Vén màn bí ẩn về xác ướp khỉ đầu chó hơn 2.500 tuổi khiến giới khoa học đau đầu cả trăm năm qua
Những xác ướp khỉ đầu chó được phát hiện ở Thung lũng Khỉ được xác định hơn 2.500 năm tuổi. Chúng là nguồn cơn đau đầu của giới khoa học suốt thời gian qua.
Mới đây, IFL Science đưa tin về sự kiện gây chấn động giới khoa học thế giới. Theo đó, xác ướp khỉ đầu chó được phát hiện ở thung lũng Khỉ tại Ai Cập đã được giải mã. Sau 118 năm, cuối cùng con người hiện đại cũng đã tìm được câu trả lời gây đau đầu tại sao chúng lại có mặt ở nơi này. Ai Cập vốn rất xa quê hương của loài khỉ đầu chó hiện tại đang sinh sống.
Nhóm chuyên gia từ Đại học Konstanz cho biết, họ đã nghiên cứu cẩn thận và tìm ra được ý nghĩa văn hóa của khỉ đầu chó ở Ai Cập cổ đại. Những xác ướp khỉ đầu chó được tìm thấy ở nơi đây có từ khoảng 800 – 540 năm trước Công nguyên. Điểm chung là tất cả đều mất răng nanh, và có nguồn gốc từ vùng Sừng châu Phi, Tây Nam Bán đảo Arab. Với người Ai Cập cổ đại, khỉ đầu chó là một loài vật tâm linh, có ý nghĩa đặc biệt. Họ thường ướp xác chúng rồi hiến tế tỏ lòng tôn kính với thần Thoth.
Vậy tại sao khỉ đầu chó có thể xuất hiện ở Ai Cập? Nhờ phương pháp phân tích gene mới, nhà khoa học phát hiện quê hương thật sự của những con khỉ đầu chó bị ướp xác là cảng Adulis nổi tiếng. Nơi đây vốn là nơi buôn bán hàng hóa xa xỉ và động vật thời xưa. Thế nhưng, nhờ đâu mà khỉ đầu chó có mặt ở cảng Adulis thì vẫn chưa thể lý giải nổi.
Bên cạnh đó, cũng có người đã nghĩ đến cảng Punt, nơi Ai Cập nhập khẩu hàng hóa từ thời xa xưa, đến thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên mới dừng lại. Nhưng vị trí cảng Punt đến nay vẫn chưa thể xác định. Một số học giả tin rằng cảng Punt và cảng Adulis là một, vì chúng trùng khớp về thời gian, mẫu vật, địa lý…