Vén màn bí mật bức tượng không đầu công chúa Mỵ Châu
Về hiện tượng cầu xin tượng công chúa Mỵ Châu chữa bệnh và lời cầu khẩn đó được linh ứng, điều này cũng không có gì là huyền bí.
Bất cứ ai ốm đau bệnh tật, chỉ cần chắp tay thành kính xin bà phù hộ rồi xoa tay vào lưng bà rồi vuốt bàn tay đã đón nhận điều linh thiêng lên cơ thể, lập tức mọi bệnh tật đều tan biến… Câu chuyện mang sắc thái huyền bí trên tưởng chừng chỉ có trong chuyện cổ tích nhưng người dân ở xung quanh khu di tích Cổ Loa lại coi là chuyện rất bình thường trong đời sống tâm linh của họ.
Truyền thuyết trên vùng đất thiêng
Trong hậu cung của Am Mỵ Châu có một bức tượng đá kỳ lạ mang dáng dấp một phụ nữ ngồi xếp bằng tròn, hai tay buông dọc, bàn tay đặt trên gối và đặc biệt là bức tượng đó không có đầu. Theo như lời cụ đám, người có trọng trách trông coi khu đền giới thiệu thì bức tượng bằng đá đó không phải do con người tạo ra, nó đã ở đó được 2400 năm và gắn với những truyền thuyết vô cùng lạ lùng và bí ẩn. Người dân ở vùng Cổ Loa vẫn tin rằng, đó chính là thân xác của Công chúa Mỵ Châu sau khi bị vua cha chém đầu, đã hóa đá và trôi ngược theo dòng sông từ cửa biển về đến tận đất Kinh Thành xưa. Và xung quanh đó là những câu chuyện được dân gian truyền lại hết sức huyền bí.
Tương truyền rằng sau khi thành Cổ Loa thất thủ, Vua An Dương Vương mang theo con gái trên ngựa chạy đến đèo Mộ Dạ thuộc đất Diễn Châu, Nghệ An thì gặp biển cả chắn trước mặt, phía sau là quân thù. Vua bèn cầu cứu thần Kim Quy. Rùa Vàng hiện lên và nói: “Giặc ở sau lưng nhà vua đó!”. Đức vua quay lại thấy Mỵ Châu bứt lông ngỗng trên chiếc áo dẫn lối cho giặc thì vô cùng tức giận liền rút gươm chém đầu Mỵ Châu.
Trước khi chết Mỵ Châu ngửa mặt lên trời mà xin rằng: “Nếu con là kẻ bất trung có lòng phản cha, phản nước thì khi chết thân xác con sẽ hóa thành tro bụi. Nếu tấm lòng con trong sáng khi con chết, thân xác sẽ hóa thành ngọc, thành đá trôi về hầu cha”. Mỵ Châu vô tình bị mắc mưu kế của Trọng Thủy nên hoàn toàn vô tội. Khi chết, máu của nàng chảy xuống biển. Các loài trai, sò ăn vào biến thành ngọc…
Mấy trăm năm sau, trên vùng bến trù phú có tên “vườn thuyền, ao mắm” bên dòng sông Hoàng Giang (một con sông dẫn nước từ sông Hồng để tạo thế hiểm trở cho các vòng thành) bỗng xuất hiện một phiến đá lạ. Trẻ con tắm sông thấy lạ liền trèo lên tảng đá nô đùa. Khi về nhà, chúng bỗng nhiên trở bệnh khiến người dân vô cùng hoảng sợ. Các bô lão cho rằng chúng đã phạm phải đá thiêng nên ra bờ sông làm lễ cầu khấn. Lập tức bọn trẻ khỏe mạnh trở lại.
Đến lúc này, các vị bô lão mới hết sức ngạc nhiên khi thấy tảng đá mang hình giống như một phụ nữ đang ngồi nhưng không có đầu. Họ liền gọi trai gái khiêng tảng đá đó lên nhưng rất nhiều người đến khiêng mà tảng đá vẫn không nhúc nhích. Lúc này một vị cao tuổi cho rằng theo lời truyền thuyết thì đây có thể là tấm thân của Công chúa Mỵ Châu đã hóa đá trôi về bến sông này.
Lập tức những trai tráng khỏe mạnh trong thành Cổ Loa được cử đến. Thật kỳ lạ, họ chỉ cần đẩy nhẹ một chút, tảng đá đã di chuyển. Một chiếc kiệu được đưa tới để rước bức tượng Mỵ Châu về chốn cung điện ngày xưa. Nhưng khi chiếc kiệu rước đến vị trí của Am Mỵ Châu bây giờ thì dây chão bị đứt.
Mọi người thay rất nhiều sợi dây khác nhưng chúng đều bị đứt và không tài nào nhấc được bức tượng lên. Cho rằng bà đã chọn nơi này để ngự, các vị chức sắc trong làng cho xây lên Am Mỵ Châu để thờ bà. Ngôi Am thờ này còn tồn tại đến tận ngày nay.
Huyền thoại về tảng đá biết lớn
Theo những câu chuyện còn lưu truyền trong người dân Cổ Loa thì khi mới được đưa về, bức tượng đá mang hình thù bà Mỵ Châu nhỏ hơn bây giờ rất nhiều. Nhưng sau một thời gian, bức tượng đá đó cứ lớn dần lên. Lúc đầu người dân Cổ Loa rất phấn khởi nghĩ rằng đó là điềm may mắn. Họ cho rằng Bà đã được về hầu bên vua cha đúng với ý nguyện nên ngày một lớn thêm.
Nhưng sau này họ càng ngày càng lo lắng khi với tốc độ lớn của bức tượng thì có khả năng Am thờ nhỏ bé đó sẽ phải phá bỏ để xây cái khác lớn hơn mới đủ sức chứa. Một vị quan đám (những người tài đức được dân cử ra trông coi quản lý khu đền được trọng vọng như những vị quan) đã phải làm lễ cầu xin bà thương cảnh dân còn nghèo không có tiền xây cái am mới mà đứng lớn thêm nữa. Thế là bức tượng đá giữ nguyên kích thước từ đó cho đến tận bây giờ.
Theo lời cụ đám kể lại thì trước đây vào thời Mã Viện đem quân xâm lược nước ta, thấy người dân thờ tảng đá một cách nghiêm trang như vậy, quân của Mã Viện nghĩ đó là một tảng đá có chứa ngọc. Chúng cho quân xẻ bức tượng ra làm 3 phần nhưng chỉ thấy đó là một khối đá thường. Sau này người dân Cổ Loa đã phải ghép những mảnh đó trở lại nguyên trạng như ngày nay.
Ngày xưa khách thập phương đến lễ tại nơi này đều được vào tận nơi quỳ lạy dưới chân bà mà khấn xin. Người dân ở nơi đây cho rằng, vì bà đã có một cuộc tình ngang trái nên rất thiêng cho những lời cầu khấn chuyện tình duyên. Rất nhiều đôi trai gái gặp trắc trở đã đến cầu xin bà và được toại nguyện. Có những chàng trai, cô gái không kiếm được người yêu cũng tìm đến xin bà phù hộ. Không những thế, mỗi khi người dân bị ốm đau bệnh tật, họ cũng xin bà chữa bệnh.
Chị Bình, một người dân sống tại xóm Chùa, Cổ Loa cho biết: “Có lần tôi bị cảm, sốt cao mà nhà không còn viên thuốc. Lúc ấy đã khuya, tôi chỉ còn cách vào Am Mỵ Châu, cầu xin bà cứu giúp. Sau khi khấn xin bà chữa bệnh, tôi xoa xoa tay vào phía lưng của bà rồi dùng bàn tay đó vuốt khắp thân thể mình. Thế mà khi về nhà, chỉ vài tiếng sau tôi hết sốt, hôm sau trở lại khỏe mạnh bình thường”.
Trước đây bà ngự “trần” ở trong Am chưa được khoác áo như bây giờ. Sau này khi đời sống nâng cao, người dân đã có của ăn của để, thấy ái ngại trước tấm thân bà, họ tình nguyện may áo cúng tiến. Những tấm áo được may bằng 50 thước lụa màu, đính những hạt châu sa óng ánh. Cho đến bây giờ, số lượng áo của bà lên đến vài chục chiếc, chất đầy một chiếc tủ.
Cấm cung nơi bà ngụ hiện nay thường xuyên đóng cửa, người dân đến lễ chỉ có thể đứng ở bên ngoài mà vái vọng. Chỉ những ngày rằm, mùng 1 cấm cung mới mở, mọi người xếp hàng dài chờ đến lượt được chạm tay vào bức tượng để thỏa lòng tín ngưỡng.
Lý giải những điều bí ẩn bằng khoa học
Câu chuyện ly kỳ về tảng đá biết lớn tuy phần nào được truyền thuyết hóa theo thời gian nhưng theo các nhà khoa học thì không phải là không có cơ sở khoa học. Theo các nhà khoa học thì trên thế giới đã có những vùng xảy ra hiện tượng đá biết lớn.
Tại vùng Valcea của Rumani, có rất nhiều những tảng đá nằm rải rác khắp một vùng đất rộng. Những tảng đá này cứ sau một thời gian lại lớn thêm một chút, đặc biệt là sau mỗi cơn mưa, có tảng đá lớn thêm đến vài mét. Không chỉ ở Rumani mà ở một ngọn thác ở Trung Quốc cũng có những hòn đá biết lớn theo kiểu này. Bên vách đá của ngọn thác đó, những tảng đá hình cầu được mọc ra và lớn rất nhanh. Chỉ trong một vài tháng, chúng đã có đường kính khoảng 50cm và tự tách ra khỏi bờ thác rồi rơi xuống. Những người dân ở vùng đó đem những tảng đó về vườn nhà trưng bày và nó vẫn còn tiếp tục lớn.
Các nhà khoa học giải thích rằng, loại đá đó tạo ra do vô vàn hạt đá nhỏ được gắn kết với nhau và giữa những sự liên kết đó có một khoảng rỗng. Khi gắp nước mưa hoặc độ ẩm, một số thành phần hóa học trong đá đã tạo ra phản ứng khiến chúng giãn nở. Một số chất có thành phần tương tự như xi măng sẽ tiết ra, tạo sự gắn kết chặt chẽ khiến tảng đá đó tuy bị giãn ra nhưng không hề bị nứt vỡ.
Tảng đá hình người không đầu đang thờ tại Am Mỵ Châu có lẽ cũng có cùng một kết cấu như vậy. Tảng đá đó có lẽ một thời gian bị ngâm trong nước sông, đến khi được đưa lên bờ, sự tác động với không khí kết hợp với lượng nước ngấm trong đó đã khiến tảng đá nở ra. Khi đến một ngưỡng nào đó, sự phản ứng sẽ hết và tảng đá sẽ ngừng “lớn”.
Về hiện tượng cầu xin tượng Mỵ Châu chữa bệnh và lời cầu khẩn đó được linh ứng, điều này cũng không có gì là huyền bí. Khi đức tin của người dân được đã được đẩy cao thành tín ngưỡng, với một niềm tin mãnh liệt rằng “bà” linh thiêng chữa được bách bệnh cho mọi người, chính đức tin đó đã trở thành một liều thuốc cực mạnh có thể giúp họ vượt qua được một số căn bệnh nhất định. Đó chính là khả năng chữa bệnh bằng tâm lý hay còn gọi là khả năng tự điều chỉnh của cơ thể.
Tại một số nước châu Âu hiện nay bác sĩ vẫn thường kê một số loại thuốc trung tính để chữa một số bệnh rất hiệu quả. Loại thuốc này có tên khoa học là Placebo, nó bao gồm các chất tinh bột và phụ da hoàn toàn không mang một chút dược tính nào. Nhưng trong một số trường hợp nhất định, loại thuốc này đã phát huy tác dụng tâm lý của nó, khiến người bệnh nghĩ là đã được dùng một loại thuốc rất quý, rất giá trị và từ đó họ có tâm lý phấn chấn. Chính từ những phản ứng tâm lý tích cực đó, căn bệnh đã bị đẩy lùi.
Hiện tượng này cũng từng xuất hiện khá nhiều ở nước ta, ví dụ như một số người chỉ uống nước tàn nhang mà khỏi bệnh rồi truyền nhau rằng được thánh chữa bệnh. Hay tại phía Nam của đất nước, có một khu vườn hết sức bình thường, nhưng mọi người đến đó để… thở thôi cũng đã khỏi bệnh. Đó cũng chỉ là một hiệu ứng tâm lý có tác dụng tương tự như loại thuốc Placebo mà các bác sĩ phương Tây vẫn thường dùng.
Cũng do khả năng tự chữa bệnh kỳ diệu của cơ thể mà một số kẻ lợi dụng để tung tin mê tín dị đoan, làm mê hoặc người khác nhằm trục lợi. Đền Cổ Loa cổ kính mang theo đó nhiều truyền thuyết văn hóa, lịch sử có giá trị. Nhưng cũng không nên vì quá tin vào những câu chuyện đồn đại trong dân gian mà người dân sa đà vào mê tín, làm mất đi các giá trị tốt đẹp vốn có của vùng đất giàu truyền thống này.