Vén màn bí mật về cuộc đời nhiều 'tì vết' của Tổng thống Mỹ thứ 29

Cáo buộc chi tiền 'bịt miệng' cho tình nhân, các khoản thanh toán bí mật cho một đứa con ngoài giá thú và bê bối tham nhũng của quan chức dưới quyền đã làm hoen ố di sản của tổng thống Mỹ thứ 29.

Tổng thống Mỹ thứ 29, Warren G. Harding. Ảnh: History

Tổng thống Mỹ thứ 29, Warren G. Harding. Ảnh: History

Năm 1920, ứng cử viên Warren G. Harding giành chiến thắng vang dội trong cuộc đua vào Nhà Trắng với cam kết đưa nước Mỹ "trở lại trạng thái bình thường”. Và Harding vẫn là một tổng thống nổi tiếng cho đến khi ông đột ngột qua đời vào ngày 2/8/1923 trong phòng tổng thống của khách sạn Palace ở San Francisco.

Tuy nhiên, trong những tháng và năm tiếp theo, những vụ bê bối liên quan đến cáo buộc ông chi tiền "bịt miệng" để che giấu các mối quan hệ ngoài hôn nhân, một đứa con ngoài giá thú và bê bối tham nhũng của những nhân vật thân cận được ông bổ nhiệm vào chức vụ cao đã làm hoen ố di sản của Tổng thống Harding. Vị tổng thống Mỹ thứ 29 hiện chiếm một trong những bậc thấp nhất trong bảng xếp hạng các nguyên thủ Mỹ của các nhà sử học.

Trong những tháng trước khi Tổng thống Harding qua đời, các cáo buộc tham nhũng đã bắt đầu xoay quanh một số thành viên của "Ohio Gang" (Băng đảng Ohio) - gồm những đồng minh chính trị lâu năm và những người bạn chơi bài poker mà Harding đã bổ nhiệm vào nội các và các vị trí quyền lực khác.

Charles Forbes, người đứng đầu Cục Cựu chiến binh mới thành lập, bị buộc tội nhận tiền lại quả từ các nhà thầu xây dựng bệnh viện dành cho cựu chiến binh và bán bất hợp pháp vật tư y tế dư thừa. Forbes từ chức vào tháng 2/1923 sau khi Tổng thống Harding được cho là đã bóp cổ ông ta vì tức giận trước các cáo buộc. Một cuộc điều tra của Thượng viện vào năm 1924 phát hiện ra rằng Forbes và các cộng sự đã tham nhũng hơn 200 triệu USD (gần 2,8 tỷ USD hiện tại). Trong năm sau, Forbes bị kết án hai năm tù vì tội lừa đảo, âm mưu lừa đảo và hối lộ.

Harry Daugherty, một đặc vụ chính trị được Tổng thống Harding bổ nhiệm làm Tổng chưởng lý, đã ra hầu tòa hai lần vì âm mưu "bán" các giấy phép và lệnh ân xá bất hợp pháp nhưng không bị kết án. Thư ký riêng của Daugherty, Jess Smith, đã tự sát vào tháng 5/1923, một ngày sau khi Harding thông báo việc ông ta đang chờ bị bắt vì tội tham nhũng.

Đám tang Tổng thống Harding vào năm 1923. Ảnh: Ohio Memory

Đám tang Tổng thống Harding vào năm 1923. Ảnh: Ohio Memory

Vụ bê bối Teapot Dome

Vết nhơ lâu dài nhất đối với nhiệm kỳ tổng thống của Harding là do Bộ trưởng Nội vụ Albert Fall và vụ bê bối Teapot Dome để lại.

Năm 1921, Fall thuyết phục Tổng thống Harding chuyển việc giám sát các kho dự trữ dầu chiến lược của Hải quân Mỹ cho Bộ Nội vụ. Sau đó, Fall đã bí mật trao các hợp đồng béo bở không qua đấu thầu để có quyền rút dầu độc quyền tại các kho dự trữ liên bang, nơi chứa dầu mỏ cao cấp trị giá hàng trăm triệu USD, cho hai người bạn lâu năm của ông ta và các ông trùm dầu mỏ.

Để đổi lấy việc cho thuê hai kho dự trữ ở California, Edward Doheny, người sáng lập Công ty Vận tải và Dầu mỏ Pan-American, đã chuyển cho Fall một khoản “vay” tiền mặt trị giá 100.000 USD. Sau khi giành được quyền rút dầu độc quyền với kho dự trữ ở Teapot Dome (bang Wyoming), thì chủ sở hữu của Công ty dầu mỏ Mammoth, Henry Sinclair, đã trao cho Fall 300.000 USD trái phiếu tự do và tiền mặt, lại thêm một đàn gia súc lớn giao tới trang trại của ông.

Thượng nghị sĩ New Mexico Albert Fall (trong ảnh chụp khoảng đầu những năm 1900) là nhân vật trung tâm của bê bối Teapot Dome. Ảnh: Getty Images

Thượng nghị sĩ New Mexico Albert Fall (trong ảnh chụp khoảng đầu những năm 1900) là nhân vật trung tâm của bê bối Teapot Dome. Ảnh: Getty Images

Sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin về các hợp đồng đó vào tháng 4/1922, Thượng viện đã tiến hành điều tra. Vào tháng 2/1929, Ned Doheny, con trai trùm dầu mỏ Edward Doheny, bị thư ký của mình là Plunkett bắn chết trong một dinh thự ở Beverly Hills và hung thủ tự sát. Cuối năm đó, Fall bị kết tội nhận hối lộ từ Edward Doheny và phải ngồi tù 9 tháng, trở thành thành viên nội các Mỹ đầu tiên bị tống giam vì một trọng tội khi còn đương chức.

Tuy vậy, Tổng thống Harding không liên quan cá nhân đến những vụ bê bối hối lộ bủa vây những người được ông bổ nhiệm. Dù vậy, những bê bối đó đã gây tổn hại cho danh tiếng của Harding không khác gì những vấn đề chính trị của ông.

Lùm xùm chi tiền "bịt miệng"

Harding được cho là một người nhiều ham muốn tình dục. “Thật may khi tôi không phải là phụ nữ", ông từng nói với báo chí, “Nếu không, tôi sẽ dính bầu suốt. Tôi không thể từ chối".

Một người viết tiểu sử của Đệ nhất phu nhân Florence Harding cho rằng số lượng tình nhân của chồng bà là bảy người, và những bức thư tình ướt át mà Harding viết trong mối tình kéo dài 15 năm với Carrie Fulton Phillips - vợ của một trong những người bạn thân nhất của ông ở thị trấn quê hương Marion (bang Ohio) - đã tiết lộ thói lăng nhăng của ông.

Bà Carrie Fulton Phillips được cho là tình nhân lâu năm của Tổng thống Harding. Ảnh: Wikipedia

Bà Carrie Fulton Phillips được cho là tình nhân lâu năm của Tổng thống Harding. Ảnh: Wikipedia

Theo trang History.com, Harding bắt đầu mối tình ngoài hôn nhân với Phillips vào năm 1905 khi còn là thống đốc bang Ohio, và mối tình vẫn tiếp tục sau cuộc bầu cử Thượng viện Mỹ năm 1914. Mặc dù từ chối ly hôn với người vợ mắc bệnh thận mãn tính, Harding đảm bảo với tình nhân rằng đó là một cuộc hôn nhân không có tình yêu. “Không có một chút tình cảm nào trong mối quan hệ gia đình của anh", ông viết cho Phillips vào năm 1913, “Đó chỉ là sự tồn tại, cần thiết cho vỏ bọc bên ngoài".

Những rủi ro với mối quan hệ ngoài luồng này đã tăng lên theo cấp số nhân vào mùa hè năm đó khi Harding nhận được đề cử của Đảng Cộng hòa. Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa đã đồng ý cấp cho Phillips khoản trợ cấp hàng tháng 2.000 USD và một khoản 25.000 USD chi cho chuyến du ngoạn đến Nhật Bản và Trung Quốc vào mùa thu năm 1920. Và vào thời điểm Phillips trở lại Mỹ, Harding đã được bầu vào Nhà Trắng.

Con gái ngoài giá thú

Ảnh phải: Elizabeth Ann Britton (phải) cùng mẹ Nan Britton vào năm 1927. Ảnh: Getty Images

Ảnh phải: Elizabeth Ann Britton (phải) cùng mẹ Nan Britton vào năm 1927. Ảnh: Getty Images

Những chi tiết "xấu xí" về đời sống tình cảm của Harding đã gây xôn xao dư luận vào năm 1927 khi một người tình khác của ông là Nan Britton tiết lộ trong một cuốn sách rằng ông có một đứa con ngoài giá thú với cô ta.

Britton viết trong cuốn sách bán chạy nhất của mình "The President’s Daughter" (Con gái của Tổng thống), rằng cô gặp Harding lần đầu trong chiến dịch tranh cử vào Thượng viện Mỹ năm 1914 khi còn là một thiếu nữ. Năm 20 tuổi, Britton đã có một mối quan hệ thân mật với thượng nghị sĩ 51 tuổi.

Britton viết rằng Harding đã trả tiền để cô sống trong một ngôi nhà ở New Jersey, nơi vào tháng 10/1919, cô đã bí mật sinh con gái của họ, Elizabeth Ann. Theo Britton, Harding chưa bao giờ gặp Elizabeth nhưng đã cung cấp các khoản tiền cấp dưỡng nuôi con hàng tháng, do các nhân viên Mật vụ chuyển tận tay. Những cuộc hẹn hò của họ tiếp tục trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của Harding.

Các cháu của Tổng thống Harding (ông không có con) trong nhiều thập kỷ sau đó đã bác bỏ tuyên bố quan hệ cha con của Britton.

Tuy nhiên vào năm 2015, các hậu duệ của gia đình Harding đã quyết định giải quyết bí ẩn này bằng cách xét nghiệm DNA. Họ tiếp cận cháu trai của Britton, là James Blaesing (tức con của Elizabeth), và tiến hành xét nghiệm, do trang web phả hệ Ancestry.com thực hiện. Các cuộc kiểm tra cho thấy cháu trai và cháu gái của Harding là anh em họ với Blaesing. Kết quả đó xác nhận rằng Elizabeth thực tế là con gái của vị tổng thống này.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo History.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/ven-man-bi-mat-ve-cuoc-doi-nhieu-ti-vet-cua-tong-thong-my-thu-29-20230411195347873.htm