Vẹn nguyên ký ức về Bác Hồ

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc lại giây phút được gặp Bác Hồ, vị Cha già kính yêu của dân tộc, những người có vinh dự ấy đều cho rằng đó là khoảnh khắc đặc biệt, là kỷ niệm đẹp đẽ, quý giá nhất trong cuộc đời.

Chúng tôi có dịp gặp và nghe các cựu chiến binh (CCB) Mai Tấn Trung, Trương Bình Trọng, Ksor Y Bứ kể về những lần được gặp Bác.

Đại tá Mai Tấn Trung. Ảnh KHÔI NGUYÊN

Đại tá Mai Tấn Trung. Ảnh KHÔI NGUYÊN

Khắc sâu những lần gặp Bác

“Tháng 8/1964, Mỹ đưa máy bay ra đánh phá miền Bắc. Bộ đội ta đã chiến đấu và bắn rơi 8 máy bay của chúng. Để động viên tinh thần và khí thế của bộ đội, lễ tuyên dương thành tích được tổ chức tại Hội trường CLB Quân đội vào ngày 12/8/1964. Tôi và đồng chí Trần Quy Đại (quê Hải Dương) vinh dự được đơn vị cử đi dự buổi lễ này”, đại tá Mai Tấn Trung (phường 7, TP Tuy Hòa), nguyên chiến sĩ báo vụ Phòng Kỹ thuật mật mã, Cục Cơ yếu, Bộ Quốc phòng nhớ lại: Ngồi trong hội trường đợi một lúc thì Bác Hồ cùng đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí Trung ương vào. Bác bước lại gần chỗ chúng tôi ngồi và hỏi đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội sao chưa tiến hành? Đồng chí Hưng trả lời: Dạ thưa Bác, chưa đến giờ. Bác mới hỏi sao hôm nay không có phụ nữ đi dự? Dạ không có ạ, đồng chí Hưng đáp. Bác nói ngay: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Những cuộc mít tinh quan trọng như thế này phải có đại biểu phụ nữ. Trong cơ quan Bộ Quốc phòng thiếu gì phụ nữ như: văn công, cấp dưỡng, y tá, sao không cử chị em đi dự? Đồng chí Hưng rút chân đứng nghiêm: Dạ thưa Bác, xin rút kinh nghiệm, để lần sau ạ. Bác nói, lần sau nhớ phải có phụ nữ đi dự, không để mất quyền lợi của chị em. Sau đó, Bác bước lên nói với tất cả mọi người: Chưa đến giờ thì chúng ta hãy hát cho vui. Rồi Bác bắt nhịp bài Kết đoàn. Tất cả cùng hát vỗ tay, hội trường nhộn nhịp hẳn lên.

Ông Trung kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất và vui sướng khi được Bác trực tiếp khen ngợi: Tháng 7/1967, Bộ Chính trị tổ chức họp tại khu A hay gọi là Nhà Rồng (bây giờ giao lại cho Bộ VH-TT-DL quản lý). Đến giờ giải lao, Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi ra phía sau nơi có khoảng đất rộng gần dãy nhà của Cục Cơ yếu làm việc. Sáng hôm đó, chúng tôi đang nhổ su hào, bắp cải rửa sạch, bó từng bó rồi đưa lên xe ba gác để chở đến nhà bếp của Bộ Tổng tham mưu. Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thẳng lại chỗ để xe rau, Bác hỏi: Rau ai trồng? Đồng chí nhân viên mã dịch trả lời: Dạ Cục Cơ yếu trồng ạ! Bác hỏi: Nhổ rau đi bán? Thưa Bác, chúng cháu không đưa ra ngoài bán, mà chở cho nhà bếp của Bộ Tổng tham mưu để nấu ăn ạ, đồng chí nhân viên trả lời. Bác khen: Tốt lắm, tốt lắm, rồi nói: Bác biểu dương các cháu. Bởi bây giờ ta còn nhiều khó khăn, có tăng gia sản xuất thì mới cải thiện được bữa ăn cho bộ đội.

“Tôi rất vinh dự khi nhiều lần được gặp Bác Hồ. Có lúc gặp gián tiếp và có lúc gặp trực tiếp, được Bác dặn dò, chỉ bảo. Nhưng dù được gặp Bác trong điều kiện hoàn cảnh nào, thì tôi cũng luôn cảm nhận được hơi ấm, tình yêu và cả sức hút tỏa ra trong con người vĩ đại đó”, ông Trung trải lòng.

CCB Trương Bình Trọng kể chuyện gặp Bác Hồ. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

CCB Trương Bình Trọng kể chuyện gặp Bác Hồ. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Kỷ niệm khó quên

Theo ông Trương Bình Trọng (phường 2, TP Tuy Hòa), nguyên chiến sĩ Sư đoàn 305, Trung đoàn 108, ông là người may mắn nhiều lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên ông được gặp Bác khi cùng sư đoàn tham gia duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội đánh dấu sự kiện lớn bộ đội ta chiến thắng Điện Biên Phủ. Hôm đó, Bác Hồ ngồi trên lễ đài cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi đoàn diễu binh của chúng tôi đi ngang qua lễ đài thì Bác vẫy tay chào. Tuy nhìn Bác không rõ lắm nhưng hình ảnh của Bác vẫn in đậm trong trái tim của những người lính chúng tôi.

Lần thứ hai ông Trương Bình Trọng gặp Bác là năm 1958. Ông Trọng nhớ lại: “Lúc này, đơn vị tôi đóng quân ở Phú Thọ làm nhiệm vụ tham gia xây dựng đập thủy lợi Bắc Hưng Hải (Hải Dương). Chúng tôi được thông báo chuẩn bị ngày mai tập trung đón Bác, ai cũng hồ hởi. Vừa đến nơi là Bác đi kiểm tra các công trình vệ sinh đầu tiên. Sau đó, Bác nói chuyện với chúng tôi: Các cháu miền Nam tập kết ra miền Bắc cố gắng học tập, xây dựng lực lượng chính quy, hiện đại để sau này có điều kiện về giải phóng miền Nam”.

Lần thứ ba ông Trương Bình Trọng gặp Bác là kỳ nghỉ phép 10 ngày ở TP Vinh (Nghệ An). “Hôm ấy, Bác về thăm quê nhà. Tôi đi theo bà con, đứng hàng dọc hai bên đường để đón Bác. Bác đến thăm cánh đồng lúa, rồi xắn quần, bỏ dép lội xuống ruộng kiểm tra…”.

Còn ông Ksor Y Bứ (Ma Doanh) sinh năm 1932, dân tộc Ê Đê, hiện ở xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh nhớ lại: Trong thời gian tập kết ra miền Bắc để học văn hóa, huấn luyện quân sự, tôi vinh dự được gặp Bác Hồ hai lần. Lần đầu tiên gặp Bác là lúc Người đọc diễn văn Lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Hôm ấy, nghe tin có Bác Hồ dự lễ chúng tôi ai cũng háo hức để được nhìn thấy Người. Dù chỉ được nhìn thấy hình ảnh của Bác ở trên cao nhưng với tôi đó cũng là điều khó quên trong cuộc đời.

Năm 1961, Ma Doanh vinh dự được gặp Bác Hồ lần thứ hai khi Người về thăm quê. Lúc ấy, Ma Doanh đang huấn luyện ở Trung đoàn 120, đóng quân tại Nam Đàn, Nghệ An. Ông kể: “Lúc Bác Hồ đi vào, cả trung đoàn chúng tôi đứng dậy vỗ tay, còn Bác thì vẫy tay chào. Sau đó, Bác đi từng hàng bắt tay chúng tôi. Rồi chúng tôi nghe Bác nói chuyện và căn dặn nhiều điều. Bác hỏi: Các cháu có nhớ nhà, nhớ quê không? Chúng tôi đáp: Có ạ! Rồi Bác động viên: Các cháu nhớ nhà, nhớ quê thì phải ra sức học tập và rèn luyện. Khi trở về quê hương phải đoàn kết nhân dân cùng nhau đánh đuổi kẻ thù, xây dựng quê hương...”.

Ông Ksor Y Bứ (trái) trò chuyện cùng ông Nguyễn Đình Túc, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Ông Ksor Y Bứ (trái) trò chuyện cùng ông Nguyễn Đình Túc, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Sắt son lời Bác dặn

Mặc dù có người gặp nhiều, có người gặp vài lần nhưng hình ảnh và những lời dặn dò của Bác là hành trang, là kim chỉ nam soi sáng suốt cả cuộc đời của họ. Đối với đại tá Mai Tấn Trung, ông luôn ghi nhớ và thực hiện nghiêm túc những lời Bác dặn dò, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Trải qua hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nay đã bước vào tuổi 90 nhưng ông Trương Bình Trọng vẫn luôn tâm niệm học và làm theo tấm gương Bác suốt đời. Ông luôn giữ lối sống giản dị, khiêm nhường, gương mẫu, được bà con nhân dân trong khu phố tin yêu.

Còn ông Ksor Y Bứ, sau ngày giải phóng, ông trở về quê hương công tác và sinh sống. Thấm nhuần sâu sắc những lời dạy của Bác Hồ, ông luôn phấn đấu, học tập, rèn luyện, tiếp tục tham gia các hoạt động ở địa phương, từng là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã và hiện là già làng có uy tín của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh. Năm 1991, sau khi nghỉ hưu, thực hiện chính sách di dân để phục vụ cho dự án thủy điện Sông Hinh, ông chuyển về thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh sinh sống cùng con cháu.

Tôi rất vinh dự khi nhiều lần được gặp Bác Hồ. Có lúc gặp gián tiếp và có lúc gặp trực tiếp, được Bác dặn dò, chỉ bảo. Nhưng dù được gặp Bác trong điều kiện hoàn cảnh nào, thì tôi cũng luôn cảm nhận được hơi ấm, tình yêu và cả sức hút tỏa ra trong con người vĩ đại đó.

Đại tá Mai Tấn Trung

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/255799/ven-nguyen-ky-uc-ve-bac-ho.html