Vết thương phố thị
Đó là buổi chiều tôi chạy bộ trên con đường dẫn ra bờ biển ở một làng quê nhỏ tại West Java, Indonesia.
Ông bác sĩ ở Sài Gòn nói tốt nhất tôi nên dừng chạy bộ trong ngày có sương mù - hay đúng hơn trên ứng dụng đo độ ô nhiễm bụi mịn - là những ngày nhiều bụi mịn, độ ô nhiễm cao. Phổi và mắt là những vị trí đầu tiên cảm nhận được sự khó chịu. Hai tuần sau, cơn ho vẫn không hết dù tôi liên tục tập luyện và uống thuốc theo yêu cầu của phòng khám.
Ngày cuối cùng ở Sài Gòn, quanh bờ kênh, những người câu cá vớt lên bờ kè vài mẻ lưới nhỏ, mấy chú cá móc kèm với bọc nylon, ngơ ngác rời khỏi dòng nước đục ngầu chúng lìa xa để nhìn bờ kè lần cuối trong đời.
Tôi rời khỏi Sài Gòn vội vã, mang theo cơn ho quyết không dừng cả ngày lẫn đêm. Chỉ vài ngày sau ở West Java, tôi ngừng ho, chạy bộ mỗi ngày bên bờ biển và chơi lướt sóng như chưa từng có đợt bệnh nào rã rời trước đó. Có thể tôi chỉ là một trong nhiều kẻ gặp phải hội chứng muốn dứt áo bỏ thành phố mình rất yêu quý mà ra đi?
Sài Gòn là tuổi trẻ của tôi. Xe bánh mì lặn lội, đơn sơ có thể là mật ngữ của sự dịu dàng, yên tâm cho bữa sáng. Những tiếng rao hàng bằng loa máy rè rè là tiếng lòng lạc lõng của người vất vả kiếm sống khuya xa. Bờ kênh với mấy ông già nhậu lè phè chén chú, chén anh là phần chạm trán với sự nghèo khổ bất an và cả tâm thế vô tư của Sài Gòn. Tâm thế lượng thứ. Phần hồn chân phương, dỗ dành người yếu đuối lạc loài. Tuổi trẻ ấy, cúi nhìn bàn tay tôi có thể thấy cả thành phố in sâu kỷ niệm trong từng vết chai sần thân thuộc. Quê hương ấy đã tạo nên chính mình.
Nhưng rồi, chúng tôi rời khỏi thành phố.
Người bạn tôi bỏ Sài Gòn về Sa Đéc sống. Cô bảo quê cô kiếm tiền khó dữ lắm mới được chưa tới 10 triệu đồng/tháng. Nhưng cô đạp xe về vườn hoa của má mỗi chiều thư thả. Chẳng có đoạn kẹt xe cứng ngắc cổ chai nào dài tới 45 phút. Chẳng có chiều mưa to con gái cô khóc ré lên vì sợ nước ngập tới yên xe. Chỉ có vườn hoa nhà ngoại, và sáng sớm cô thỏa mãn giấc mơ đau đáu mấy năm trời: được đạp xe mỗi ngày đi làm ngoài thị xã.
Anh bạn làm hàng trái cây chúng tôi biết nhiều năm trước tuyên bố: cuối cùng ước mơ của anh thành hiện thực, anh bỏ được Sài Gòn. Bỏ Sài Gòn với chút vốn ki cóp trong tay, anh có vườn trái cây và làm đầu mối cho cả xóm trồng cây trái quanh đó. Anh muốn được nhìn thấy vườn cây trái mỗi ngày. Kiếm sống sung túc đầy đủ để lo cho gia đình, nhưng không phải vật lộn với những hằn học leo thang trong cuộc trao đổi gấp gáp mỗi khi chuyển hàng đi trong thành phố.
Rời bỏ Sài Gòn - những kẻ như tôi hẳn đang bỏ chạy khỏi quê hương của mình.
Giá trị sống của một đô thị gắn bó sâu sắc trong những vết tích văn hóa và cảm xúc mà thành phố dành cho mỗi người. Mối duyên của vật vô tri như thành phố trở thành linh hồn sâu sắc và gắn bó theo cách như vậy. Người ta ấm ức khi chia tay nhau ngoài sân ga Hòa Hưng, nơi kỷ niệm có viết lại đầy day dứt trong những câu hát của Lê Uyên Phương. Người ta buồn đầy cảm thông trước tuổi trẻ bất an và lửa đạn giữa đô thị chiến tranh, theo từng khúc nhạc Trịnh Công Sơn. Nhưng có lẽ, rồi người ta (có thể như tôi) một ngày nào đó, trằn trọc không ngủ được vì cơn ho rũ rượi kéo dài suốt đêm, trong màn sương mù của thành phố mang sinh mệnh phát triển.
Cuối cùng chúng tôi đã biến quê hương của mình thành một phố thị du lịch - kiểu như mình đi Thái, đi Phi, kiểu như xa lạ tới quẩy chơi vài bữa rồi về.
Không ngủ được - tôi rời thành phố ra đi. Bao gắn bó và xao xuyến tâm hồn chẳng bù trừ được cho thân thể rã rời và vụn vỡ dần cảm tính mến thương. Nhiều lần chúng tôi hỏi nhau, mình nhớ gì nhất ở Sài Gòn - nhớ tiệm bánh mì Bảy Hổ trong con hẻm Huỳnh Khương Ninh, nhớ hai tiệm cà phê ngon hết cỡ nằm kẹp hai góc sát anh bán bánh mì - nhớ những đêm ăn chè Tàu ngoài quận 1 và mất điện - nhớ bờ kênh xanh xao của chuyện trò và biết bao lần thấy cuộc sống mình ngừng trôi chảy. Nhớ rất nhiều. Nhưng nỗi nhớ chìm xuống cho cái lắc đầu ngạt thở - tôi không muốn chết chìm trong đô thị ô nhiễm không khí.
Tôi muốn sống.
Sự sống trong lành đó miễn phí và giản đơn như gói bánh da lợn màu xanh mà chị hàng trao tay rồi cười toe thối lại vài trăm đồng lẻ ở thị xã Sa Đéc.
Sự sống đó ồn ào và xôn xao trong những ngôi làng Indonesia bên bờ biển, nơi tụi con trai chơi dưới sóng nước cả ngày và chuyến tàu đánh cá về thơm biếc mùi đại dương.
Sự sống - khắc nghiệt trong hoang mạc - vần vũ những chiều đầy mây và gió lạnh đau buốt - nơi nhiệt độ chênh nhau đến 20 độ C đêm - ngày.
Sự sống - như có lần tôi cúi đầu cười - khi một bà bán khô mực ngoài Hà Tiên hỏi - cô ở Sài Gòn về tận đây chi - không lẽ bảo con tới đây ăn khô mực hít khí trời đầy cây dương biển xanh thơm.
Có lần trong giấc mơ liều lĩnh, tôi quyết để cái thân thể bản năng kéo mình đi đâu mà nó khao khát chọn lựa. Không dùng đến kỷ niệm và tình bằng hữu ấm áp níu giữ chân mình nữa. Vậy là tôi đi thẳng đến một rừng quốc gia ở miền Nam Thái Lan, đi bộ cạnh con voi ồn ào chậm rãi. Cậu chủ của con voi đẩy mông nó hướng về một hồ nước. Voi đi vài chục bước, hút nước uống đã đời rồi xịt đầy đầu người chủ. Hết một buổi chiều. Nắng của rừng yếu ớt xuyên qua mấy hạt nước thủy tinh voi thổi lên trời.
Những tuyệt diệu của tự nhiên xâm chiếm và kéo tôi đi như một sinh vật lạc đường cố tìm về nơi nó từng tồn tại. Tôi thú thật với cô bạn người Indonesia: “Tớ đến đây vì biển West Java trong lành quá”. Cô nhún vai: “Tớ rời Jakarta cũng để thấy sự trong lành này”. Khi cô kể, tôi biết thủ đô của Indonesia đang chìm xuống vì biến đổi khí hậu, trong những cuộc kẹt xe ngộp thở vì khói thải.
Tôi thú nhận với thiên nhiên bao vùng đất mình đi qua - xin lỗi - tôi tìm đến đây để chạy trốn một thành phố vong thân ở quê nhà.
Phải đi xuống miền Nam Chile để hiểu những ngọn núi nguyên sơ thầm thì sự hoang dại còn lại ở cùng trời cuối đất. Phải dùng tất cả sức mạnh trong những chuyến đi bộ dài trong sa mạc Nevada, Arizona để kiếm tìm sự tĩnh lặng đã biến mất khỏi cõi người - từ khi ta quay cuồng trong phố thị. Phải dành những đêm lạnh căm ngủ ngoài trời, ngẩng đầu nhìn trời cao, để thấy ngoài bản thân ta còn có một bầu trời tồn tại, chuyển động, sinh tồn... vượt qua ngoài giới hạn tưởng tượng mơ hồ ta nghe trong chuyện cũ.
Tôi chỉ là một đứa loài người trong cuộc chạy trốn khỏi những vùng đất dần mất đi linh hồn vì kiệt quệ và tổn thương.
Trò tiêu khiển bạn tôi làm là đứng trên tầng 16 căn hộ, chụp một bức ảnh mờ ảo và bảo Sài Gòn giờ như Đà Lạt. Ngày kẹt cứng trên con đường đến buổi hẹn, bạn tôi bảo không cần đến sớm, giờ ai chẳng kẹt xe, chẳng ai nỡ lòng nào nói gì đâu. Hay như bác sĩ, ông bảo tôi ngừng chạy bộ đi sẽ hết ho, tại lâu quá không ở Sài Gòn nên bị vậy.
Trong cuộc chạy trốn kỳ dị đó, tôi biết mình sẽ là kẻ thua cuộc, như những đứa bạn Indonesia, Philippines, Bangladesh, túa ra chạy trốn khỏi những đô thị quê nhà - nơi tất cả dấu yêu dính chặt gốc rễ vào đó. Chúng (giống như tôi) đang tâm bỏ đi - ngụp lặn cùng trời cuối đất - tìm những mưu cầu tầm phào nhất của đời sống loài người: được thở, được mở mắt, được tưởng tượng, và được mưu cầu không hằn học nghi ngại những vật lộn chen chúc sẽ giết chết mình trong từng khoảnh khắc.
Nhưng rồi mỗi tháng năm dần xa nhau, tôi lại thấy hình hài thành phố trương dần lên trong trí nhớ mình như một vết thương, càng lờ đi càng xước đau đớn sâu thêm. Sài Gòn đó những đêm không ngủ. Sài Gòn những chuyện trò có bao giờ dứt. Sài Gòn, thuở mình mơ ước vô cùng và thành phố hào phóng đặt tất cả vào tay mình. Sài Gòn, áo lụa hay áo bà ba, áo dài hay áo ngắn, cứ thế xất bất xang bang sống trọn vẹn cùng nhau.
Có một chiều, bạn tôi bảo hay tụi mình về Sài Gòn đi ăn với nhau mấy bữa. Tôi cũng gật đầu.
Một vết đắng dâng lên trong miệng - à ra vậy, cuối cùng chúng tôi đã biến quê hương của mình thành một phố thị du lịch - kiểu như mình đi Thái, đi Phi, kiểu như xa lạ tới quẩy chơi vài bữa rồi về.
Sài Gòn chẳng phải mái nhà tổ ấm nữa.
Là chốn đã xa rồi.
Là ký ức đã rách nát muôn phần vì vật lộn sống còn - như hàng trăm đô thị khổng lồ khắp thế giới - đang đầu độc mỗi đứa con yêu thương nó vô cùng.
Đến ngạt thở.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/vet-thuong-pho-thi-22208.html