi nhuận năm 2024.
VEAM có tiền thân là Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên, thuộc Bộ Công thương, được thành lập năm 1990. Tính đến hết tháng 3-2024, Bộ Công Thương đang nắm giữ 88,4% vốn tại VEAM.
Đối với VEA, hồi đầu năm 2023, cổ phiếu này đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo, do báo cáo tài chính năm của công ty bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp trở lên.
Từ đó đến tháng 4-2024, cổ phiếu VEA chỉ giao dịch quanh vùng giá 32.000 - 37.000 đồng. Đáng chú ý, đến cuối tháng 4-2024, VEA bất ngờ tăng một mạch lên mức 48.800 đồng/cổ phiếu vào phiên 6-6 - mức giá cao nhất trong lịch sử của cổ phiếu này.
Sau khi có thông tin lãnh đạo bị bắt, kết phiên ngày 12-6, VEA giảm xuống mức 46.200 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa phiên sáng ngày 13-6, VEA tiếp tục giảm và đang giao dịch ở mức 45.400 đồng/cổ phiếu.