VESS: Nhiều cơ quan Trung ương thiếu minh bạch trong việc sử dụng ngân sách
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), trong khi các tỉnh ngày càng công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách, thì các cơ quan trung ương lại không có sự tiến bộ đáng kể nào.
Ngày 16/6, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã phối hợp tổ chức “Buổi công bố chỉ số công khai Ngân sách Bộ và các cơ quan trung ương (MOBI) 2020”.
Cơ quan nào đứng “bét bảng” về chỉ số minh bạch ngân sách?
Trong năm 2020, MOBI đã đánh giá, xếp hạng 44 Bộ, cơ quan Trung ương về mức độ công khai ngân sách. Trong bảng xếp hạng này, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp vẫn là hai đơn vị dẫn đầu về tính đầy đủ của các tài liệu ngân sách. Xếp ở vị trí thứ ba là Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Ngược lại, trong nhóm “cuối bảng” bao gồm Bộ Y tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, Ủy ban Sông Mê Kông, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Đứng "bét bảng" là Ngân hàng Nhà nước.
Kết quả khảo sát của MOBI 2020 cho thấy, vẫn còn nhiều đơn vị chưa công khai hoặc chưa công khai đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Thông tư 61, và Thông tư 90.
Trong đó, 17/44 Bộ, cơ quan Trung ương không công khai bất kỳ một tài liệu nào tại thời điểm khảo sát. 27/44 đơn vị cung cấp ít nhất 1 tài liệu liên quan tới ngân sách.
Xếp hạng MOBI 2020.
Đặc biệt, trong 44 Bộ, cơ quan Trung ương được nghiên cứu, có 10 đơn vị không có thư mục công khai ngân sách, và không công khai tài liệu ngân sách trên cổng thông tin điện tử, bao gồm: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Ủy ban Trung ương MTTQ, Tòa án NDTC, Văn phòng Quốc hội, Đại học Quốc gia Hà Nội; Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam....
Trước hiện tượng nhiều Bộ, cơ quan Trung ương không công khai ngân sách, hoặc công khai thiếu ngân sách, đơn vị nghiên cứu kiến nghị: Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể hơn về thời hạn công khai một số loại tài liệu ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương.
Đồng thời, Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát và điều chỉnh lại hướng dẫnv ề các thông tin và định dạng tài liệu cần công khai tại Thông tư9 0/2018/TT-BTC.
Đối với các Bộ, cơ quan Trung ương không công khai, và công khai thiêu ngân sách, đơn vị nghiên cứu kiến nghị các đơn vị công khai kịp thời các loại tài liệu ngân sách trong chuyên mục công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử của các Bộ, cơ quan Trung ương như quy định tại Thông tư 61 Thông tư số 90.
Ngoài ra, đơn vị nghiên cứu kiến Nghị Quốc hội có thể xem xét hoạt động công khai Ngân sách Nhà nước của các Bộ, cơ quan Trung ương như một trong những tiêu chí đánh giá hoạt động của Bộ, cơ quan Trung ương. Mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương là một trong những tiêu chí để phân bổ ngân sách.
Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 chưa quy định chế tài xử lý khi các đơn vị sử dụng ngân sách không thực hiện công khai ngân sách như quy định tại Điều 15 của Luật. Do vậy, Quốc hội cần xem xét bổ sung chế tài xử lý các vi phạm về thực hiện công khai ngân sách theo quy định của pháp luật.
Nhiều cơ quan Trung ương thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm trong việc sử dụng ngân sách
Trong buổi công bố, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) khẳng định: Trong khi các tỉnh ngày càng công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách, thì các cơ quan trung ương lại không có sự tiến bộ nào đáng kể, ngay cả khi Luật Ngân sách 2015 có hiệu lực từ lâu.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS, trong khi các tỉnh ngày càng công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách, thì các cơ quan trung ương lại không có sự tiến bộ đáng kể nào.
“Đây là một hiện tượng gây thất vọng vì các cơ quan trung ương đã không nêu được tấm gương xây dựng nhà nước pháp quyền, đồng thời thể hiện sự thiếu trách nhiệm giải trình đối với nhân dân. Do đó, tôi cho rằng đây là lúc Quốc hội cần phát huy vai trò giám sát của mình trong việc thúc đẩy tính công khai, minh bạch của hệ thống tài chính công”, TS Nguyễn Đức Thành khẳng định.
Đồng tình với nhận định này, TS Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định: Một số cơ quan Trung ương quan trọng cần phải “nêu gương” cũng nằm trong các cơ quan không chú trọng về công khai tài liệu ngân sách.
Điều đó cho thấy mức độ tuân thủ về công khai ngân sách, tài liệu ngân sách đang là vấn đề tồn tại, hạn chế rất lớn. Việc tăng cường vai trò của Kiểm toán nhà nước và vai trò giám sát của Quốc hội là biện pháp đúng hướng, nhất là cần vai trò thẩm tra báo cáo dự toán, quyết toán của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội trong đó phải tăng số phiên giải trình, chất vấn làm rõ nguyên nhân/lý do của tình trạng không công khai hoặc chậm trễ trong công khai ngân sách.
“Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội trong các vụ việc, sự kiện. Cũng cần tăng cường vai trò giám sát của MTTQ và các thành viên, vai trò giám sát của báo chí, công luận”, TS Lưu Bình Nhưỡng nói.