Vết thương nhỏ khi vui chơi khiến bé gái nguy kịch

Bé gái 7 tuổi, được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, chân sưng tấy. Một tuần trước, trẻ chơi đá bóng và bị thanh gỗ mục đâm vào chân.

Bệnh nhi (quê Hà Giang) được đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cấp cứu, trong tình trạng gồng cứng, co giật, tím tái, suy hô hấp.

Một tuần trước khi nhập viện, bé gái chơi đá bóng và bị thanh gỗ mục đâm vào mu bàn chân trái. Gia đình chỉ sơ cứu tại chỗ, không đưa trẻ đi tiêm huyết thanh phòng uốn ván cũng không phát hiện dị vật còn sót lại trong vết thương.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trang nguy kịch và đang phải hồi sức tích cực. Ảnh: Đặng Thanh

Bệnh nhi nhập viện trong tình trang nguy kịch và đang phải hồi sức tích cực. Ảnh: Đặng Thanh

Ba ngày sau, vết thương của trẻ khô mặt, chỉ hơi tấy đỏ nên gia đình chủ quan, cho rằng không nghiêm trọng. Đến ngày thứ 6, bệnh nhi có biểu hiện mệt mỏi, đau cơ toàn thân, ăn uống kém.

Ngày thứ 7, bé gái xuất hiện tình trạng cứng hàm, gồng cứng tay chân, co giật toàn thân và được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, suy hô hấp cấp, co giật toàn thân, môi tím tái do uốn ván toàn thể từ vết thương mu bàn chân trái. Các bác sĩ đặt nội khí quản, hỗ trợ thở máy và lấy ra mảnh gỗ 1 x 0,3cm từ vết thương.

Bác sĩ Hà Việt Huy, Trung tâm Hồi sức tích cực, cho biết bệnh nhi diễn biến rất nhanh và nặng. Trẻ có thời gian ủ bệnh ngắn, triệu chứng khởi phát ồ ạt, co cứng cơ toàn thân, suy thận cấp, nước tiểu đỏ như máu, nguy cơ tử vong rất cao.

Theo bác sĩ Huy, bệnh uốn ván hiếm gặp ở trẻ em đã tiêm phòng đầy đủ (2-7 tuổi). Tuy nhiên, nếu không được tiêm nhắc đúng lịch hoặc xử trí vết thương đúng cách, vi khuẩn uốn ván vẫn có thể gây bệnh.

Vết thương ở chân và dị vật là miếng gỗ mục được lấy ra sau nhiều ngày

Vết thương ở chân và dị vật là miếng gỗ mục được lấy ra sau nhiều ngày

Nha bào uốn ván có thể xâm nhập qua các vết thương rất nhỏ ở da và niêm mạc như gai đâm, đinh đâm, xước da, dập móng, ngoáy tai, xỉa răng, bấm lỗ tai… hoặc là những vết thương to, sâu, thường gặp trong lao động, tai nạn giao thông, gãy xương hở, bỏng sâu.

Nhiều trường hợp không phát hiện được đường xâm nhập vì vết thương đã khâu kín hoặc tự liền nhưng bên trong vẫn còn tổ chức hoại tử, dập nát hoặc dị vật. Nếu có nhiễm khuẩn kèm theo sẽ thuận lợi cho vi khuẩn uốn ván phát triển và sinh độc tố.

Theo bác sĩ Huy, tỉ lệ tử vong do uốn ván rất cao nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc-xin uốn ván đầy đủ và xử lý kỹ mọi vết thương, kể cả những vết xước nhỏ.

D.Thu

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vet-thuong-nho-khi-vui-choi-khien-be-gai-nguy-kich-19625050121463154.htm