VEC chuyển mình để đón vận hội mới

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) kỳ vọng sớm triển khai tái cơ cấu theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiến tới xây dựng bộ máy tổ chức chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cao.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Tổng công ty VEC, ông Phạm Hồng Quang - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này có bài viết chia sẻ về chặng đường phát triển cùng những thành tựu của VEC:

Doanh thu tăng, hạ tầng khai thác ổn định

Những ngày này, VEC chuẩn bị bước sang tuổi 20. Sau hai thập kỷ, VEC đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia thông qua việc đầu tư 5 tuyến đường bộ cao tốc với chiều dài 540 km, tổng mức đầu tư khoảng 108.865 tỷ đồng được huy động từ các nguồn vốn trong và ngoài nước.

Với vai trò quản lý vận hành, khai thác các tuyến đường bộ cao tốc Nhà nước giao, VEC đã đưa vào khai thác ổn định 490 km thuộc 4/5 dự án đường cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), chiếm hơn 27% tổng chiều dài các tuyến đường bộ cao tốc đang vận hành khai thác, phục vụ trên 400 triệu lượt phương tiện.

Tổng doanh thu thu phí (không bao gồm VAT) đạt hơn 30.000 tỷ đồng, đảm bảo trả các khoản nợ đến hạn theo phương án tài chính được phê duyệt.

Các tuyến đường bộ cao tốc do VEC đưa vào khai thác giúp tiết kiệm thời gian lưu thông, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương dọc tuyến.

Trông chờ một nền tảng vững chắc

Dù đang trên đà phát triển nhưng phía sau những thành tựu ấy, VEC từng có thời điểm “lạc” trong bóng tối. Nếu không có sự bền bỉ, nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên, người lao động thì chắc hẳn, kết quả kinh doanh ngày hôm nay sẽ không thể vụt sáng.

Theo đó, để bảo đảm nguồn lực tham gia các dự án, Tổng công ty tích cực phối hợp làm việc với một số tổ chức tài chính trong và ngoài nước nhằm nghiên cứu đề xuất các hình thức huy động vốn.

Tuy nhiên, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 2072/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC khiến tiến trình điều chỉnh tăng vốn điều lệ của VEC không thực hiện. Mục tiêu đầu tư dự án cao tốc mới một lần nữa bất thành.

Thẳng thắn nhìn nhận, dù ra đời với tư cách là mô hình đặc thù đầu tiên trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nhưng đến hiện tại, VEC vẫn thiếu một nền tảng vững chắc để bứt tốc, phát huy hiệu quả dòng vốn ngân sách nhà nước theo đúng kỳ vọng.

Khung pháp lý cho hoạt động đầu tư, quản lý vận hành, bảo trì, khai thác, kinh doanh hoàn vốn của VEC vừa thiếu, vừa chưa ổn định. VEC mới được áp dụng một số cơ chế thí điểm trong khi bị chi phối bởi các Luật, Nghị định một số cơ chế không còn hiệu lực.

Mục tiêu “dùng hạ tầng đẻ ra hạ tầng”

Từ năm 2021 đến nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT, sự hỗ trợ của Bộ KH& ĐT cùng các cơ quan ban ngành liên quan, những khó khăn đã được tháo gỡ.

Trong đó không thể không nhắc đến việc Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua nội dung chuyển vốn vay về cho vay lại sang cấp phát ngân sách nhà nước đối với 4 dự án đường cao tốc của VEC. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện tăng vốn điều lệ cho VEC.

Ngày 9/2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận phương án tái cơ cấu VEC, duy trì mô hình doanh nghiệp Nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đây là những tiền đề hết sức thuận lợi tạo điều kiện cho VEC phát triển ổn định, bền vững.

Nhằm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, một số giải pháp thực hiện tái cơ cấu đã nhanh chóng được nghiên cứu, đề xuất.

Một là, thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ đặt ra về tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư, nhất là các nội dung như: hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án, tăng vốn điều lệ...

Trên cơ sở phương án tái cơ cấu được duyệt, VEC sẽ tích cực thực hiện, hoàn thành các thủ tục tăng vốn điều lệ lên 44.543 tỷ đồng vào năm 2026 trên cơ sở nguồn vốn đầu tư trực tiếp vào các dự án.

Hai là, khắc phục những hạn chế, vướng mắc về cơ chế chính sách.

Ba là, ổn định, cơ cấu lại bộ máy tổ chức để đảm bảo hoạt động của VEC tinh gọn, hiệu quả và thể hiện được vai trò dẫn dắt, nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia.

Cùng với đó, là xây dựng cơ cấu tổ chức, mô hình vận hành khai thác lại theo hướng tập trung, chuyên nghiệp, có sự phân công phân cấp cụ thể, tinh gọn đầu mối…

Trong các năm ở giai đoạn 2021 - 2023, kết quả sản xuất kinh doanh của VEC đều đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch về lợi nhuận, doanh thu, nộp ngân sách. Tổng doanh thu đạt hơn 20.500 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế lũy kế đạt hơn 2.700 tỷ đồng; Nộp ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng.

Phạm Hồng Quang - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc VEC

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vec-chuyen-minh-de-don-van-hoi-moi-2327729.html