Vét giếng

Mới đầu hè giếng đã cạn. Chiếc máy bơm suýt nữa cháy vì cắm lâu không có nước lên. Lúc mở tấm đậy trên miệng giếng ra ông Hộ khẽ thở dài.

Nhẽ ra còn có thể cầm cự được ít ngày nếu như người trong nhà không sử dụng nước một cách phung phí. Ông nói mãi nhưng con cái chẳng đứa nào chịu nghe. Ngày nào cũng cắm máy giặt thì nước đâu cho đủ. Đã vậy, cái máy giặt bị chập chờn bảng điều khiển nên nhảy số lung tung. Chỉ cần ba mươi tám phút để giặt thôi, nhưng cứ được tầm mười tám phút là nó sẽ nhảy giặt từ đầu. Vợ con ông mải xem phim Ấn Độ “Hẹn tái hôn” chẳng thèm đoái hoài gì. Ông bảo: “Sắp hết nước rồi đấy. Cứ liệu hồn!”. Nhưng chẳng ai để ý đến mấy lời ông nói cứ như thể đó là chuyện của tương lai. Chắc vì giếng nằm tít trên vườn. Quanh năm đậy tấm fibro xi măng để ngăn lá khô, thạch sùng, gà con rơi xuống giếng. Chẳng ai thèm ngó ngàng đến giếng, hết nước chỉ việc cắm máy bơm là xong. Hôm qua sau khi cắm máy bơm hơn một tiếng đồng hồ vẫn không thấy nước tràn như mọi khi bà Hộ mới quát con dâu rút điện. Mở vòi vẫn không thấy nước về, hay là hết nước? Hết thật chứ hay là gì nữa! Cầm đèn pin rọi xuống tận đáy giếng, nước chỉ còn xăm xắp, cách xa chiếc ống nhựa cả một đoạn dài. Cái tin giếng cạn đủ làm nháo nhào từng ấy con người. Thà đang cắm mặt vào ti vi chờ xem đá bóng buột miệng than “lấy nước đâu mà tắm”. Anh ta lo nước tắm là phải. Người béo, một ngày chui vào nhà tắm giội nước không biết bao nhiêu lần. Có hôm nửa đêm còn giội ào ào. Vừa bước ra khỏi nhà tắm nước đã kịp khô trên da thịt. Nắng hè như cái chảo lửa hầm hập dội xuống trần gian. Chỉ thở thôi cũng đã thấy mồ hôi ra đầm đìa, cơ thể héo dần đi. Thời tiết này mà không có nước tắm thì chịu làm sao nổi. Bà Hộ than: “Nước đâu mà nấu cơm, giặt giũ, rửa rau, rửa bát bây giờ”. Ông Hộ gầm lên rung cả người: “Chúng mày coi thường lời tao nói. Giờ đã thấy nhục chưa. Tao lấy nước đâu mà mổ lợn hằng ngày bây giờ. Mà lợn không mổ được thì cả cái nhà này chỉ có mà nhịn đói”. Riêng Thuận chỉ lo giếng cạn không có nước gội đầu cho vợ. Tóc Thảo dài đến khuỷu chân, mỗi lần gội tốn hai chậu nước to, đâu có ít.

 Minh họa: NGUYỄN QUANG CƯỜNG.

Minh họa: NGUYỄN QUANG CƯỜNG.

-Bảo vợ mày cắt ngay mái tóc đi. Nước đâu mà gội.

-Thì em đi xách nước về cho vợ em gội đầu.

-Thay vì xách nước cho vợ gội đầu thì mày xách về để lấy nước nấu cơm, giội nhà xí kia kìa.

Thuận không nói gì. Cả cái làng này ai chẳng biết Thuận khờ. Người trong nhà mỗi lần nhìn cái bụng chửa chình ình của Thảo là nghi hoặc: “Chắc gì đã phải con thằng Thuận. Nó khờ thế, đời nào con Thảo tự nhiên theo. Khéo lại đổ vỏ cho thằng ăn ốc”. Thiên hạ cũng xì xào chán chê, cái Thảo vốn xinh đẹp nhất làng thế mà tự nhiên lấy một thằng vừa nghèo vừa dở. Nhà ông Hộ tuy chẳng ai ưa cái bụng bầu của Thảo nhưng thôi kệ, họ nghĩ không có nó thì ai thèm lấy con mình.

Thuận vốn là người vô âu vô lo. Ra ngoài gặp ai cũng cười. Ai nói gì cũng nghe. Ai nhờ gì cũng làm. Ở nhà Thuận chẳng bao giờ tranh giành bất cứ thứ gì từ lời ăn tiếng nói cho đến những quyền lợi về kinh tế. Thuận như chân sai vặt, sáng thì cùng bố mổ lợn, chiều thì ra đồng hái rau để mẹ đi chợ. Trước khi có vợ, Thuận có thú vui đi bẫy chim cu gáy, chim gâu. Có khi dậy từ ba giờ sáng, mổ lợn xong là lầm lũi đi ra ruộng giăng bẫy. Buổi chiều ra đồng vác theo cần đi câu, được con cá nào đi chia hết cho hàng xóm. Bà Hộ than:

-Mày ăn cơm nhà nhưng lại lo niêu cá cho nhà khác. Đi câu thế thì đi làm gì!

-Nhà người ta nghèo mà. Tội mấy đứa nhỏ đâu có gì ăn!

Có vợ rồi Thuận chăm vợ ghê lắm. Chim bẫy mang nấu cháo cho vợ. Đi câu phải rình câu bằng được cá chép mang về tẩm bổ vợ bầu. Đi xuống suối thấy hòn đá mài cũng nhặt về cho vợ cọ chân. Đi lên rừng thấy quả đùm đũm chín đỏ là chui luôn vào giữa bụi gai hái về cho vợ. Nhìn chân tay, mặt mũi thằng con trai bị gai cào tứa máu bà Hộ chỉ biết than trời. Thiên hạ bảo hóa ra có được một thằng chồng khờ như Thuận lại sướng cả đời. Nó cưng mái tóc của vợ như người ta nâng trứng hứng hoa. Chả thế mà suốt ngày thấy đi xin bồ kết, đi hái hoa bưởi về cho vợ gội đầu. Chẳng biết Thuận học ở đâu cách làm tinh dầu hoa bưởi mà suốt mùa cứ cắm cúi chưng cất mãi. Ai đó đi qua hỏi: “Cái đó để làm gì?”. Thuận cười bảo: “Để vợ bôi tóc cho mềm mượt, thơm lâu”. Bây giờ giếng cạn thì thiên hạ lại được thấy thêm hình ảnh thằng khờ đi gánh nước về cho vợ mình tắm gội. Trước giờ chẳng quen làm việc nặng bao giờ nên dáng thằng khờ cứ xiêu vẹo trong trời chiều bởi gánh nước trên vai. Chỗ xin nước thì xa, gánh đầy thùng về nhà vơi mất nửa. Lúc được giội từng gáo nước mát lên đầu Thảo đâu thấu vai chồng mình đau nhừ. Cái lưng như muốn gãy ra. Đêm nằm cạnh nhau Thuận đâu dám duỗi người. Vì sợ những cơn đau sẽ bật thành tiếng kêu khiến vợ mình trở giấc.

Chờ mãi vẫn không có nổi một cơn mưa. Chẳng mấy chốc mà cả làng đều hết nước. Ngay cả những giếng nằm ngay sát cánh đồng không bao giờ hết nước mà năm nay cũng cạn. Mọi người đành phải vác can ra đầu làng mua nước. Xe ô tô chiều nào cũng chở nước sạch đến bán bốn chục nghìn một mét khối. Khổ nỗi có tiền cũng không mua được nhiều. Nước chỉ có bấy nhiêu còn phải chia đều cho dân làng nữa. Nước hết, mọi nhu cầu sinh hoạt đều bị hạn chế một cách tối đa. Hai ngày tắm một lần. Nước vo gạo để rửa rau, rửa rau xong để tráng qua bát đũa bẩn một lần rồi đổ vào một cái xô dành dội nhà vệ sinh khi cần gấp. Chứ ông Hộ ra lệnh rồi: “Đi vệ sinh lên hết trên đồi. Vừa mát mẻ lại vừa không tốn nước”. Vợ Thuận bầu đêm hôm đâu có tiện đi lại, leo đồi nhỡ ngã ra đấy thì sao? "Thì mày đi mà vét giếng cho sạch rồi đào sâu hơn lấy nước cho vợ mày tắm gội". Thà nói chơi với em vậy thôi chứ có đào sâu thêm nữa cũng chẳng thể lấy đâu ra nước. Đêm đó thấy vợ trằn trọc vì ngứa đầu không thể ngủ được, Thuận ngó ra cửa sổ nhìn trăng hồi lâu rồi bỗng nhiên quay ra dặn vợ: “Chờ anh đi kiếm nước cho em gội đầu. Tý anh về”.

Nhưng Thảo nằm chờ mãi vẫn không thấy chồng về. Sáng hôm sau cả nhà túa đi tìm. Sông cạn, suối cạn, đồng cũng cạn khô không ai biết thằng Thuận có thể đi kiếm nước chỗ nào. Thà bỗng nhiên nhớ ra điều gì đó, anh ta chạy thục mạng về phía giếng. Tấm fibro xi măng đậy giếng đã được dỡ ra. Thà bủn rủn chân tay ngó xuống. Thuận ở đó, ngồi tựa vào thành giếng bên cạnh thùng nước vét được. Nước trong thùng đã kịp lắng cặn, trong veo được người ta đưa lên cùng với xác Thuận khờ. Chỉ có khờ mới không biết rằng dưới đáy giếng thường chứa nhiều khí độc.

Trong đám tang của Thuận, cánh đàn ông vừa bốc xôi uống rượu vừa bảo: “Đúng là khờ. Sao lại phí đời mình vì mái tóc của một con đàn bà. Mà đúng là thứ đàn bà vô dạng. Hết nước thì cắt phéng mái tóc là xong. Để lượt thà lượt thượt, ăn trắng mặc trơn rồi làm tình làm tội thằng chồng. Lấy về làm vợ làm mẹ chứ đâu phải lấy về làm cảnh”. Đàn bà trong làng bảo nhau: “Cô Thảo sướng mới lấy được chồng khờ như Thuận”. Họ nhìn mái tóc dài của Thảo mà ao ước. Tóc của họ xơ rối, lúc nào cũng búi lại trên đầu cho gọn. Đi làm đồng đâu ai buông được tóc. Nên thỉnh thoảng lại thấy tiếng rao “ai tóc dài tóc rối bán đi” dừng lại trước cổng nhà ai đó. Lại có thêm một người đàn bà bán tóc. Được vài trăm nghìn đồng chứ mấy. Đi chợ thấy chiếc dây buộc tóc lấp lánh họ cũng tiếc chính mình. Giờ nhìn Thảo mang gầu nước chồng vét được dưới giếng đi gội đầu, xõa một mái tóc dài sạch sẽ thơm tho bên quan tài chồng. Họ khóc.

Những sợi tóc hình như cũng khóc...

Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/vet-gieng-629467