Venezuela tiếp tục cải cách tiền tệ: Tờ 1 triệu bolivar giờ chỉ là tờ 1 bolivar
Venezuela ngày 1/10 đã công bố bộ tiền giấy mới của nước này sau khi bỏ sáu số 0 khỏi giá trị in trên đồng tiền, giữa lúc quốc gia Nam Mỹ này đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ lạm phát tăng cao khiến nền kinh tế suy sụp.
Đây là cuộc cải cách tiền giấy thứ ba trong vòng 13 năm của Venezuela và đưa nước này trở thành quốc gia Nam Mỹ loại bỏ nhiều số 0 nhất khỏi đồng tiền của mình. Với cải cách mới, tờ bạc 1 triệu bolivar - tờ có mệnh giá cao nhất và rất khó kiếm trên thị trường - giờ chỉ là tờ 1 bolivar và giữ nguyên giá trị là tương đương 25 xu Mỹ.
Đồng bolivar đã mất ba số 0 vào năm 2008, dưới thời cố Tổng thống Hugo Chavez. Người kế nhiệm của ông là Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro đã loại bỏ thêm năm số 0 nữa vào năm 2018.
Chính phủ sẽ phát hành tiền giấy mới có mệnh giá 5, 10, 20, 50 và 100 bolivar, cũng như đồng xu 1 bolivar sau sự thay đổi mới nhất. Nhưng Chính phủ Venezuela cũng cho biết họ muốn nền kinh tế chuyển hoàn toàn sang nền tảng kỹ thuật số, một động thái được giới chuyên gia nhận định là nhằm tránh việc in thêm tiền giấy - vốn sẽ còn tiếp tục mất giá.
Hầu hết các khoản thanh toán bằng đồng bolivar hiện được thực hiện bằng thẻ ghi nợ hoặc chuyển khoản ngân hàng. Nhưng theo ước tính của khu vực tư nhân, 70% giao dịch tại Venezuela được thực hiện bằng đồng USD. Giá trên nhiều kệ hàng vẫn hiển thị bằng đồng USD để giúp mọi thứ đơn giản hơn đối với người tiêu dùng.
Đồng bolivar đã mất gần như tất cả giá trị của nó chỉ trong hơn một thập kỷ - giảm gần 73% chỉ riêng trong năm 2021. Hồi năm 2007, ngân sách hàng năm của đất nước là 115 tỷ bolivar - tương đương với 50 tỷ USD theo tỷ giá thời đó. Nhưng nếu tính bằng tỷ giá hiện thời, ngân sách trên có giá trị còn chưa tới 1 USD.
Theo số liệu của ngân hàng trung ương, Venezuela đang phải đối mặt với năm thứ tám suy thoái kinh tế liên tiếp cũng như siêu lạm phát lên tới gần 3.000% vào năm 2020 và hơn 9.500% vào năm trước đó. Nền kinh tế Nam Mỹ này đã suy giảm 80% kể từ năm 2013, do giá dầu lao dốc, sản lượng giảm sau nhiều thập kỷ thiếu đầu tư, cùng các lệnh trừng phạt của Mỹ và hoạt động quản lý yếu kém của chính phủ.