Vẹn nghĩa phu thê, trọn tình đồng chí

Những vết thương chiến tranh vẫn còn đâu đó trên cơ thể và tinh thần người lính, nhất là đối với thương, bệnh binh. Họ đã vượt qua tất cả bằng ý chí, tinh thần thép; bằng sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước và tình thương vô bờ của 'hậu phương'. Để rồi khi 'tua' lại 'cuốn phim' cuộc đời mình, họ rất tự hào, trân trọng.

Ông Đào Vĩnh Sơn và bà Phạm Thị Ánh Tuyết (xã Long Hòa, huyện Cần Đước) 47 năm vẹn nghĩa phu thê, trọn tình đồng chí

Ông Đào Vĩnh Sơn và bà Phạm Thị Ánh Tuyết (xã Long Hòa, huyện Cần Đước) 47 năm vẹn nghĩa phu thê, trọn tình đồng chí

Chúng tôi đến nhà thương binh Đào Vĩnh Sơn (tự Sáu Sơn, SN 1941, ngụ ấp 1B, xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) lúc bà Phạm Thị Ánh Tuyết (vợ ông) đang chuẩn bị cơm chiều. Nghe có phóng viên đến thăm, ông bà gác lại bữa cơm để trò chuyện, kể về thời vàng son tuổi trẻ. Ông Sáu tham gia cách mạng từ tháng 5/1959 với vai trò đội viên Đội tự vệ xã Long Hòa.

Trong thời gian công tác mấy chục năm, ông lần lượt đảm nhiệm nhiều vị trí. Năm 1960, bà Sáu mới 14 tuổi cũng cùng với chị em tham gia míttinh, biểu tình, vận động tòng quân. Hai người tuy cùng xã nhưng không biết mặt nhau.

Trong quá trình công tác, ông Sáu từng bị dụ dỗ chiêu hồi nhưng vẫn kiên gan, bền chí với cách mạng. Gia đình có truyền thống cách mạng, cha ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, trên đường đi công tác bị địch phục kích và hy sinh. Nỗi đau còn đó, ông tuyệt đối không phản bội và quyết tâm đánh đuổi kẻ thù ra khỏi quê hương.

Năm 1972, ông Sáu bị thương trong một trận đánh ác liệt tại địa danh Cây Da Đôi (xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), tới giờ vẫn còn mảnh đạn trong đầu. Mảnh đạn ấy khiến ông trở thành thương binh hạng 1/4.

Hòa bình lập lại, gia đình có đưa ông đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nhưng bác sĩ không dám lấy ra, sợ nguy hiểm đến tính mạng. Từ đó, mảnh đạn trở thành một phần trong cơ thể ông, là di chứng chiến tranh, là nỗi đau hành hạ mỗi khi trái gió trở trời. Có lần đi máy bay, qua cửa an ninh, ông Sáu bỏ hết đồ ra mà máy quét vẫn kêu, khi họ rõ cớ sự mới cho ông lên.

Hòa bình lập lại, bà Sáu công tác ở xã Long Hòa, còn ông làm việc tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Trong một lần ông về địa phương củng cố chi bộ, 2 người gặp nhau.

Bà Sáu cảm mến ông bởi ý chí và tấm lòng kiên trung, bất khuất. Đồng nghiệp thấy vậy cũng ghép đôi, trong số đó có mẹ chồng tương lai của bà Sáu. Công tác chung đã lâu, bà biết tính nết và năng lực của người con gái này. Sẵn dịp con trai về, bà đem trầu cau sang hỏi cưới. Vậy là hai người thành đôi, lúc đó là đầu năm 1977.

Tỉnh Đoàn phối hợp Huyện Đoàn Cần Đước đến thăm, tặng quà cho thương binh Đào Vĩnh Sơn, ngày 05/6/2024

Tỉnh Đoàn phối hợp Huyện Đoàn Cần Đước đến thăm, tặng quà cho thương binh Đào Vĩnh Sơn, ngày 05/6/2024

Sau khi về chung một nhà, ông bà hoạt động năng nổ góp sức xây dựng địa phương nhưng mảnh đạn quái ác khiến niềm vui không trọn vẹn. Mỗi khi trời nóng, ông Sáu lên cơn co giật, sùi bọt mép. Ban đầu, bà Sáu rất sợ nhưng dần dần thành quen, biết cách giải quyết.

Theo bà Sáu, lúc đó cần phải có hai người, một người giữ đầu, một người giữ chân. Đôi khi cũng cần thêm một người nữa chạy đi lấy thuốc. Năm nào ông Sáu cũng phát bệnh. Mỗi khi trời nóng, bà cùng các con phải lấy khăn nhúng nước làm mát cơ thể cho ông.

Giờ đây, di chứng của mảnh đạn còn khiến ông quên trước quên sau, tay chân yếu dần. Bởi vậy lúc nào cũng phải có người canh chừng, tránh để ông té ngã. Bản thân bà Sáu giờ cũng lớn tuổi, khó ngủ nhưng vẫn túc trực ngày đêm bên ông.

Bà Sáu kể, vất vả nhất là lúc sinh người con thứ 2. Khi đó bà đang công tác tại xã Long Hòa với vai trò Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã, rồi lên Quyền Chủ tịch. Bà vừa bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, vừa làm ruộng, vừa chăm chồng, vừa nuôi con. Khó khăn hơn khi lúc đó, mẹ chồng bà mất. Bà Sáu phải vất vả xoay trở đủ kiểu mới vượt qua giai đoạn ấy.

Bà Sáu chia sẻ: “Có lúc tôi buồn nhưng không nản lòng. Thời chiến tranh mưa bom, bão đạn còn vượt qua được, không lẽ chỉ bấy nhiêu đã buông xuôi. Tôi chỉ lo cho ông nhà ngày càng yếu, sợ không đủ sức chống lại những cơn đau hành hạ”.

Trong suốt quá trình trò chuyện với chúng tôi, ông Sáu chỉ ngồi nghe bởi di chứng của mảnh đạn gây trở ngại cho việc giao tiếp. Đối diện với người từng làm phóng viên chiến trường này, chúng tôi thấy mình nhỏ bé và cần phải học tập nhiều hơn. Khi được hỏi tình cảm dành cho vợ, ông Sáu không nói gì, chỉ mỉm cười rồi nắm tay bà, thật chặt./.

Lê An

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ven-nghia-phu-the-tron-tinh-dong-chi-a179952.html