Vẹn nguyên ký ức về một thời sôi nổi, hào hùng
Huyện Cam Lộ là mảnh đất có truyền thống lịch sử hào hùng. Ở đó, có những con người trong từng thời điểm lịch sử đảm đương các công việc khác nhau nhưng tất cả đều nhiệt thành cống hiến, dũng cảm mưu trí và tận tụy với quê hương. Bây giờ dù tuổi đã cao nhưng họ vẫn ghi nhớ nhiều câu chuyện về quê hương dấu yêu.
Ông NGUYỄN VĂN PHỤNG, hậu duệ của người từng tiếp vua Hàm Nghi: TRÂN QUÝ KỶ VẬT, KÝ ỨC VỀ VUA HÀM NGHI
Ở tuổi 85, ông Nguyễn Văn Phụng, trú tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ không còn khỏe mạnh và trí nhớ cũng không còn minh mẫn. Tuy nhiên, những câu chuyện về vua Hàm Nghi mà ông nội kể lại vẫn in sâu trong trí nhớ của ông.
Ngược dòng thời gian, năm 1858 thực dân Pháp xâm lược nước ta, khởi đầu cho một thời kỳ đen tối của nước nhà. Ngày 2/8/1884, vua Hàm Nghi, tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu là Ưng Lịch lên ngôi. Sau khi tấn công quân Pháp bất thành, rạng sáng 6/7/1885, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra Quảng Trị.
Tại đây, ngày 13/7/1885, vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và Nhân dân cả nước đứng lên đánh giặc, cứu nước. Lúc bấy giờ lời kêu gọi của vua Hàm Nghi đã làm dậy sóng, thôi thúc sĩ phu, hào kiệt, Nhân dân cả nước, trong đó có bà con ở miền quê Cam Lộ nhất tề đứng dậy, đóng góp của cải, vật chất để xây dựng Thành Tân Sở.
Ngoài những câu chuyện kể, hiện nay gia đình ông Nguyễn Văn Phụng đang lưu giữ một số kỷ vật liên quan đến vua Hàm Nghi, đó là bộ mâm gỗ, bình rượu và những chiếc đĩa. Ông Phụng cho biết, tất cả đĩa và bình rượu đều in chữ “Vạn” bằng chữ Hán, là tên của ông nội mình. Ông cho biết thêm: “Ba tôi kể lại rằng, ngày xưa, ông nội tôi đã dùng những đồ vật này để dâng lên nhà vua cùng chuối, mít, khoai, sắn…Mấy đời nhà tôi đều trân quý, gìn giữ, xem những đồ vật này là báu vật”.
Đến nay, đã 136 năm trôi qua kể từ ngày vua Hàm Nghi đặt chân tới Tân Sở. Dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng hình ảnh, lời hiệu triệu của vua Hàm Nghi vẫn còn in sâu trong tâm trí người dân. Mới đây nhất, ngày 12/7/2020, huyện Cam Lộ phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã long trọng tổ chức lễ rước long vị vua Hàm Nghi và bài vị Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết, Kỳ vỹ quận công Nguyễn Văn Tường ra an vị tại Đền thờ Di tích quốc gia Thành Tân Sở, xã Cam Chính. Không chỉ ghi dấu bằng công trình, kỷ vật mà lòng yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm của vua Hàm Nghi đã và đang được các thế hệ người dân Cam Lộ noi gương, học tập.
Ông NGUYỄN MINH KỲ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị: HẠNH PHÚC KHI ĐƯỢC GÓP SỨC GIẢI PHÓNG VÀ DỰNG XÂY QUÊ HƯƠNG
Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn dồi dào như trước nhưng ông Nguyễn Minh Kỳ vẫn thường xuyên ngược lên Cam Lộ thăm quê hương. Nơi đây, mỗi tên đất, tên làng đều in dấu trong ông với rất nhiều kỷ niệm. Đặc biệt, ký ức về những ngày đấu tranh, giải phóng huyện Cam Lộ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông.
Từ năm 1966, ở chiến trường Quảng Trị, Nhân dân có câu cửa miệng ca ngợi hai chiến sĩ gan dạ, dũng cảm: “Nhất Kỳ, nhì Hai”. Vế “Nhất Kỳ” thể hiện sự thượng tôn ông Nguyễn Minh Kỳ, người mà giặc Mỹ nhắc đến với cái tên “Hùm xám Đường 9”. Ông Kỳ là con thứ hai trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ba, bác ruột và chú ruột của ông đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Mang trong mình nỗi thù nước, nợ nhà, chàng trai lớn lên trên quê hương Cam Mỹ (nay được chia tách thành thị trấn Cam Lộ, xã Cam Tuyền và Cam Thành) đã trút hờn căm lên đầu giặc. Trong những trận chiến, ông Nguyễn Minh Kỳ thoắt ẩn, thoắt hiện như con hổ giữa rừng. Kẻ thù từng treo giá 600 lượng vàng nếu ai bắt hoặc tiêu diệt được ông.
Năm 1972, Mỹ tập trung lực lượng dày đặc ở huyện Cam Lộ, trung bình cứ 1 người dân lại có đến 3 tên lính. Đội quân tinh nhuệ của địch được trang bị đầy đủ vũ khí tối tân nhất. Sau thất bại chiến dịch Mậu Thân 1968 và Đường 9-Nam Lào, quân địch cảnh giác cao độ, ráo riết tìm cách dập tắt ngọn lửa cách mạng. Nắm bắt tình hình, sau khi nhận mệnh lệnh từ Quân ủy Trung ương và Mặt trận B5, ngày 23/3/1972, ông Nguyễn Minh Kỳ lúc đó là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cam Lộ nhanh chóng phân công nhiệm vụ cho từng tổ chức, ban, ngành trong huyện. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lộ được giao phụ trách địa bàn, phối hợp để giải phóng quê hương.
Riêng ông Nguyễn Minh Kỳ là người chỉ huy toàn bộ chiến dịch, đồng thời phụ trách khu B. Sau khi triển khai lực lượng, bám địa bàn, chuẩn bị các điều kiện thiết yếu, trưa 31/3/1972, quân giải phóng huyện Cam Lộ đồng loạt nổ súng. 12 giờ đêm cùng ngày, trận địa pháo phía Bắc và phía Tây bắn thẳng vào căn cứ của địch. Quân ta nhanh chóng tấn công vào khu vực bị chiếm đóng theo phương châm “tấn công để nổi dậy, nổi dậy để tấn công”. Ở các khu tập trung, người dân cũng nhất tề đứng lên. Cuộc chiến đấu giằng co đến tối 1/4/1972, quân địch tháo chạy tán loạn. Chiều ngày 2/4/1972, huyện Cam Lộ sạch bóng quân thù.
Sau ngày quê hương giải phóng, nhiều khó khăn đặt ra cho cán bộ, người dân huyện Cam Lộ như cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề… Lãnh đạo huyện Cam Lộ đã kịp thời thiết lập chính quyền cách mạng; ổn định tình hình địa phương, tư tưởng của Nhân dân; vận động người dân xây dựng hầm hào để tránh địch phản kích bằng phi pháo; giữ gìn an ninh trật tự; chăm lo đời sống của Nhân dân… Điều đáng mừng là khí thế trong dân vào thời điểm này lên rất cao, đặc biệt khi Cam Lộ được chọn làm địa điểm đặt Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam.
Kết thúc cuộc trò chuyện, ông Nguyễn Minh Kỳ khẳng định: “Đối với tôi, không gì hạnh phúc hơn là được góp sức giải phóng và xây dựng quê hương”. Chính điều đó đã thôi thúc ông nghỉ hưu nhưng không ngừng cống hiến. Ông Kỳ thường xuyên trích lương hưu, vận động nhiều cá nhân, tổ chức có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ đồng đội, gia đình liệt sĩ, bà con từng nuôi dưỡng cán bộ lãnh đạo huyện… Đặc biệt, ông và gia đình đã xây dựng một nhà bia tưởng niệm 13 liệt sĩ của Trung đoàn 27 ở núi Hồ Khê, xã Cam Tuyền.
Ông Nguyễn Văn Tố, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ: TỰ HÀO KHI NHÌN THẤY QUÊ HƯƠNG ĐANG ĐỔI MỚI TỪNG NGÀY
Những năm sau khi huyện Cam Lộ giải phóng, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh còn rất thấp kém. Hậu quả của chiến tranh để lại nặng nề nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tôi vẫn nhớ hình ảnh những ngôi làng chỉ lác đác trên dưới chục ngôi nhà nằm trơ trọi giữa những đồng ruộng khô cháy và hố bom chằng chịt. Không có đất sản xuất nên vấn đề phát triển kinh tế được xem là bài toán khó với lãnh đạo địa phương.
Để tìm cách tháo gỡ khó khăn, mở hướng sản xuất cho nông dân, tôi và một số cán bộ huyện đã lặn lội vào các tỉnh miền Nam để tìm hiểu cách sản xuất và mang giống sắn ngắn ngày “Ba Tháng” về cho bà con. Trước muôn vàn thách thức, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xác định phải nỗ lực toàn diện với quyết tâm cao, khắc phục khó khăn, tranh thủ thuận lợi, vừa phục hồi kinh tế, vừa củng cố và xây dựng đổi mới, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội.
Từ những định hướng cơ bản đó, lãnh đạo huyện đã đưa ra nhiều chủ trương, nghị quyết chuyên đề nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tếxã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Sau 30 năm, từ một huyện có điểm xuất phát thấp, Đảng bộ, quân và dân huyện Cam Lộ trở thành huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Những vùng đất trống, đồi núi trọc giờ đã bát ngát màu xanh sự sống. Nông dân Cam Lộ không còn chỉ làm ra lương thực đủ ăn mà nhiều người còn biết làm giàu với những mô hình cây con đa dạng, có giá trị hàng hóa cao. Các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được chăm lo. Quốc phòng-an ninh được củng cố, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội giữ vững.
Nhìn quê hương đổi mới từng ngày, bản thân tôi cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào. Thành quả của ngày hôm nay được đánh đổi bởi mồ hôi, công sức của cán bộ và Nhân dân đã và đang sống, học tập, làm việc trên mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa này.
Quang Hiệp - Trúc Phương (lược ghi)