Vẹn nguyên ký ức ngày giải phóng

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng thời khắc hào hùng về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong ký ức những người lính một thời xông pha trận mạc vẫn còn vẹn nguyên. Giờ đây, dù tuổi cao, sức yếu nhưng họ vẫn tích cực đi đầu trong mọi phong trào thi đua ở địa phương, xứng đáng là những 'ngọn đuốc' soi đường cho thế hệ trẻ xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Hành quân thần tốc nhờ có Nhân dân

Trong rất nhiều câu chuyện mà cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Quýt ở Khu phố 1, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà kể lại về quá trình tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của ông thì kỷ niệm về cuộc hành quân thần tốc đánh địch tại tuyến phòng thủ Phan Rang (Ninh Thuận) để lại ấn tượng sâu sắc.

 Cựu chiến binh Lê Văn Quýt - Ảnh: K.S

Cựu chiến binh Lê Văn Quýt - Ảnh: K.S

Vào đầu tháng 4/1975, ông Quýt lúc bấy giờ là Phó Chính ủy Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 - Sao Vàng nhận được lệnh hành quân thần tốc giải phóng Ninh Thuận. Nhiệm vụ lúc này đặt ra là chỉ trong vòng ít ngày sau khi nhận được lệnh (từ 8 - 14/4/1975) phải bắt đầu nổ súng, trong khi đó từ Bình Định vào Ninh Thuận khoảng 400 km nếu hành quân bộ phải vượt qua nhiều sông suối, đèo dốc sẽ không kịp. Do đó, chỉ còn phương án liên hệ với địa phương, vận động các hộ gia đình có xe chở khách tham gia vận chuyển bộ binh, xe tải chở các đơn vị hỏa lực. Trung đoàn 2 chủ yếu đánh vào quận lỵ Du Long do ông Quýt phụ trách được ưu tiên đi trước. Được cán bộ địa phương đón ở ngã ba Phú Tài (Bình Định), là đầu mối giao thông lớn nên đơn vị của ông đã đón được nhiều xe khách, xe tải và thuyết phục, vận động người dân nhường xe cho quân giải phóng vào Ninh Thuận đánh giặc. “Nhìn cảnh người già, trẻ em dắt díu nhau, hành lý để đầy dọc đường để nhường xe cho bộ đội đi làm nhiệm vụ mà không hề đòi hỏi gì, chúng tôi ai cũng rơm rớm nước mắt. Bà con còn đồng thanh hô to tiễn chúng tôi lên đường “Bộ đội Sao Vàng, Bộ đội Cụ Hồ!”. Lần đầu ngồi xe hành quân, các chiến sĩ lòng tràn đầy háo hức. Chỉ sau 15 giờ, toàn bộ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 đã tới vị trí tập kết ở vườn dừa Ba Ngòi, huyện Cam Ranh, cách mục tiêu tấn công khoảng 8 km. Đây chính là điều kiện, động lực cơ bản để chúng tôi phối hợp với đơn vị bạn, quân dân địa phương giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận. Cuộc hành quân thần tốc này đã khiến địch không thể ngờ tới và nể phục bộ đội ta mưu trí, dũng cảm. Nếu không có Nhân dân ủng hộ, giúp đỡ thì chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ”, CCB Lê Văn Quýt chia sẻ.

Vũ khí đánh giặc đặc biệt của đồng bào Vân Kiều

Đã bước qua tuổi 80 nhưng CCB người dân tộc Vân Kiều Hồ Xang, ở Khóm 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa vẫn còn minh mẫn. Hầu hết các phong trào, hoạt động ở địa phương ông đều tích cực tham gia. Đặc biệt, ông là nghệ nhân cồng chiêng, nghệ nhân chế tác nhạc cụ, sưu tầm dân ca, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

 Cựu chiến binh Hồ Xang kể về vũ khí đánh giặc đặc biệt của người Vân Kiều - Ảnh: K.S

Cựu chiến binh Hồ Xang kể về vũ khí đánh giặc đặc biệt của người Vân Kiều - Ảnh: K.S

Hồ Xang tham gia cách mạng từ năm 1956 - 1968 ở chiến trường Đường 9 - Khe Sanh. Nhiệm vụ chủ yếu lúc đó của ông là giao liên, tiếp tế cho cán bộ hoạt động nằm vùng và du kích địa phương. Năm 1964 ông là Đại đội trưởng C16 bộ đội địa phương, Huyện đội Nam Hướng Hóa. Năm 1968, ông trực tiếp tham gia trận đánh giải phóng Khe Sanh. Năm 1969, khi quân Mỹ triển khai chiến tranh cục bộ, ông tiếp tục tham gia đánh Mỹ rồi tham gia chiến đấu chống chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Năm 1972 - 1975 ông tham gia lực lượng tăng cường chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam. Kỷ niệm nhớ nhất trong thời gian chiến đấu đối với CCB Hồ Xang là thời gian ông tham gia du kích tại địa phương. Năm 1963, lực lượng du kích địa phương được thành lập nhằm đánh đuổi địch đóng đồn bốt trên địa bàn. Nhận nhiệm vụ phục kích, đánh tỉa địch, ông Hồ Xang đã cùng với đồng bào Vân Kiều địa phương nghiên cứu, sáng chế ra một thứ vũ khí hết sức đặc biệt và vô cùng hiệu quả, đó chính là chiếc nỏ. Vật liệu làm nỏ và mũi tên được chọn từ một thứ gỗ trong rừng sâu, có độ bền cao. Đầu mũi tên tẩm độc tố được tạo ra từ mủ của một loại cây. Chính đặc thù khác biệt này mà địch không hề nghĩ tới và cũng không thể trở tay đề phòng. Là người địa phương nên ông và bà con trong bản thuộc đường đi lối về ở núi rừng như trong lòng bàn tay. Những lần địch đi tuần tra, thám thính quanh vùng đều bị ông và du kích địa phương mai phục từ xa bắn tỉa hạ gục khiến chúng hoang mang, khiếp sợ. Ngoài ra, đội du kích của ông còn đào từng hố sâu, cắm chông, phủ lá để làm bẫy quân địch. Với những loại vũ khí thô sơ, độc đáo này, Hồ Xang và đồng đội của mình gây nhiều thương vong cho địch, góp phần quan trọng vào giải phóng Khe Sanh, Hướng Hóa.

Kiên cường bảo vệ “chốt thép” Long Quang

Giai đoạn 1972 - 1975, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong là một địa bàn quan trọng. Trong đó, “chốt thép” Long Quang là vị trí tiền tiêu bảo vệ vòng ngoài phía Đông Thành Cổ Quảng Trị. Những ngày tháng giao tranh ác liệt tại vị trí chiến lược này, CCB Lê Quốc Thạnh ở thôn Linh Yên, xã Triệu Trạch vẫn còn nhớ như in từng trận hiệp đồng tác chiến khi lực lượng du kích, bộ đội địa phương kết hợp với bộ đội chủ lực, tạo thành “lá chắn thép”, chặn bước tiến của địch.

 Vợ chồng cựu chiến binh Lê Quốc Thạnh vui vẻ bên các cháu - Ảnh: K.S

Vợ chồng cựu chiến binh Lê Quốc Thạnh vui vẻ bên các cháu - Ảnh: K.S

Trong ký ức của ông Thạnh, những trận bom cày xới của địch lúc bấy giờ đã khiến cho làng mạc, nhà cửa, cây cối bị thiêu rụi. Trong một đợt ném bom do máy bay B52 thực hiện, nhà của ông bị trúng bom, mẹ của ông mất, chị gái ông bị thương nặng, bản thân ông cũng bị thương, mất 1 mắt. Từ đau thương, hận thù đó, tháng 5/1972, ông gia nhập đội du kích của xã Triệu Trạch, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu trên địa bàn.

Ông Thạnh xúc động nhớ lại: “Có thể nói trận đánh ngày 18/11/1972 là đỉnh cao của quá trình giữ “chốt thép” Long Quang. Trong trận đó, ban đầu địch sử dụng 18 loạt B52 thả bom dồn dập cùng nhiều loại pháo lớn đánh liên tục. Tiếp đó, chúng dùng xe tăng bắn xối xả từ trên cao xuống để yểm trợ cho lực lượng bộ binh tiến vào chốt. Đối mặt với nhiều thương vong nhưng du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực không hề nao núng, kiên cường giữ chốt. Khi quân địch chỉ cách hầm chừng 5 m, chúng tôi đã đánh cận chiến, dùng B40, B41 bắn xe tăng. Trong thế trận không cân sức, quân ta đã bắn cháy 3 xe tăng của địch, tiêu diệt toàn bộ quân địch, bảo vệ an toàn “chốt thép” Long Quang. Trong trận chiến đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta đã hy sinh. Nhờ nắm rõ địa bàn nên sau khi giải phóng, chúng tôi đã tích cực hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc quy tập, đưa hài cốt các liệt sĩ về an táng tại các nghĩa trang”.

Kô Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=157214&title=ven-nguyen-ky-uc-ngay-giai-phong