'Vết sẹo' khó lành ở thị trấn Israel hứng nhiều rocket Hamas nhất
Những 'vết sẹo' của nhiều năm hứng lửa đạn rocket đã hằn sâu tại Sderot, thị trấn vùng biên giới phía nam Israel.
Vết sẹo dưới lớp vỏ "bình thường"
Chỉ ba tháng sau cuộc chiến mới nhất giữa Israel và nhóm Hamas ở Dải Gaza, thị trấn biên giới Sderot dường như đang trên đà phục hồi. Đường phố nhộn nhịp, nhiều công viên và sân chơi được chăm sóc cẩn thận. Thị trường bất động sản địa phương đang bùng nổ.
Nhưng bên dưới lớp vỏ “bình thường” đó, những "vết sẹo" của nhiều năm hứng lửa đạn rocket đã hằn sâu.
Các mảnh vỡ kim loại của tên lửa được trưng bày bên ngoài đồn cảnh sát chính Sderot, như một kiểu bảo tàng. Bên cạnh mỗi công viên và bến xe buýt là một hầm trú bom nhỏ bằng bê tông - thường được trang trí bằng những bức tranh tường đầy màu sắc. Một khẩu đội tên lửa phòng thủ Vòm Sắt nằm ở rìa phía đông của thị trấn, chỉ cách một khu chung cư mới vài trăm mét.
Một số cư dân Sderot nói rằng họ nhạy cảm với cả tiếng ồn nhỏ nhất. Những bậc cha mẹ cho biết trẻ con thường tè dầm hoặc quá sợ hãi khi ngủ một mình.
Noam Biton cho biết cô đã tận hưởng một tuổi thơ bình thường ở Sderot. Nhưng cô nữ sinh trung học 16 tuổi nói rằng điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một trong những ký ức mạnh mẽ nhất của cô là tiếng còi báo động không kích vang lên khi cô đang tham dự một tiệc kỷ niệm trong quán bar vào một ngày yên tĩnh.
“Chúng tôi nằm rạp xuống mặt đất, ba người chúng tôi”, Biton kể lại, "Thứ duy nhất bảo vệ chúng tôi là một chiếc xe hơi. Tên lửa rơi xuống gần đó, rải mảnh đạn văng khắp khu vực".
Hoạt động tích cực trong đội trinh sát địa phương, Biton cho biết cô luôn cẩn thận ngồi cạnh cửa khi đi xe buýt, đề phòng trường hợp có còi báo động cần phải nhanh chóng sơ tán.
Bà Dvora, mẹ của Biton, một cư dân lâu năm ở Sderot nói rằng cảm giác bất ổn là người bạn đồng hành thường xuyên của bà. “Thật buồn khi có người kiểm soát cuộc sống của bạn bất cứ lúc nào. Chúng tôi không thể thoát đi đâu”.
Bốn cuộc chiến hằn lên đau thương
Israel và nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas đã đối đầu trong bốn cuộc chiến và nhiều cuộc giao tranh kể từ khi Hamas giành quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007, một năm sau khi nhóm này chiến thắng trong cuộc bầu cử của người Palestine.
Không thể so sánh điều kiện ở Gaza và ở miền nam Israel. Các cuộc không kích của Israel đã giết chết khoảng 4.000 người Palestine, bao gồm hàng trăm dân thường, trong 4 cuộc chiến đó và gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng của Gaza. Hàng chục nghìn người, không thể chạy trốn khỏi dải đất hẹp nghèo khó và bị cô lập, phải hứng chịu những vết thương tinh thần sâu sắc.
Về phần mình, người Israel được bảo vệ bởi hệ thống phòng thủ tên lửa, có quyền lựa chọn tạm thời thoát khỏi tầm bắn của rocket và được tiếp cận với dịch vụ tư vấn tâm lý cũng như các hỗ trợ của chính phủ. Tuy nhiên, hơn 100 người đã thiệt mạng bên phía Israel trong 4 cuộc chiến, trong khi hỏa lực tên lửa hạng nặng khiến cuộc sống của hàng triệu người đình trệ trong thời gian giao tranh. Ngay cả trong những khoảng thời gian yên tĩnh, rocket cũng có thể nổ bất cứ lúc nào mà không có cảnh báo trước.
Không có nơi nào ở Israel bị ảnh hưởng nặng nề bởi hỏa lực rocket của người Palestine hơn Sderot, một cộng đồng đa số dân thuộc tầng lớp lao động chỉ cách biên giới Gaza khoảng 1,5 km. Tuy nhiên, hai thập kỷ sau khi những quả tên lửa thô sơ đầu tiên hạ cánh xuống thị trấn, các chuyên gia vẫn đang cố tìm ra những ảnh hưởng lâu dài của chúng đối với một thế hệ cha mẹ và trẻ em đã trưởng thành trong môi trường đau thương này.
Talia Levanon, Giám đốc Liên minh Chấn thương Israel, cho biết: “Những người đang sống ở miền nam Israel hiểu rằng vụ tấn công tiếp theo chỉ là vấn đề thời gian”. “Bạn đang cố gắng chữa lành vết thương từ lần trước trong khi chuẩn bị cho lần tiếp theo, điều này khiến công việc của chúng tôi rất, rất khó khăn”, bà Levanon nói.
Nỗ lực phục hồi
Tổ chức phi lợi nhuận của Levanon điều hành một loạt "trung tâm phục hồi" ở khắp miền nam Israel, cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, bao gồm tư vấn và hội thảo cho gia đình và cộng đồng.
Cuộc chiến kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas vào tháng 5 vừa qua là lời nhắc nhở mới nhất về vị trí bất ổn của Sderot. Gần 300 quả rocket đã được Hamas bắn vào Sderot, theo chính quyền địa phương. Bất chấp sự bảo vệ của hệ thống Vòm Sắt, 10 quả tên lửa đã tấn công trực diện vào các tòa nhà - trong đó có vụ tấn công khiến một cậu bé 5 tuổi thiệt mạng.
Cư dân Sderot thường sử dụng từ “khả năng phục hồi” khi mô tả về cộng đồng. Và theo nhiều cách, Sderot dường như đang bật dậy mạnh mẽ.
Từng được biết đến như một vùng nước tù bụi bặm ở sa mạc Negev của Israel, Sderot ngày nay đã phát triển thành một thị trấn nhộn nhịp với khoảng 27.000 dân, với những khu chung cư mới và biệt thự đắt tiền. Thị trấn có một ga xe lửa kiên cố kết nối nơi đây với các thành phố lớn. Sderot cũng có các trung tâm mua sắm, những quán bar và nhà hàng quen thuộc với sinh viên một trường cao đẳng trong thị trấn.
Các nhà nghiên cứu nói rằng những người lớn lên ở đây có xu hướng ở lại thị trấn khi trưởng thành, vì họ mang trong mình niềm tự hào và mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng.
Yaron Sasson, phát ngôn viên của chính quyền địa phương, cho biết cả cư dân kỳ cựu và những người mới đến thường được thu hút bởi những khoản giảm thuế đặc biệt, các dịch vụ hào phóng nhờ sự hỗ trợ của chính phủ và các nhà tài trợ ở nước ngoài. Vào thời điểm mà phần lớn đất nước hiện nằm trong tầm bắn của tên lửa, ông Sasson cho biết Sderot thậm chí còn được coi là tương đối an toàn, nhờ có nhiều hầm tránh bom và các trường học, nhà trẻ đều được gia cố.
Những vết thương khó lành
Tuy nhiên, theo Liên minh Chấn thương Israel, các cư dân phải chịu một loạt các triệu chứng. Thanh thiếu niên có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, hung tính và tăng huyết áp cao hơn so với các bạn trong cộng đồng khác.
Lo lắng, trầm cảm, khó ngủ và kiệt sức là những triệu chứng phổ biến ở người lớn. Và các nhà nghiên cứu hiện mới chỉ bắt đầu nghiên cứu ảnh hưởng của việc lớn lên ở Sderot đối với kỹ năng nuôi dạy con cái của cha mẹ trẻ. Một câu hỏi khác là làm thế nào những người trẻ tuổi ở Sderot - những người thường xuyên kinh hãi bởi tiếng rocket - có thể thực hiện nghĩa vụ quân sự, điều bắt buộc đối với hầu hết người Israel gốc Do Thái.
Dvora Biton nói rằng bất cứ khi nào đi ra ngoài bằng ô tô, bà sẽ tìm con đường đi qua hàng chục hầm trú bom rải rác khắp thị trấn. Cửa sổ xe luôn mở, âm lượng trên radio để ở mức thấp và hộc đựng thức ăn chất đầy đồ hộp. Bất kỳ âm thanh lớn nào, thậm chí là một quả bóng bay nổ, cũng khiến bà giật bắn mình.
“Đó là điều mà bạn nghĩ tới khoảng 24 giờ một ngày. Bạn không thể thoát khỏi nó, ngay cả khi đang ngủ”, bà Biton chia sẻ.
15 năm trước, trước khi có hệ thống Vòm Sắt, một quả tên lửa đã rơi xuống ngay ngoài ngôi nhà của gia đình Biton, để lại một mảnh kim loại găm vào cửa trước. Dvora Biton đã để mảnh vỡ trong cánh cửa suốt nhiều năm, chỉ gần đây bà mới đủ mạnh mẽ để loại bỏ nó trong quá trình sửa sang nhà cửa.
“Tôi muốn để nó ở đó như một lời nhắc nhở rằng chúng ta đang sống trong một thực tế khốc liệt. Nhưng mặt khác, tôi vẫn có cảm giác muốn thoát khỏi những điều này", bà Dvora chia sẻ.