Vén màn bí ẩn về thân thế Hoàng hậu Nam Phương

Tại buổi giao lưu với độc giả, nhà nghiên cứu Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy lần đầu tiết lộ những chi tiết về thân thế hoàng tộc.

 Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại. Ảnh trên bìa sách.

Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại. Ảnh trên bìa sách.

Theo khảo sát của TS Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy, nhiều tài liệu cho rằng hoàng hậu Nam Phương xuất thân từ một gia đình địa chủ tại Gò Công, Tiền Giang. Mọi người công nhận bà sinh ngày 4/12/1914, đây cũng là dữ liệu được khắc trên bia mộ. Ngày sinh này được các hoàng tử và công chúa khẳng định họ không thể sai. Nhưng một dữ liệu khác từ tấm ảnh chụp bia mộ hoàng hậu lại đề rằng ngày sinh của bà là 14/11/1913. Cuộc tranh cãi này đã thôi thúc hai nhà nghiên cứu đi tìm câu trả lời.

Lời giải cho cuộc tranh cãi

Theo tác giả Vĩnh Đào, năm 1947, tình hình trong nước nhiều biến động, Hoàng hậu Nam Phương cùng con sang Pháp và cư ngụ trong lâu đài Thorenc ở thành phố Cannes. Năm 1963, Hoàng hậu từ trần đột ngột trong sự cô đơn tại làng nhỏ tên Chabrignac ở miền Trung nước Pháp. Bà được chôn ngay trong nghĩa địa của làng.

Trong tấm hình chụp ngôi mộ của Hoàng hậu, người ta thấy một tấm bia lớn ghi dòng chữ: “Đại Nam Nam Phương Hoàng hậu chi lăng” và một tấm bia nhỏ hơn ghi bằng tiếng Pháp: “Nơi đây an nghỉ Hoàng hậu nam Phương, nhũ danh Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào. 14.11.1913 – 15.9.1963”.

Điều làm khó các tác giả là trên bia mộ hay theo những tài liệu khác ghi ghép rằng Hoàng hậu sinh vào năm 1914.

 TS Vĩnh Đào chia sẻ với độc giả vào buổi ra mắt sách tối 26/5. Ảnh: Đức Huy.

TS Vĩnh Đào chia sẻ với độc giả vào buổi ra mắt sách tối 26/5. Ảnh: Đức Huy.

Để tìm ra câu trả lời, TS Vĩnh Đào đã tìm thấy cuốn sách Francois Joyaux co tên Nam Phuong - La derniere imperatrice du Vietnam. Joyaux lý giải rằng Hoàng hậu sinh vào ngày 14/11/1913 nhưng các chiêm tinh gia trong triều đình thấy cần phải thay đổi ngày vào dịp đám cưới năm 1934 để thuận hơn. Cùng với đó, vì Hoàng đế sinh ngày 22/10/1913, sớm hơn Hoàng hậ có ba tuần nên họ phải đổi.

TS Vĩnh Đào và tác giả Thanh Thúy vẫn chưa hoàn toàn tin theo giả thiết này. Họ cần bằng chứng với giấy trắng mực đen. Vì vậy họ đã tìm đến sổ khai sinh của tòa Đốc lý thành phố Sài Gòn năm 1913 trích trong hồ sơ của Trung tâm Quốc gia Văn khố ở Aix-en-Provence, Pháp. Sổ khai sinh ở số thứ tự 130 ghi: "Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào sinh ngày 14/11/1913 lúc 5h15’ chiều, con của Pierre Nguyễn Hữu Hào và Marie Lê Thị Bình". Sổ rửa tội Thánh đường Sài Gòn năm 1913, bản sao giấy khai tử chứng nhận cũng đưa ra kết quả tương tự mốc thời gian Joyaux chứng minh. Đến lúc này, sự thật mới được sáng tỏ.

Trước đó, để dẫn đến manh mối tra cứu thông tin trong sổ khai sinh của tòa Đốc lý thành phố Sài Gòn năm 1913, hai nhà nghiên cứu phải tìm ra nơi sinh thật sự của hoàng hậu Nam Phương. Dù nhiều người cho rằng đó là Gò Công tại Tiền Giang, nhưng khi TS.Vĩnh Đào đi điều tra không một ai xác nhận có nhà địa chủ nào ở đó có tên Nguyễn Hữu Hào (cha của Hoàng hậu) cả.

Vì vậy, họ lần theo giả thiết nhà Hoàng hậu ở khu vực ngoại thành, cách biển không xa. Khoanh vùng lại họ cho rằng đó là vùng Long Thành, Nhơn trạch (Đồng Nai) ngày nay. Tiếp tục điều tra, họ xác định được ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình từng ở khu vực Xóm Chiếu, Khánh Hội (quận 4, TP.HCM bây giờ).

Người con thứ 13 của vua Bảo Đại

Việc tìm hiểu về thân thế thực sự của Hoàng hậu Nam Phương cho thấy những nỗ lực của hai nhà nghiên cứu. Những khám phá của TS Vĩnh Đào và bà Thanh Thúy còn dẫn tới nhiều đầu mối khác nhau. Có những đầu mối đi đến tận cùng của sự thật, có những đầu mối chưa dẫn tới đích.

Do đó, cuốn sách khép lại với một dấu hỏi của cả tác giả lẫn người đọc về người con thứ 13 của vua Bảo Đại.

 Cuốn sách Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại ghi lại các kết quả điều tra lịch sử của TS.Vĩnh Đào và bà Thanh Thúy. Ảnh: NXB Phụ nữ.

Cuốn sách Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại ghi lại các kết quả điều tra lịch sử của TS.Vĩnh Đào và bà Thanh Thúy. Ảnh: NXB Phụ nữ.

Sau khi xa cách Hoàng hậu Nam Phương, Vua Bảo Đại theo lời mời của Bá tước Jean de Beaumont đi săn ở vùng Alsace. Không phải chỉ đi về đó săn bắn vài lần, mà ở lâu dài.

Một số thông tin nêu tại khách sạn Strasbourg, ông Bảo Đại gặp gỡ cô gái tên Vicky. Trong thời gian chung sống, ông và bà Vicky có người con tên Nguyễn Phước Phương Từ.

Các nguồn thông tin khẳng định Phương Từ sinh năm 1955. Nếu chi tiết này đúng, Phương Từ khó có thể là con của bà Vicky, vì ông Bảo Đại từ Việt Nam sang Pháp vào giữa tháng 4/1954 và ông chỉ đi Strasbourg sau tháng 10/1955.

Vào tháng 2/2024, hai tác giả Vĩnh Đào và Thanh Thúy nhận được bản trích lục của tòa thị chính Strasbourg cấp, các tên trên tài liệu bị xóa bằng cách bôi trắng. Theo tài liệu này, bé gái sinh ngày 19/2/1965 được sinh bởi một người mẹ có ngày sinh 26/4/1943. Đứa trẻ này được Hoàng thân Vĩnh Thụy nhận là con ngày 15/6/1965.

Theo một số tài liệu khác ghi chép, người con thứ 13 lại là Patrick-Edouard Bloch. Nhưng nếu tờ giấy mà TS Vĩnh Đào tìm thấy là xác thực, một sự thật nữa lại được hé lộ mà bấy lâu nay mọi người lầm tưởng.

Chính tác giả cũng không hề ngờ tới kết quả của những cuộc điều tra trên bởi trong quá trình tìm kiếm, việc đứt manh mối là chuyện thường gặp. Sau cùng, TS Vĩnh Đào và bà Thanh Thúy đã tập hợp hết dữ liệu vào trong cuốn sách Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại. Gần 500 trang sách đã mở ra một cuộc rượt đuổi các bằng chứng căng thẳng và hồi hộp với hình tượng chính là Nam Phương hoàng hậu.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/ven-man-bi-an-ve-than-the-hoang-hau-nam-phuong-post1477514.html